Trước đây sư phạm 'có giá', vì sao?

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Trước đây sư phạm ‘có giá’, còn là giá cao - ‘hạng thương gia’. Nhưng bây giờ sư phạm 'mất giá', vì sao?

Trước đây nhiều học sinh chọn ngành sư phạm, nay con số này càng ít đi - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trước đây nhiều học sinh chọn ngành sư phạm, nay con số này càng ít đi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo tôi, ngành sư phạm  không chỉ ở việc năm nay có một số trường sư phạm điểm đầu vào thấp mà còn ở mặt khác đã tồn tại nhiều năm nay: những lần cải cách, thay sách thất bại; bệnh thành tích, hình thức, đối phó; dạy thêm - học thêm; bạo lực học đường; lạm thu trong nhà trường; đời sống giáo viên quá chật vật...

Nhằm góp thêm vào vấn đề báo Tuổi Trẻ đặt ra cũng là vấn đề nhiều người hiện nay trăn trở: sư phạm ‘mất giá’, vì sao, tôi xin nêu lên vài suy nghĩ.

Những năm 1960, 1970,  giáo dục - nhà trường - người thầy không như bây giờ.

1. Trong mắt xã hội bấy giờ, người thầy là biểu tượng của tri thức, của đạo đức, được phụ huynh, học sinh đặt trọn niềm tin. Giá trị cao đẹp ấy là niềm tự hào của đội ngũ nhà giáo, là động lực để họ tiếp tục trau dồi năng lực, phẩm chất, để họ luôn đúng mực trong quan hệ ứng xử với phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp. Lớp trẻ không ít người tâm niệm học giỏi để được làm thầy là vì thế.

2. Cơ sở đào tạo giáo viên không nhiều, mỗi vùng - miền có một trường đại học sư phạm hoặc một trường sư phạm (cũng có lý do bởi hồi ấy dân số còn ít). Trường ốc khang trang, bề thế; đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, mô phạm. Việc kiến tập, thực tập sư phạm được chú trọng đặc biệt.

Điều này làm tôi nghĩ đến mấy năm trước đây, chúng ta chấp nhận giáo viên được đào tạo từ các đại học khác (không phải là sư phạm) nhưng có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Mục đích là đúng nhưng cách làm thì thế nào?

Để lấy được chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người học theo học một khóa với thời gian từ 3-6 tháng do các trường đại học sư phạm tổ chức. Việc đào tạo khá “thoáng”, chủ yếu là cung cấp lý thuyết; kiểm tra đại khái rồi cấp chứng chỉ (tôi cảm nhận như việc đào tạo này là một trong những nội dung kinh doanh nhằm thu lợi nhuận). Người học không được kiến tập, thực tập - ra trường... sẽ như thế nào?

3. Tuyển sinh vào sư phạm có sự sàng lọc, không ít những lớp chưa đến chục sinh viên nhưng thầy vẫn dạy tốt, trò vẫn học tốt, vẫn kỷ cương.

Việc đào tạo sư phạm theo kế hoạch, ra trường là có nhiệm sở, việc chọn nhiệm sở thực hiện công khai và căn cứ vào kết quả học tập. Nhiệm sở tốt nhất là của thủ khoa rồi hạ thấp dần.

Về trường giảng dạy, lương đảm bảo cuộc sống, người thầy không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”, họ toàn tâm, toàn ý dạy học. Hồ sơ, giáo án, thi đua, dự giờ, thao giảng... không đặt ra nhiều nhưng người thầy lên lớp dạy tốt bởi họ vững vàng về phẩm chất và năng lực và còn bởi họ có lòng tự trọng, yêu nghề.

4. Giáo viên được tự chủ, dạy theo trình độ học sinh, theo cảm xúc tích cực (kỹ sư tâm hồn kia mà); không bị gò bó bởi tiết theo phân phối chương trình - sách giáo khoa - chuẩn kiến thức kỹ năng. Điều này đã góp phần quan trọng tạo nên một thế hệ học sinh sáng tạo, nhân văn, trung thực.

5. Trường công, trường tư rạch ròi; học sinh trường công không phải đóng tiền, còn trường tư tuy việc huy động nguồn lực và tổ chức dạy học được tự chủ nhưng luôn chịu sự giám sát của một trường công trên cùng địa bàn.

Qua mấy điểm nêu trên có thể rút ra nguyên nhân làm cho sư phạm trước đây ‘có giá’.

Một là, chiến lược phát triển hướng đến người thầy từ tuyển sinh - đào tạo - tuyển dụng - môi trường làm việc - lương bổng.

Hai là, chương trình - sách giáo khoa - kiểm tra đánh giá vừa sức, bảo đảm tính phổ thông - căn bản - toàn diện và quan trọng nhất là học sinh được hoạt động, có niềm vui khi học tập. Đã có một chương trình nhà trường, chương trình lớp học hướng đến phát triển từng học sinh (như chúng ta đang đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể).

Ba là, quản lý giáo dục tạo cho người dạy - người học - nhà trường chủ động, sáng tạo, tự trọng, kỷ cương. Quản lý giáo dục theo ngành dọc được thực hiện công khai, hiệu quả.

Bốn là, mạng lưới các trường sư phạm và nhà trường phổ thông được sắp xếp hợp lý, nhiều loại hình đáp ứng nhu cầu của người học, gồm các trường công lập, tư thục, các trường phổ thông kỹ thuật, phổ thông nông lâm; các trường phổ thông dành riêng cho con em gia đình chính sách; các trường năng khiếu... Tất cả luôn tạo động lực cho người dạy, người học.

Sứ mạng của giáo dục được đặt đúng cho từng loại hình nhà trường, nhờ vậy họ rất thuận lợi trong tổ chức hoạt động giáo dục.

Trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay, giáo dục cần thay đổi để đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ hiện đại giúp GD-ĐT có thêm phương tiện nhưng người thầy - hệ thống quản lý giáo dục - cơ sở vật chất là những yếu tố cực kỳ quan trọng.

Phát triển là xu thế nhưng phát triển giáo dục có quy luật đặc thù. Tôn trọng quy luật ấy thì hình ảnh người thầy mãi đẹp và trả lại 'giá đúng', 'giá cao' cho sư phạm.

Theo bạn vì sao ngành sư phạm ‘mất giá’? Bạn có đồng ý với ý kiến của TS Nguyễn Hoàng Chương? Trong nhìn nhận của bạn, cần làm gì để nâng chất lượng ngành sư phạm? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Xin cảm ơn!
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên