Đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid, Tây Ban Nha - Ảnh: REUTERS
Vụ đột nhập bí ẩn xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội hồi cuối tháng 2.
Báo Washington Post đưa tin, 10 người đàn ông chưa rõ danh tính đã đột nhập vào Đại sứ quán Triều Tiên ngày 22-2, hành xử thô bạo với các nhân viên ngoại giao. Một người phụ nữ sau đó thoát được, chạy ra bên ngoài cầu cứu.
Dù cảnh sát được gọi đến, nhưng bị quy tắc ngoại giao ràng buộc, họ không thể vào trong. Những kẻ tấn công sau đó tẩu thoát trên hai chiếc xe của đại sứ quán với nhiều giấy tờ và máy tính. Chiếc xe sau đó bị bỏ lại, danh tính của những kẻ tấn công cũng biến mất từ lúc đó.
Nhưng theo tờ Washington Post, có nhiều bằng chứng cho thấy hung thủ là nhóm Cheollima - một tổ chức hoạt động bí mật với tôn chỉ duy nhất là lật đổ "triều đại họ Kim ở Triều Tiên".
Nhóm này thường cố tình gây tiếng vang bằng các hành động chống lại chính quyền Bình Nhưỡng, chẳng hạn vừa nhận trách nhiệm các hình vẽ bậy bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Malaysia. Cheollima vẫn chưa lên tiếng về sự cố ở Tây Ban Nha.
Trong lúc những suy đoán về danh tính và động cơ vẫn tràn ngập truyền thông Tây Ban Nha, nhật báo El Pais dẫn các nguồn tin tình báo nói có ít nhất 2 tên trong nhóm đột nhập có liên hệ với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Các chuyên gia tin rằng có lý do để nói CIA có thể dính líu tới sự việc. "Các máy tính và tài liệu bị lấy đi có thể chứa những liên lạc cũng như tài liệu về cách Triều Tiên lách lệnh trừng phạt quốc tế để nhập hàng xa xỉ từ châu Âu về Triều Tiên" - chuyên gia Lee Sung Yoon tại Đại học Tufts nói với Washington Post.
Ông Kim Hoyk Chol, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân hiện nay của Triều Tiên, từng là đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha trước khi bị Madrid trục xuất tháng 9-2017 vì vụ thử hạt nhân thứ sáu của Bình Nhưỡng. Do đó, động cơ của những kẻ đột nhập và cả tình báo nước ngoài có thể nhằm tìm kiếm những thông tin về ông này.
Theo El Pais, chính quyền Tây Ban Nha đã yêu cầu CIA giải thích, song cơ quan này phủ nhận bất kỳ liên quan nào. Madrid sau đó đã phản ứng rằng câu trả lời của CIA là "không thuyết phục", rằng có khả năng CIA đã phối họp với tình báo Hàn Quốc trong vụ việc.
Bà Sue Mi Terry, cựu nhân viên CIA chuyên về Triều Tiên khẳng định thời điểm vụ đột nhập quá nhạy cảm, sát ngày thượng đỉnh Mỹ - Triều, nên chắc chắn đó không phải là cách làm việc của CIA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận