Đây là chia sẻ của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023) do Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến chiều 28-12.
Những nước phát triển vẫn rất coi trọng đọc sách giấy và thư viện
Ông Nghĩa cho biết nhiều lần đoàn đi thăm các nước tiên tiến, thấy họ mặc dù trình độ phát triển cao, khoa học công nghệ tiên tiến nhưng người dân vẫn rất coi trọng đọc sách truyền thống và mong muốn có các thư viện truyền thống.
Khi làm việc với Việt Nam, các nước như Thụy Sĩ, Áo, Úc… đều thể hiện rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam và mong muốn có những cuốn sách của Việt Nam trong các thư viện ở các trường đại học của họ.
Trong khi đó, ở ta gần đây lại có những ý kiến phủ nhận vai trò của sách truyền thống và hệ thống các thư viện.
"Khi công nghệ phát triển, ở ta có dư luận hãy bỏ loa phường, bỏ hệ thống tuyên truyền ở xã. Có người còn ý kiến bỏ thư viện, bỏ sách truyền thống vì dân có đọc gì đâu. Những nhận thức này cần xem xét lại", ông Nghĩa nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giải thích ý kiến của mình: vì qua tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, mặc dù công nghệ thông tin phát triển như vũ bão nhưng những thư viện sách này vẫn rất cần thiết và phát triển, không những nhà nước, địa phương đầu tư mà các mạnh thường quân cũng đầu tư.
Chọn sách phù hợp hơn với mong muốn của người dân
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất quan điểm qua 15 năm triển khai, đề án thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Ông Nghĩa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; hội đồng chỉ đạo, ban tổ chức thực hiện đề án; các đơn vị thực hiện đề án trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án 15 năm qua.
Ông đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của đề án; tăng trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án.
Ông cũng có một số chỉ đạo cụ thể như phải nắm bắt được mong muốn của nhân dân, nắm được xu hướng để chọn nội dung sách phù hợp hơn với mong muốn của người dân.
Đồng thời chú ý làm sách hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tủ sách. Sách về văn hóa cần nâng tầm hơn nữa.
Cũng cần chú ý huy động các nguồn lực, lồng ghép chặt chẽ đề án này với các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục phát triển đề án trong các năm tới.
Theo báo cáo, đến nay, đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in.
Ngoài ra, trang Thư viện sách điện tử (Thuviencoso.vn) đã được xây dựng từ đầu năm 2020, cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách của đề án.
Các đề tài sách phong phú, thiết thực, tập trung vào những mảng sách từ sách lý luận chính trị đến sách bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận