Tòa trọng tài gồm năm thành viên, đứng đầu là thẩm phán Thomas Mensah, người Ghana (giữa) - Ảnh: PCA |
Về mặt thủ tục, phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc mà tòa ban hành vào tháng 10-2015 có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc không tham gia vụ việc đã không cản trở tiến trình xét xử trọng tài.
Ngoài ra, phán quyết còn bác bỏ rất nhiều luận điểm thường được Trung Quốc sử dụng nhằm chối bỏ khả năng áp dụng các biện pháp tài phán để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết của Tòa trọng tài giúp “giới hạn” lại tranh chấp ở một mức độ nhất định, tạo tiền đề để các quốc gia phát triển tiếp phương thức giải quyết hay ít nhất quản lý tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và đúng luật |
Làm sáng tỏ giá trị “quyền lịch sử”
Ví dụ, Trung Quốc thường nhấn mạnh vai trò của đàm phán song phương và khẳng định rằng đây là con đường duy nhất để giải quyết các tranh chấp với những nước láng giềng. Tòa trọng tài một mặt vẫn thừa nhận tầm quan trọng của các cuộc đàm phán, mặt khác nêu rõ các quốc gia có thể tự do sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp hòa bình khác, miễn là chúng phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, tòa đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng việc Philippines đơn phương khởi xướng việc kiện trước Tòa trọng tài là một sự lạm dụng quy trình pháp lý. Điều này chắc chắn đặt ra một tiền lệ tích cực và mở đường cho các quốc gia đang cân nhắc khả năng sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Về mặt thực chất, phán quyết về đường chín đoạn và quy chế pháp lý của thực thể trên Biển Đông sắp tới sẽ là vô cùng quan trọng đối với giải quyết tranh chấp Biển Đông bởi hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tòa sẽ thiết lập các chuẩn mực pháp lý đối với những yêu sách trên biển, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS và luật quốc tế nói chung trong các tranh chấp về biển.
Thứ hai, tòa sẽ giúp vạch trần hoặc ít nhất là giảm bớt các yêu sách mơ hồ về mặt pháp lý đang được một số quốc gia duy trì, một cách cố ý hoặc vô ý, tại Biển Đông.
Cụ thể, mặc dù chưa từng đưa ra một lời giải thích chính thức nào đối với đường chín đoạn, Trung Quốc từ lâu đã cho rằng “chủ quyền lịch sử” của mình ở Biển Đông có trước UNCLOS. Dựa vào đó, Bắc Kinh tuyên bố quan điểm của mình thắng thế hơn các yêu sách của những nước khác.
Khi xem xét đường chín đoạn, tòa sẽ làm sáng tỏ giá trị của “quyền lịch sử” trong việc thiết lập quyền của quốc gia trên biển và sự tương tác của quyền này với Luật biển hiện đại, được ghi nhận trong UNCLOS.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên một tòa án quốc tế xem xét vấn đề “quyền lịch sử”, tuyên bố của tòa về “quyền lịch sử” sẽ là một tiếng nói có thẩm quyền để bác bỏ yêu sách mơ hồ dựa trên lịch sử. Kết quả là các khuôn khổ pháp lý UNCLOS sẽ được tái khẳng định và là nền tảng cho các hoạt động của quốc gia trên biển.
Chuẩn mực pháp lý khách quan
Đối với thể chế pháp lý của các đảo, bất kể kết quả như thế nào, đây sẽ là lần đầu tiên tòa án quốc tế giải thích và áp dụng điều 121. Vụ việc này chắc chắn không phải là lần đầu tiên điều khoản này được đưa ra xem xét trước một tòa án hay tòa trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, trong các vụ việc trước đây như tranh chấp giữa Nicaragua và Colombia trước ICJ, quy chế pháp lý của các đảo đã được đưa ra trong khuôn khổ một vụ tranh chấp liên quan đến phân định biển. Vì vậy, tòa có thể tránh việc phải giải quyết câu hỏi về quy chế pháp lý của các thực thể liên quan.
Còn vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc là vụ việc đầu tiên mà một tòa quốc tế được yêu cầu xem xét riêng điều 121 và không kết hợp với phân định biển. Như vậy, phán quyết của tòa sẽ đưa ra những giải thích có trọng lượng về điều 121.
Mặc dù phán quyết trọng tài chỉ ràng buộc đối với các bên tham gia vụ án và mỗi thực thể ở Biển Đông là riêng biệt, và kể cả khi tòa không đưa ra được kết luận cuối cùng về quy chế của các thực thể mà Philippines đưa ra, việc làm rõ các yêu cầu nêu trong điều 121 (3), chẳng hạn như khả năng có “đời sống kinh tế riêng” hoặc “duy trì sự sống của con người”, sẽ cung cấp các hướng dẫn quan trọng để giải thích các điều khoản nói trên, cũng như cách áp dụng chúng vào các thực thể khác trong thực tế.
Các quốc gia từ đó sẽ có một chuẩn mực pháp lý khách quan để áp dụng cho những thực thể khác tại Biển Đông để xác định các vùng biển mà chúng được hưởng. Điều này sẽ giúp làm giảm bớt yêu sách vô căn cứ trong khu vực.
Việc tòa giải thích rõ về quy chế pháp lý của các thực thể cũng có thể góp phần xoa dịu những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, mặc dù chúng nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Tòa trọng tài.
Tuyên bố chủ quyền đối với các đảo thường được các quốc gia đưa ra không nhằm mục đích kiểm soát chính các đảo đó, mà nhắm tới kiểm soát các vùng biển rộng lớn kéo dài 200 hải lý hoặc hơn được tạo ra từ các đảo này.
Sự kiểm soát trên các vùng biển đồng nghĩa với việc quốc gia có thể sở hữu các đặc quyền như thăm dò và khai thác nguồn lợi thủy sản, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt.
Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi nếu các thực thể đảo đáp ứng các tiêu chuẩn để được coi là đảo theo điều 121 (1) của UNCLOS. Nếu, và có nhiều khả năng sẽ xảy ra, Tòa trọng tài thấy rằng các thực thể đảo chỉ là đá theo điều 121 (3) hoặc nửa chìm nửa nổi khi thủy triều xuống theo điều 13, điều này có nghĩa là chúng không có quyền được hưởng quy chế pháp lý cho vùng biển rộng lớn bao quanh.
Một quyết định như vậy sẽ không chỉ chấm dứt tính hợp pháp của một số tuyên bố chủ quyền, mà còn ít nhất sẽ làm giảm tham vọng và các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Nguồn hướng dẫn để tháo gỡ tranh chấp Các nỗ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông gặp nhiều trở ngại khi các quốc gia trong khu vực không thống nhất được đâu là “vùng biển tranh chấp” và “vùng biển không tranh chấp”. Điều này được tạo ra bởi các yêu sách mù mờ về đường chín đoạn cũng như những khác biệt của các bên tranh chấp về các vùng biển mà các thực thể trên Biển Đông được hưởng. Một phán quyết về đường chín đoạn và quy chế pháp lý của các đảo có khả năng sẽ giảm các yêu sách vô lý và giảm bớt sự mơ hồ tại Biển Đông. Các nước ít nhất sẽ có một nguồn hướng dẫn có giá trị để giúp các quốc gia dễ dàng hơn trong việc tháo gỡ những tranh chấp. |
_________
Kỳ tới: Cái giá đánh đổi của cường quốc trách nhiệm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận