Mông lung, không định hướng nhưng kiểu mẹo tâm linh lại được học sinh, sinh viên hưởng ứng nhiệt tình bởi cách thức đơn giản, dễ làm và không mất nhiều thời gian.
Tin vào mẹo tâm linh vô điều kiện?
Chừng một tuần nữa thi cuối kỳ, Mỹ Nga (sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Quốc tế Miền Đông) chưa có chữ nào trong đầu. Gấp rút ôn bài không giúp cô bớt lo vì lượng kiến thức quá nhiều mà chỉ có vài ngày.
Như mọi khi, Nga tìm đến các mẹo tâm linh để tự trấn an bản thân. Nga khoe có thói quen xem bói, trải bài tarot chung trên TikTok mỗi khi căng thẳng về mọi thứ, từ tình cảm, tiền bạc đến học tập.
“Lần này xem tarot, mình được dự đoán sẽ gặp điều may mắn và vượt qua kỳ thi sắp tới với số điểm cao hơn mong đợi, nên đã thấy tự tin hơn”, Nga phấn khởi.
Ngoài xem tarot, Nga còn chăm chỉ chia sẻ, đăng lại các bài đăng, video mang lại thông điệp may mắn khi bắt gặp trên mạng và tin nhiêu đó đã đủ hành trang cho kỳ thi!
Trong khi đó Huyền My (sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) lại tìm đến giải pháp tâm linh khác là manifest (hành động suy nghĩ và tưởng tượng về mục tiêu cho đến khi nó trở thành hiện thực).
My thường đến quán cà phê học bài khi ngày thi sát nút rồi chụp hình đăng lên mạng. Dù thừa nhận quán đông người, học không tiếp thu được bao nhiêu, cô vẫn đều đặn đến, chụp hình thể hiện sự nỗ lực ôn luyện.
My hy vọng: "Thông điệp nỗ lực ôn tập để đạt được điểm cao mình gửi đến vũ trụ sẽ được vũ trụ lắng nghe và giúp mình vượt qua kỳ thi".
Không mẹo tâm linh nào mang lại kiến thức!
Vì quá tin mẹo tâm linh, Mỹ Duyên (học sinh lớp 12 một trường THPT tại Bình Dương) đã phải nhận cái kết đắng trong lần kiểm tra gần nhất. Quá nhiều bài kiểm tra cùng lúc, Duyên chọn ôn các môn chính, còn môn phụ làm theo các mẹo tâm linh trên mạng.
Ôn bài kỹ vẫn sợ “lời nguyền”
Học hành ngày đêm, Hoàng Ân (sinh viên ngành văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) vẫn sợ những bài đăng mang tính “lời nguyền” trên mạng xã hội.
Ân chia sẻ dù ôn bài khá kỹ nhưng lướt trúng những bài đăng kiểu nếu reup sẽ được điểm cao, không reup sẽ thi trượt, bạn vẫn làm theo.
“Mình thừa biết mấy bài đó chỉ để câu tương tác nhưng vẫn nghĩ nếu không làm theo có thể gặp xui xẻo và thi trượt thật nên thôi cứ nhấn reup cho yên tâm chứ cũng không mất mát gì”, Ân nói.
Tin tưởng cách này nên vào phòng thi, Duyên đánh lụi với hy vọng may mắn sẽ trên trung bình. Cái kết là 2 môn không ôn bài có điểm dưới trung bình.
Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường đại học Công nghệ TP.HCM - nói nhìn một cách tích cực, tarot, đăng lại video may mắn hay manifest… giúp củng cố tinh thần, tạm xem là giải pháp tạo động lực, tạo ra suy nghĩ tích cực một cách hữu hiệu nếu sử dụng đúng mực.
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng liệu pháp tinh thần ấy mà không tích cực ôn bài, nắm kiến thức thì chẳng có liệu pháp tinh thần nào mang lại tác dụng.
Chính sự lệ thuộc này làm triệt tiêu khả năng đánh giá vấn đề, đưa ra quyết định. Chưa kể, các bạn tốn thời gian, mất đi sự tập trung đáng ra phải dành để ôn bài.
Có khi còn tốn tiền vô ích cho những lời khuyên chung chung của những người lợi dụng tâm linh để trục lợi.
"Học một cách nghiêm túc, ghi chép đầy đủ nội dung thầy cô giảng, nhất là ví dụ minh họa. Đồng thời tích cực phát biểu, đưa thêm ý kiến liên quan bài giảng của thầy cô mới là cách đào sâu và ghi nhớ hiệu quả. Đây chính là ôn bài một cách chủ động trong quá trình học", ông Nhơn gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận