12/12/2011 10:03 GMT+7

Trường bắn - ngày kết thúc: Kỳ 3: Người "quản trang" ở Cầu Ngà

VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP
VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP

TT - Trường bắn Cầu Ngà ngày đầu tháng 11 âm lịch, những hàng mộ tử tù lúp xúp nối nhau trong gió lạnh, may thay trước mỗi nấm mồ đều có một cây hương đang cháy đỏ, xua đi không khí u tịch những ngày đầu đông.

YHcgZdzR.jpgPhóng to

Chị Hằng (trái) bên cánh cổng tạm dẫn từ vườn nhà chị vào pháp trường Cầu Ngà trước đây - Ảnh: VIỄN SỰ

Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Kỳ 2: Nơi bình yên cuối cùng

Ở góc xa, nơi có một cái am nhỏ còn có cả hoa tươi, một ít bánh, hoa quả. Người ở xa đến có thể sẽ nghĩ rằng những tử tù đang nằm tại Cầu Ngà này vừa có người thân đến thăm viếng. Nhưng không, người đã góp phần làm cho trường bắn Cầu Ngà bớt hoang lạnh ấy là một phụ nữ. Không bà con thân thuộc với tử tù, chẳng ai giao phó trọng trách, gần 20 năm nay người phụ nữ ấy đã sống cạnh những nấm mồ tử tù. Và việc đều đặn khói hương chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện của chị gắn với trường bắn Cầu Ngà (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Duyên nợ với trường bắn

Người phụ nữ ấy là chị Lê Thị Hằng, năm nay 40 tuổi, dáng người phốp pháp, ăn to nói lớn, nhà ở cạnh ngay trường bắn Cầu Ngà. Nói cho đúng hơn là lối vào trường bắn cũng là lối vào nhà chị Hằng. Thậm chí trước khi trường bắn được dời lên nơi cao ráo hơn, mỗi lần tử tù được giải ra pháp trường đều đi ngang qua khoảnh sân nhà chị. Vậy nên những khoảnh khắc cuối cùng của rất nhiều tử tù vẫn còn được chị Hằng nhớ như in. Nghề của chị Hằng là buôn bán đá quý, có cả cửa hiệu mặt phố nhưng “mấy lần tôi đưa cả nhà ra phố ở mà không quen được, con cái cứ ốm vặt suốt, về đây sống lại quen hơn” - chị Hằng tâm sự. Câu chuyện lạ lùng ấy bắt đầu từ mối duyên nợ ngay từ ngày đầu trường bắn Cầu Ngà ra đời.

Đó là năm 1993, bố chị Hằng là ông Lê Bá Ngoan vốn làm nghề đóng gạch bên cạnh mảnh đất của trại tạm giam Công an Hà Nội đã cắt một phần đất lò gạch ven sông Nhuệ cho trại giam làm trường bắn. “Đất đai hồi ấy rẻ như cho, cái lò gạch cũ nhà tôi cỏ dại mọc um tùm nên khi các chú công an ngỏ ý, bố tôi đồng ý ngay” - chị Hằng nhớ lại. Và vô tình từ sau cái gật đầu ấy của bố chị, muốn đến pháp trường, tất cả tử tù lẫn những cán bộ thi hành án đều phải đi qua khoảnh sân nhà chị. “Lúc đầu, cứ mỗi hôm trời mờ sáng mà nghe tiếng người đi rậm rịch, tiếng khóc lóc kêu than của tử tù, rồi lời tuyên án và sau cùng là một loạt đạn vang lên là tôi chỉ biết trùm chăn vì sợ hãi” - chị Hằng nhớ lại. Nhưng sau mỗi lần như vậy, khi trời ửng nắng, cứ như có ai xui khiến, chị Hằng ra chợ mua quả trứng về nấu bát cơm, mang thêm thẻ hương ra thắp cho những tử tội vừa nằm xuống. Vì chị nghĩ đơn giản họ đã đền tội rồi, giờ họ nằm đây, người thân chưa ai kịp đến, một chút hương khói cho các tử tù bớt cô quạnh.

Nỗi sợ hãi ban đầu lâu dần thành quen, cứ mỗi buổi chiều khi có công binh về rà mìn quanh trường bắn, chị Hằng lại biết hôm sau có thi hành án tử tù. Vậy là gạo, trứng, hương lại được chuẩn bị sẵn, tổ thi hành án vừa xong cũng là lúc chị Hằng làm cái nghĩa cử tự nhiên của mình. Những tử tù ở Cầu Ngà sau khi thi hành án vì thế ai cũng bình đẳng như nhau, có bát cơm, quả trứng và nén hương được cắm trước phần mộ. Nhưng sau đó thì không, nhiều tử tù vừa nằm xuống vài ngày đã có người nhà đến chăm nom, hương khói, làm lại bia mộ tươm tất, sau vài năm được bốc mộ về gần gia đình. Nhưng cũng có những nấm mồ tử tù, sau bát cơm, quả trứng và nén nhang của chị là chuỗi tháng năm cô quạnh, bia mộ xiêu vẹo, cỏ dại mọc lút, không còn tìm ra được.

Và những thân phận cô quạnh ấy của tử tù lại kéo dài duyên nợ của chị Hằng với trường bắn Cầu Ngà. Sau lần cúng bát cơm, quả trứng ngày đầu tiên, những nấm mồ tử tù không người chăm nom lại làm chị động lòng trắc ẩn. Cho đến tận những ngày cuối cùng của trường bắn Cầu Ngà đã ngót nghét 20 năm. Bây giờ trường bắn dù đã dời lên nơi cao ráo hơn, nằm hẳn trong trại giam và có cán bộ quản giáo chăm nom, nhưng chị Hằng bảo cứ đến ngày rằm, mồng một lại thấy áy náy nếu không vào thắp được nén hương cho đủ vòng những phần mộ.

Chứng nhân của trường bắn

Gần 20 năm sống cạnh trường bắn, chứng kiến hàng trăm lần thi hành án tử tù, chị Hằng như một cuốn sổ ghi chép gần như tất cả khoảnh khắc cuối cuộc đời của một tử tù. Chị kể có nhiều tử tù người mềm nhũn khi đi qua khoảnh sân nhà chị, mặt rũ rượi trong giây phút cuối đời. Nhưng cũng có tử tù như Vũ Xuân Trường - trùm ma túy khét tiếng, lúc ra pháp trường hình như biết tội lỗi quá tày đình nên chỉ mỉm cười với cán bộ thi hành án mà không một lời khóc than. Có đàn em của Vũ Xuân Trường mà chị không nhớ tên còn xin cán bộ áp giải một hơi thuốc khi đi ngang sân nhà chị. Lại cũng có những tử tù như Khánh Trắng, ngày thi hành án thông tin ở đâu rò ra ngoài, đàn em kéo theo ra pháp trường đưa tiễn làm công an phải chặn các ngả đường vào pháp trường từ phía Cầu Diễn, canô rảo liên tục trên sông Nhuệ cạnh pháp trường ...

Nhưng tất cả ký ức về khoảnh khắc cuối cùng ấy của tử tù không phải dành để chị Hằng “buôn chuyện”. Nhà ở ngay cổng trường bắn nên thân nhân tử tù nào lần đầu đến tìm mộ, người đầu tiên họ gặp chính là chị Hằng, những khoảnh khắc cuối cùng của tử tù mà chị Hằng chứng kiến đã nhiều lần trở thành câu chuyện quý giá kể lại với người thân đến tìm mộ. Và lại thêm một duyên nợ, những nén hương được chị cắm xuống từng phần mộ từ lúc tử tù ngã xuống hay đều đặn mỗi ngày rằm, mồng một đã đưa chị trở thành “thổ địa” của nghĩa trang tử tù. Nhiều mộ tử tù theo năm tháng chìm khuất trong cỏ dại, tấm bia gỗ mục nát vẫn được chị Hằng nhớ và tìm ra giúp người thân.

Nhưng chừng đó hình như vẫn chưa đủ trả hết “duyên nợ” mà chị Hằng trót mang với trường bắn Cầu Ngà, những thân nhân tử tù ở xa ấy sau khi tìm được phần mộ của người thân muốn tìm người bốc mộ đã nhờ ngay luôn chị Hằng. Thế là bỗng dưng một phụ nữ buôn bán đá quý giữa thủ đô lại kiêm luôn nghề bốc mộ. Đến giờ trong số hơn 200 nấm mộ tử tù ở Cầu Ngà từng được chị Hằng hương khói đã có hơn 30 nấm mộ được chính tay chị Hằng cải táng.

“Gọi là nghề thì phải tội, tôi không dám thế. Nhưng làm cái việc nhiều người ghê này lắm lúc cũng mang đến nhiều niềm vui. Tôi vừa mới đi ăn giỗ một tử tù tận Bắc Ninh, người nhà họ mời vì nhớ lúc đến tìm bốc mộ thấy mình chu đáo với người nhà của họ” - chị Hằng kết thúc câu chuyện của mình như vậy!

___________________

Xác Năm Cam và đàn em đã từng bị thuê đào trộm ngay sau khi thi hành án và còn nhiều vụ đào bới xác tử tù nữa đã xảy ra. Thực tiễn từ những vụ đào trộm xác tử tù đã làm thay đổi luật thi hành án tử tù như thế nào?

Kỳ tới: Trộm xác và câu chuyện sửa luật

VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên