Rất nhiều sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) phải ôn và thi để đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra tại trung tâm ngoại ngữ của trường - Ảnh: M.Giảng |
Ngày 24-3, hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng ra văn bản về việc tổ chức học ôn tiếng Anh cho học sinh khóa 2013 bậc trung cấp và 2012 bậc cao đẳng.
Trước đó, ngày 15-3 trường tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh cho học sinh, sinh viên hai khóa này và kết quả, theo sinh viên, số lượng người đạt từ 5 điểm trở lên rất ít và hầu hết phải tham gia khóa học ôn này.
Để đạt điều kiện xét tốt nghiệp về ngoại ngữ, sinh viên CĐ phải đạt 450 điểm TOEIC và trung cấp là 350 điểm TOEIC. Điều đáng nói là trường ra thông báo này khi sinh viên chuẩn bị đi thực tập, tốt nghiệp.
Lo không tốt nghiệp đúng hạn
Một sinh viên CĐ khóa 2012 ngành công nghệ thông tin cho biết: “Sau khi nhập học, sinh viên phải học một tuần sinh hoạt công dân đầu khóa để biết nội quy nhà trường và hình thức xử phạt. Trong đó có một buổi do thầy phó hiệu trưởng đứng lớp, một sinh viên có nêu câu hỏi: trường có yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh là bao nhiêu không?
Thầy trả lời trường không yêu cầu bất cứ bằng cấp nào. Năm học đầu tiên trường dạy tiếng Anh giao tiếp, năm hai bắt đầu dạy tiếng Anh chuyên ngành. Tuy nhiên sau tết, còn ít ngày nữa là thi học kỳ II năm 3 và chuẩn bị đi thực tập thì ngày 2-3 lớp em nhận được văn bản của nhà trường báo rằng ngày 15-3 sẽ tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh bằng B1.
Mỗi sinh viên phải đóng 50.000 đồng lệ phí thi. Sinh viên nào không đạt 450 điểm TOEIC sẽ đóng tiền học lại để lấy bằng. Sinh viên phải đạt kết quả tiếng Anh chuẩn đầu ra này mới được cấp bằng tốt nghiệp”.
Theo thông báo của trường, có tổng cộng ba khóa ôn thi tiếng Anh căn cứ vào kết quả kiểm tra. Nếu kết quả điểm dưới 2.5 điểm thì đóng học phí là 360.000 đồng, kết quả điểm trong khoảng 2.5-3.5 thì đóng học phí là 360.000 đồng và kết quả điểm trên 3.5 điểm thì đóng học phí 380.000 đồng. Nếu kết quả điểm từ 5 điểm trở lên thì khỏi đóng tiền học mà chỉ cần nộp bằng tiếng Anh B1.
Những sinh viên điểm dưới 2.5 phải học ít nhất ba khóa, mỗi khóa 36 tiết, trong đó có một khóa tiếng Anh tăng cường A2 và hai khóa ôn thi A2, B1 mới có thể đạt chuẩn B1, đó là chưa kể sinh viên không đạt điểm của khóa trước có thể sẽ phải học lại. Như vậy, thời gian tốt nghiệp của sinh viên sẽ bị kéo dài.
Một sinh viên đạt dưới 2.5 điểm kiểm tra tiếng Anh băn khoăn: “Trường đưa ra quyết định quá gấp làm sinh viên không thể xoay kịp. Bây giờ còn hơn một tháng nữa để thực tập mà trường bắt học tiếng Anh B1 và tin học A.
Tại sao ngay từ đầu khóa học trường không thông báo để sinh viên có thời gian chuẩn bị, giờ đã đến lúc thực tập - lúc sinh viên bận rộn nhất để chuẩn bị ra trường, trường lại thông báo chuẩn đầu ra tiếng Anh và buộc sinh viên phải học. Nếu không đạt, sinh viên không được tốt nghiệp và như vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc nhận bằng và khả năng tìm việc làm của sinh viên”.
Muốn nâng cao năng lực cho sinh viên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuẩn đầu ra các ngành đào tạo do Trường CĐ Lý Tự Trọng công bố vào tháng 7-2011, chuẩn đầu ra tiếng Anh các ngành dao động từ 200-250 điểm TOEIC.
TS Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết khóa này có hơn 1.000 sinh viên và việc yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh như vậy là do trường muốn nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, qua đó giúp sinh viên có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi tốt nghiệp chứ không phải muốn gây khó khăn cho sinh viên. Việc ôn tập và thi do Trung tâm Ngoại ngữ - tin học - đào tạo ngắn hạn của trường thực hiện.
Chúng tôi đặt vấn đề với trường về quy trình xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT phải có sự thẩm định, góp ý và công bố công khai trước cho người học. Bên cạnh đó, công văn hướng dẫn về dạy và học ngoại ngữ tăng cường của Bộ GD-ĐT ngày 31-10-2014, trong đó nêu rõ việc xây dựng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và phải công bố cho người học trước mỗi khóa học hay học kỳ, trong khi trường lại thông báo chuẩn đầu ra ngoại ngữ khi sinh viên đã học gần hết học kỳ cuối, chuẩn bị đi thực tập liệu có phù hợp?
Theo ông Lộc, về chuẩn đầu ra bộ và sở đều có hướng dẫn. Việc đặt ra chuẩn này căn cứ vào hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của sinh viên.
Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 17-2-2014, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi phòng GD-ĐT các quận huyện, trường THPT, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp hướng dẫn các đơn vị sử dụng hệ thống chứng chỉ tiếng Anh của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ, trong đó quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc CĐ là 450 TOEIC hoặc B1 theo khung trình độ năng lực ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT và 350 hoặc A2+ (mức khá) đối với bậc trung cấp.
“Sau khi nhận công tác tại trường, tôi căn cứ vào hướng dẫn của sở để đưa ra thông báo chuẩn đầu ra tiếng Anh. Việc sinh viên có điểm kiểm tra cao đóng học phí cao hơn là do các em chỉ học một khóa trong khi các em điểm thấp phải học hai đến ba khóa. Học phí này tương đối rẻ bởi các khóa như thế tổ chức bên ngoài có học phí trên 1 triệu đồng.
Đối với sinh viên đi thực tập, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em ôn thi và tốt nghiệp. Trường muốn các em có chuẩn để phấn đấu, sau này ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn. Trường sẽ tạo mọi điều kiện để các em ôn tập và đạt chuẩn, không kéo dài thời gian tốt nghiệp” - ông Lộc giải thích.
Quá gấp gáp Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho biết mức điểm 450 TOEIC đối với bậc CĐ là khá cao, không phải dễ để đạt được chỉ qua vài khóa ôn tập. Chuẩn đầu ra cần công bố khi bắt đầu khóa học để sinh viên có thời gian chuẩn bị, học tập để đạt chuẩn đó. Khi sinh viên đã chuẩn bị thực tập trường mới thông báo chuẩn đầu ra là quá gấp gáp và sinh viên có thể khó đáp ứng được trong thời gian ngắn. Hướng dẫn của sở đưa ra đầu năm 2014 nhưng lại không ghi rõ thời gian áp dụng. Nếu trường muốn, có thể bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận