Sáng 16-10, Đoàn khảo sát thực tế nhóm 3, Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã làm việc với Thành ủy TP.HCM về các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM trong việc phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người.
Ông Hà đề nghị TP.HCM với vai trò đầu tàu về kinh tế, xã hội của cả nước cần nghiên cứu sâu các chính sách văn hóa, xã hội, đào tạo con người, từ đó có những bài học, kinh nghiệm, giải pháp mới áp dụng cho cả nước.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Đảng bộ TP.HCM nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người đồng bộ với việc phát triển kinh tế.
Những thành tựu ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội trong 40 năm qua của TP.HCM không kể hết, nhưng chắc chắn trong các thành tựu đó nổi bật lên những thành quả về văn hóa, xã hội và xây dựng con người.
Dù vậy, ông Nên thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người mà TP.HCM chưa làm được, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế. Còn nhiều vấn đề bất cập, giải pháp và kết quả đầu tư chưa tương xứng với vai trò của TP.
Người đứng đầu Thành ủy TP cho hay suốt 40 năm qua, nhiều sách, bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu viết về văn hóa, con người TP.HCM. Đây là cả một kho tàng quý.
Do vậy, ông đề nghị ngoài việc tổng kết công tác quản lý, các cơ quan cần tìm đọc, nghiên cứu thêm những tài liệu này để hiểu sâu sắc hơn hệ giá trị văn hóa xuyên suốt chặng đường phát triển của TP.
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người là chủ trưởng lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng.
Ông Nghĩa mong muốn sau cuộc làm việc, đoàn công tác cùng TP.HCM sẽ nghiên cứu sâu, kỹ các thành tựu, hạn chế suốt quá trình phát triển vừa qua. Từ đó, không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, con người trong sự phát triển chung.
Cùng với đó, qua tổng kết, ông Nghĩa kỳ vọng TP.HCM sẽ đề ra được những giải pháp đột phá, sáng tỏ, có tính ứng dụng cao, không chỉ áp dụng ở TP.HCM mà còn cho cả nước.
"TP.HCM cùng cả nước, cả nước cùng với TP.HCM. Chính vì vậy, tôi mong muốn TP.HCM sẽ nghiên cứu có những chính sách để tạo ra các thành tựu đột phá về văn hóa, xã hội và xây dựng con người, hướng tới chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước. Chúng ta cùng nhau trăn trở...", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tăng cường hợp tác công tư đầu tư trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao
Báo cáo tại hội nghị, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung củng cố, sắp xếp, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa.
Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, đẩy nhanh thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động phát triển văn hóa, chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm về văn hóa, nghệ thuật.
Tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao... theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cùng với đó, thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn TP. Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu từng bước triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP giai đoạn 2020 - 2030.
Đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh, con người thành phố. Xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận