Đại diện các trường đại học đã trả lời hơn 150 câu hỏi của phụ huynh, học sinh tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là những câu hỏi phổ biến trong chương trình tư vấn trực tuyến "Cơ hội vào đại học bằng xét tuyển bổ sung" do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 27-9.
Được và không được
Một phụ huynh cho biết con mình đã trúng tuyển đợt 1 và đã xác nhận nhập học trên hệ thống của bộ, giờ muốn xét tuyển bổ sung vào ngành khác nhưng không biết làm thế nào.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - tư vấn: thí sinh đã đăng ký xác nhận nhập học trên cổng của bộ nhưng không đến cơ sở đào tạo làm thủ tục nhập học trong thời gian quy định thì xem như đã từ chối nhập học.
Khi đó, thí sinh không có trong danh sách trúng tuyển nhập học vào cơ sở đào tạo mà thí sinh đã trúng tuyển đợt 1. Vì vậy thí sinh hoàn toàn có quyền xét tuyển vào các đợt bổ sung.
Một thí sinh băn khoăn nếu trong đợt xét tuyển bổ sung thí sinh không đậu thì có thể quay lại học ở ngành và trường mình đã đậu ở đợt 1 không?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết năm nay, hạn cuối để thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học là 30-9, nếu như không xác nhận theo thời gian quy định thì xem như thí sinh không có nguyện vọng học ở trường đó. Vì vậy, nếu không trúng tuyển xét bổ sung sau ngày 30-9, thí sinh sẽ không quay lại được trường đã trúng tuyển đợt 1.
Xét trường nào, đăng ký trường đó
Không như xét tuyển đợt 1, ở đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào sẽ đăng ký trực tiếp với trường đó. Tuy vậy, nhiều thí sinh lo lắng khi việc nhập học trễ có thể ảnh hưởng tiến độ hoặc học ở các phân hiệu sẽ không chất lượng bằng cơ sở chính, điểm chuẩn đợt bổ sung liệu có tăng vọt hay không.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết điểm xét tuyển đợt bổ sung sẽ tùy thuộc vào số lượng hồ sơ và điểm của các bạn nộp hồ sơ vào trường. Nếu thí sinh muốn đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường thì nên đăng ký nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.
ThS Nguyễn Thị Mai Bình, phụ trách phòng đào tạo và công tác sinh viên, ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho biết hiện nay trường đang dành rất nhiều chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung. Tùy từng ngành và tùy chỉ tiêu, mức điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển bổ sung có thể cao hơn so với điểm trúng tuyển đợt 1.
Trong khi đó, nhiều thí sinh quan tâm đến chất lượng đào tạo và học phí tại các phân hiệu. Một thí sinh cho biết muốn học tại cơ sở Nha Trang của Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng lo giá trị bằng cấp, chất lượng đào tạo không như tại cơ sở chính nên còn ngần ngại đăng ký.
Trao đổi vấn đề này, ThS La Vũ Thùy Linh - phụ trách phòng đại học Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết học phí tại cơ sở chính và cơ sở phân hiệu Khánh Hòa không khác nhau, chuẩn đầu ra tại cơ sở phân hiệu Khánh Hòa cũng giống như tại cơ sở TP.HCM.
Nếu học tại Khánh Hòa, sinh viên đều được học và thực hành đầy đủ theo đúng quy định đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo như tại cơ sở chính. Bằng tốt nghiệp tại cơ sở chính và phân hiệu Khánh Hòa đều như nhau và không có ghi chữ phân hiệu trên bằng tốt nghiệp. Sinh viên tại phân hiệu Khánh Hòa có cơ hội được tham gia chương trình luân chuyển học tập giữa các cơ sở của trường.
Chương trình học tại phân hiệu Khánh Hòa sẽ đảm bảo cùng áp dụng một chương trình đào tạo, đảm bảo các điều kiện chất lượng như nhau; giảng viên tại cơ sở chính TP.HCM cũng tham gia giảng dạy tại phân hiệu Khánh Hòa.
Có thể rút ngắn thời gian học còn 3 năm
ThS Nguyễn Thị Mai Bình lưu ý việc xét tuyển theo các hình thức không ảnh hưởng đến việc học của sinh viên. Tất cả sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đều được cấp bằng như nhau. Với các bạn học khá, giỏi có thể rút ngắn thời gian đào tạo tại trường còn 3 năm cho chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy.
Đăng ký chậm có thể mất cơ hội
Theo ThS Nguyễn Tiến Lập - quyền trưởng phòng đào tạo đại học Trường ĐH Hoa Sen - thí sinh trúng tuyển đợt 1 hay bổ sung đều được hưởng các quyền lợi như nhau.
Việc xét tuyển đợt bổ sung chỉ có một bất lợi là nếu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến chậm nếu trường đủ chỉ tiêu sẽ không có cơ hội trúng tuyển. Do vậy để không có bất lợi, thí sinh cần nộp hồ sơ xét tuyển trong thời gian quy định của trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận