Chiều 5-10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết luận kiểm tra đối với nền tảng TikTok do đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện từ ngày 22-5-2023.
Trong đó, việc lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ ở Việt Nam, bao gồm thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em... là những vi phạm phổ biến của TikTok tại Việt Nam.
TikTok độc hại như thế nào?
Điều đáng nói là từ thời điểm bị kiểm tra toàn diện hoạt động, TikTok tại Việt Nam vẫn xuất hiện nhan nhản những video có nội dung độc hại làm phẫn nộ dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Gần đây nhất, đoạn video ghi lại cảnh giết người xảy ra tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vào ngày 30-9, có độ dài hơn 9 phút và không được làm mờ được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok.
Tính đến 12h ngày 6-10, khoảnh khắc trên đạt 209.600 lượt xem, 2.210 chia sẻ. Hiện tại đoạn video này vẫn chưa được gỡ xuống.
Tối 29-9, người dùng TikTok cho biết đã thấy đoạn video phát trực tiếp ghi lại cảnh một nhóm thanh niên đi xe tốc độ cao trên đường ở TP Hà Tĩnh.
Nhóm này không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, gây mất an toàn giao thông.
Cũng trong tháng 9, tài khoản TikTok có tên T.O.S.P. đăng tải video với nội dung xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông Công an thị xã Sa Pa và kênh của ông này có một số nội dung sai sự thật về thị xã Sa Pa.
Sau đó, chủ tài khoản đã bị lực lượng công an xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng, buộc phải gỡ bỏ video, công khai xin lỗi và đính chính.
Dù nhận hình phạt tương tự trường hợp ở Sa Pa, thế nhưng chuyện cô đồng "đúng nhận sai cãi" vẫn chưa thể rời xa tâm trí của cư dân mạng. Bởi dăm ba bữa, các video có chứa hình ảnh của cô lại lên xu hướng.
Chỉ cần gõ từ khóa "đúng nhận sai cãi", người xem nhận về hàng loạt kết quả, trong đó có video bổ cau thời lượng 10 phút nhận về 1,9 triệu lượt xem.
Trước đây, những clip có nội dung "Xúi các em bé chui đầu vào trụ bê tông", "Chặn đầu xe tải theo trend", "Thử thách ngạt thở", "Trào lưu đùa cợt về tình dục"... cũng đã nhận nhiều lượt tương tác trước khi biến mất vì sự phẫn nộ của dư luận.
Nhiều trường hợp TikToker sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem như vụ TikToker miệt thị người nghèo, TikToker ăn mặc phản cảm khi livestream bán hàng…
Bên cạnh đó, việc không quản lý nội dung có bản quyền cũng làm TikTok ngày một xấu đi. Một số bài hát có bản quyền, khi đưa lên TikTok, hàng tỉ người có thể lấy ra sử dụng mà không cần chi trả một khoản phí nào.
Chính vì vậy, nhiều nghệ sĩ đã từ chối gia nhập TikTok vì không có sự rõ ràng và trân trọng giá trị chất xám.
Chủ quyền trên không gian mạng
Khi biết kết quả về những vi phạm của TikTok tại Việt Nam, tài khoản Phương Nguyên cho biết rất hài lòng bởi trong thế giới phẳng ngày nay thì chủ quyền trên không gian mạng cũng quan trọng không kém chủ quyền biên giới. Kẻ thù hằng ngày chắc chắn là những thông tin độc hại trên mạng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bạn Phạm Khánh (26 tuổi, TP Thủ Đức) nhận thấy sau dịch COVID-19, hầu như ai cũng sử dụng TikTok.
"Tuy nhiên, mình từng rất bất ngờ khi ứng dụng này để lọt các nội dung 18+, ăn mặc hở hang để bán quần áo lót, trong khi người xem có thể là trẻ em. Do đó, khi TikTok bị công khai vi phạm thì mình thấy đây là việc vốn nên làm từ lâu", Khánh nói.
Người dùng Quỳnh An đặt câu hỏi: “Tỉ lệ người dùng TikTok Việt Nam phần lớn rơi vào thế hệ Z, thế hệ trụ cột tương lai của đất nước (những người sinh từ năm 1997 trở đi).
Nếu không muốn con em chúng ta cũng bị nghiện TikTok và biến thành nạn nhân của những giá trị văn hóa lệch lạc, nên chăng chúng ta cần bắt đầu những hành động thiết thực để hạn chế tầm ảnh hưởng của TikTok lên giới trẻ Việt?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận