16/08/2024 18:01 GMT+7

Trường cao đẳng đào tạo bán dẫn, được không?

Trường cao đẳng Việt Nam liệu có đủ sức tham gia vào 'cuộc chơi' đào tạo lao động cho các ngành về công nghệ bán dẫn?

TS Nguyễn Minh Sơn trao đổi tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN

TS Nguyễn Minh Sơn trao đổi tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Câu hỏi này là chủ đề chính trong hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường cao đẳng", diễn ra tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chiều 16-8.

Về tổng quan, TS Nguyễn Minh Sơn - trưởng khoa kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, Việt Nam đang đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động cho ngành bán dẫn. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 30.000 - 50.000 lao động chất lượng cao trong ngành này.

TS Nguyễn Minh Sơn giải thích trong ba khâu thiết kế (Design), sản xuất (Manufacturing) và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (Assembly - Testing - Packaging, ATP), từ trước năm 2023, một số trường đại học có giảng dạy một vài nội dung khâu thiết kế trong một số chuyên ngành nhưng gần như chưa đào tạo trong khâu sản xuất hay ATP.

Đến năm 2024, theo thống kê hiện có khoảng 15 trường đại học có ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu vẫn đi vào khâu thiết kế và một số bắt đầu đào tạo ATP. Các trường cao đẳng chưa tham gia vào đào tạo các ngành liên quan đến bán dẫn.

Theo TS Nguyễn Minh Sơn, hướng phát triển và đào tạo ngành bán dẫn nên tiếp tục đẩy mạnh vào khâu thiết kế và ATP. Riêng khâu ATP vừa sức với năng lực công nghệ của nhiều đơn vị trong nước hiện nay, đồng thời có thể đón đầu xu hướng chuyển dịch ngành vi mạch bán dẫn trong khu vực.

"Với khâu sản xuất, Việt Nam có thể đi theo hướng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và dần tận dụng những nguồn lực phát triển của họ", ông Sơn nói.

GS.TS Đặng Lương Mô - giáo sư danh dự Đại học HOSE (Tokyo) - chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN

GS.TS Đặng Lương Mô - giáo sư danh dự Đại học HOSE (Tokyo) - chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần TUMIKI - đánh giá đào tạo nhân lực cho khâu ATP sẽ hợp lý hơn với các trường hệ cao đẳng, còn khâu thiết kế phù hợp hơn cho bậc đại học và sau đại học. 

Hiện tại, khâu thiết kế đòi hỏi nhân lực có trình độ công nghệ cao rất cao. 80% kỹ sư thiết kế trong ngành vi mạch đều có bằng thạc sĩ, trong khi "ông lớn" trong ngành bán dẫn TSMC yêu cầu lao động tối thiểu phải có bằng cao học.

Theo ông Tuấn, khó khăn cho các trường cao đẳng nằm ở chương trình đào tạo và khả năng đảm bảo thực hành cho sinh viên.

Về chương trình đào tạo, ông Tuấn kiến nghị thay vì phát triển riêng lẻ, các trường cao đẳng lớn có thể cùng nhau hợp tác, đóng góp các chuyên gia tiềm năng của từng trường để thành lập một nhóm phát triển chương trình. Nhóm này sẽ được tài trợ để tập huấn kinh nghiệm từ các trường đại học, cao đẳng nước ngoài mạnh về lĩnh vực ATP.

Về khâu thực hành, ông Tuấn chia sẻ đây là khâu quan trọng nhất bởi khi tuyển dụng nhân sự cho ngành bán dẫn, các doanh nghiệp thường đòi hỏi ứng viên đã từng thực tế trải qua hầu hết các nhiệm vụ thực tế.

Vì cơ sở vật chất thực hành cho ngành bán dẫn rất "đắt đỏ", ông Tuấn cho rằng các trường nên tận dụng những nguồn lực bên ngoài, đặc biệt từ các đối tác mạnh về vi mạch bán dẫn.

Chẳng hạn, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp Đài Loan đang có nhiều dự án kết nối với các trường cao đẳng Việt Nam, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam… tạo điều kiện cho các trường có thể tận dụng cơ sở vật chất của các doanh nghiệp.

TS Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: TRỌNG NHÂN

TS Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tổng cục đang rà soát nhu cầu lao động bán dẫn trình độ cao đẳng

TS Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết tổng cục đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát năng lực đào tạo các ngành mới nổi, bao gồm ngành liên quan đến bán dẫn. Tổng cục cũng đang khảo sát nhu cầu nhân lực bán dẫn ở trình độ cao đẳng.

Dựa trên kết quả, sẽ đề xuất bổ sung ngành nghề liên quan đến bán dẫn vào danh mục đào tạo và hỗ trợ các trường cao đẳng có kết nối mạnh với doanh nghiệp. Khi nhu cầu lao động tăng, tổng cục sẽ tham mưu thêm chính sách hỗ trợ phát triển ngành này.

Năm đầu tuyển sinh, học phí ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn tại các trường đại học ra sao?Năm đầu tuyển sinh, học phí ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn tại các trường đại học ra sao?

Năm 2024 có trên 10 trường đại học mở ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn. Học phí dao động từ 30 đến 86 triệu đồng/năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên