Bà Hillary Clinton bị đánh giá là hình mẫu chính trị gia truyền thống trong khi ông Trump lại quá bốc đồng - Ảnh: Reuters |
Kết quả thăm dò ý kiến cử tri của tờ The Washington Post cho thấy tỉ phú Donald Trump đang bất ngờ dẫn trước bà Hillary Clinton liên quan tới vấn đề kinh tế và chống khủng bố, trong khi bà Hillary nhận được sự đánh giá cao hơn đối với các vấn đề chính sách đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội.
Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận uy tín tại Mỹ trong thời gian qua đều cho thấy tương quan khá cân bằng giữa hai ứng cử viên. Theo đánh giá của giới phân tích, mỗi ứng cử viên đều có điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Bà Hillary Clinton - ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ
Điểm mạnh. Bà Hillary kết hợp được sự hiểu biết sâu về các vấn đề tranh luận với kinh nghiệm tranh luận có được trong đời làm chính trị. Ông Alan Schroeder - Giáo sư báo chí của ĐH Northeastern (Mỹ) và là tác giả cuốn sách “Tranh luận tổng thống Mỹ: Rủi ro trong chiến dịch tranh cử” - nhận định: “Tôi nghĩ bà ấy là một người tranh luận giỏi. Bà ấy đã phải đối chọi với các đối thủ của mình trong ngần ấy năm và bà ấy nắm rõ nội dung các vấn đề cần tranh luận - đó là một lợi thế lớn. Bà ấy có thể tập trung cao độ hơn nhờ năng lực của mình mà không phải lo ra là mình còn chưa biết chuyện này chuyện kia. Tôi thấy bà ấy là một người có tài năng và có kinh nghiệm lẫn sự chuẩn bị tốt”.
Điểm yếu. “Bà ấy bám vào các câu trả lời chuẩn bị sẵn nhiều quá nên bà ấy thiếu sự bộc phát”, bà Susan Drucker, Giáo sư báo chí của ĐH Hosfra (nơi diễn ra cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp vào 21g ngày 26-9), nhận định về bà ứng viên của đảng Dân chủ.
Bà chuyên gia chuyên nghiên cứu các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ cho rằng đó là điểm yếu nhất của bà Hillary Clinton vì nó thể hiện sự ít nhạy bén, sự thông minh và cả sự thú vị.
Vấn đề sức khỏe của bà Hillary cũng vừa gây những lo ngại cách đây hơn 2 tuần - Ảnh: Reuters |
GS Alan Schroeder có một nhận xét khá thú vị: kinh nghiệm chính trường lâu năm lại là một trở ngại với bà Hillary vì gây nhàm chán. “Sẽ khó cho bà ấy trong việc khai thác cuộc tranh luận này để làm mới hình ảnh chính trị mà người dân Mỹ đã ‘đóng khung’ cho bà vào giai đoạn này”.
Mục tiêu. Đương nhiên lần này là làm sao “hạ nhục” được đối thủ trước cả trăm triệu cặp mắt. Theo nhận định từ giới truyền thông Mỹ, bà Hillary sẽ tìm cách khiêu khích đối thủ Donald Trump để khai thác những điểm yếu về tâm lý của ông này. Và cũng qua đó, người ta có thể biết ông Trump thực sự có vấn đề về tâm lý hay không.
GS Alan Schroeder tin chắc rằng bà Hillary sẽ sử dụng chiêu này để khiến đối thủ bên đảng Cộng hòa nóng đầu. “Bà ấy sẽ sử dụng hết khả năng của mình để chọc giận Trump trong thời gian tranh luận với mong muốn tạo ra càng nhiều hình ảnh tiêu cực từ đối thủ càng tốt vì những hình ảnh này sau đó hoàn toàn có thể được phát đi phát lại trên YouTube và sẽ tạo thêm hiệu ứng đến trước ngày bỏ phiếu chính thức”.
Trong khi đó nữ giáo sư Susan Drucker cho rằng cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ nhân cơ hội này thể hiện bản chất “xúc cảm và bộc phát” của mình, thay đổi cách nghĩ của cử tri về mình.
Những yếu tố bất ngờ. Cuộc tranh luận tối 26-9 sẽ đánh dấu sự kiện người phụ nữ đầu tiên tham gia tranh luận truyền hình trực tiếp giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ.
Theo nữ GS Susan Drucker, chuyện chưa có tiền lệ này tuy vậy cũng mở ra những điều bất ngờ. “Chúng ta chưa có hình mẫu nào để hình dung xem một phụ nữ sẽ phải hành động thế nào trong bối cảnh này. Chúng ta không chắc cách bà Clinton thể hiện cảm xúc liệu có bị tác dụng ngược hay không. Chúng ta không biết liệu cách bà ấy thể hiện tinh thần chiến đấu có làm cử tri phát bực hay không. Tôi cho rằng luôn có hai khả năng liên quan cách người ta đánh giá về những phụ nữ có tinh thần chiến đấu”.
Donald Trump - ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa
Điểm mạnh. Người ta không đoán được ông Trump sẽ thể hiện thế nào tại cuộc tranh luận quan trọng đầu tiên của mùa tranh cử đang vào chung kết. GS Alan Schroeder đánh giá: “Ông ấy là một nhà tranh luận rất bốc đồng và rất sôi nổi. Đó có thể là một lợi điểm bởi vì yếu tố bất ngờ là rất quí giá trong sự kiện được truyền hình trực tiếp, nhất là đối diện với một đối thủ có vẻ cổ điển, truyền thống (bà Hillary). Ta đã thấy những đặc điểm của ông Trump ở các cuộc tranh luận trước đó bên đảng Cộng hòa”.
Điểm yếu. Nữ GS Susan Drucker bình luận: “Nếu như điểm yếu của bà Hillary là ‘bám vào văn bản’ thì điểm yếu của ông Trump lại là ‘luông tuồng’. Ông ấy có khuynh hướng nhanh chóng rẽ ngoặt khỏi vấn đề đang tranh luận hoặc cứ lặp đi lặp lại do không có kiến thức nhiều về vấn đề cần bàn”.
Theo các chuyên gia, ông Trump có thể khỏa lấp được điểm yếu đó nếu chịu khó tập dượt, chuẩn bị. Nhưng dường như không ai tin rằng ông có sự chuẩn bị tốt.
GS Alan Schroeder bình luận: “Ông Trump tưởng cuộc tranh luận này như một sô diễn bình thường trên truyền hình nhưng đâu phải thế. Ứng viên phải có được suy nghĩ sâu trong lời mình phát biểu”.
Tỉ phú Donald Trump thường quá tự tin đến mức cũng thường mắc sai lầm - Ảnh: Reuters |
Mục tiêu. Nhiều cuộc thăm dò cấp quốc gia gần đây đã cho cùng một nhận định: đa số cử tri Mỹ không tin rằng ông Trump có được tính khí hoặc kinh nghiệm để ngồn trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Trump trong cuộc tranh luận mặt đối mặt đầu tiên này sẽ là trấn an cử tri. GS Alan Schroeder nhận định: “Cuộc tranh luận là cơ hội quan trọng để chứng tỏ mình nghiêm túc thế nào trong cuộc đua tranh làm Tổng thống Mỹ. Ông Trump phải đặc biệt vượt qua được thách thức đó. Nhưng ông ấy cũng lại được lợi thế hơn một chút so với bà Hillary là ông ấy không cần ‘tái tạo hình ảnh chính trị’ bởi ông ấy là lính mới trên chính trường”.
Những yếu tố bất ngờ. Thực sự người ta vẫn chưa thể đoán được ông Trump sẽ hành xử thế nào khi tranh luận với phụ nữ trong khi bản tính ông vẫn thường thể hiện là kiểu xem thường phụ nữ.
Nữ GS Alan Schroeder nhận định: “Ông Trump cần phải rất cẩn thận. Ông ấy đã hai lần làm xấu mình trong mắt rất nhiều cử tri nữ ở Mỹ”. Thâm chí mới hôm 24-9 vừa rồi, ông ấy còn dọa mời cô Gennifer Flowers, người tình cũ của ông Bill Clinton tại Arkansas, đến dự cuộc tranh luận và thậm chí còn xếp cho ngồi hàng ghế đầu để gây rối đối thủ. Kiểu cách nhỏ nhen này chưa chắc đã xứng với một người làm lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ trong tương lai.
Theo kết quả thăm dò chung do báo Washington Post và hãng tin ABC công bố ngày 25-9, bà Hillary nhận được 46% số phiếu ủng hộ so với 44% của ông Trump. Kết quả thăm dò của trang Politico cũng cho kết quả tương tự. Ứng cử viên Hillary tiếp tục dẫn trước ông Trump tại các bang “chiến địa” như Virginia và Pensylvania. Tuy nhiên, khoảng cách này đang được ông Trump thu hẹp đáng kể trong 2 tháng qua. |
Trong 2 tuần qua, bà Clinton và ê-kíp cố vấn tranh cử đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu cách thức ông Trump vượt qua các chính khách sừng sỏ bên phía đảng Cộng hòa.
Về phần mình, sau khi chiến dịch bầu cử sơ bộ kết thúc hồi tháng 6 vừa qua, tỉ phú Trump cũng rất tích cực tham vấn các chuyên gia chính sách và những chính khách có uy tín của đảng Cộng hòa.
Tranh luận trực tiếp trên truyền hình là một nét đặc sắc của các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Lịch sử nước Mỹ cho thấy chỉ cần một màn trình diễn tồi trong vòng tranh luận này cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng của mỗi ứng cử viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận