Đến Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 với tư cách là một cố vấn quốc phòng cho đoàn doanh nghiệp Mỹ, trung tướng Steven Rudder, cựu tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện riêng bên lề sự kiện.
Hợp tác an ninh hàng hải
* Ông đánh giá ra sao về tiềm năng hợp tác quốc phòng giữa hai nước?
- Chúng tôi luôn nghĩ rằng an ninh hàng hải là mối quan tâm hàng đầu. Nhận biết được mọi thứ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia, đặc biệt là với đường bờ biển dài như Việt Nam, nên là vấn đề ưu tiên.
Và tại Hà Nội lần này chúng tôi đã được nghe nhiều về điều đó. Vì vậy theo quan điểm của tôi, chúng ta có thể tiếp tục hợp tác về an ninh hàng hải và chắc chắn sẽ không thể bỏ qua vai trò của các phương tiện không người lái (UV) bao gồm phương tiện bay không người lái (UAV) và phương tiện trên mặt biển không người lái (USV). Các UV sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các tàu có người lái và máy bay có người lái trong nhiệm vụ tuần tra vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Tôi cũng đã nghe rất nhiều về công tác tìm kiếm và cứu hộ, nhân đạo, ứng phó thiên tai để hỗ trợ người dân. Các UV có thể làm tốt việc đó với tính lưỡng dụng vừa trong phòng thủ và đảm bảo an ninh quốc gia vừa ứng phó với thảm họa.
* Ý ông là Việt Nam và Mỹ nên bắt đầu tăng cường hợp tác quốc phòng với mục đích nhân đạo, ứng phó thiên tai?
- Bất kỳ quân đội nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới đều phải sẵn sàng làm cả hai việc, hỗ trợ người dân khi có thảm họa, các hoạt động nhân đạo đồng thời bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các khí tài càng được sử dụng cho mục đích kép, cả quân sự và dân sự, thì càng giúp đất nước ứng phó tốt hơn với mọi tình huống có thể xảy ra.
An ninh hàng hải không chỉ bao gồm quân sự mà còn về thực thi pháp luật, giám sát những gì đang diễn ra trong EEZ ví dụ ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn người hay tội phạm xuyên quốc gia, quản lý nghề cá và tài nguyên biển... Những điều đó rất quan trọng để bảo vệ, bảo đảm lợi ích và an toàn cho người dân Việt Nam.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần có một lực lượng trên không đủ mạnh, có năng lực triển khai đến mọi vùng biển để giám sát. Hiểu rõ những gì đang xảy ra trên biển là bước đầu tiên để thực hiện kiểm soát vùng biển của mình.
Tăng cường năng lực giám sát
* Ông nhắc đến UV khá nhiều. Liệu đó có phải là lĩnh vực mà Mỹ quan tâm và đang thúc đẩy trong hợp tác với Việt Nam?
- Tôi từng là một phi công và giờ đang làm cố vấn quốc phòng cho các công ty sản xuất UV. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận giữa hai bên về UV, bao gồm cả UAV và USV. Sự kết hợp của chúng, theo tôi, sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng cường năng lực giám sát hàng hải, cung cấp một bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra trong EEZ.
Nhu cầu về UAV đang gia tăng trên toàn thế giới và với Việt Nam, tôi tin UAV ScanEagle chỉ là bước khởi đầu. Tại triển lãm ở sân bay Gia Lâm, tôi đã thấy nhiều loại UAV do Việt Nam sản xuất nhưng tôi không thấy có USV. Vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho hai bên, cho các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực UV.
Tôi muốn nhấn mạnh về USV, bởi đó dường như là một vùng đất mà Việt Nam chưa khai phá nhưng có vai trò rất quan trọng. Chúng có thể hiện diện trên biển nhiều ngày liền, thu thập các thông tin và gửi về sở chỉ huy. Việt Nam nên tập trung vào USV vì chúng cung cấp một cấp độ an ninh hàng hải hoàn toàn khác khi kết hợp với tàu tuần tra có người lái.
Tất nhiên song hành với phát triển UAV và USV là khả năng chống UAV và USV. Đây sẽ là lĩnh vực tôi tiếp tục quan tâm và theo dõi sau chuyến đi lần này đến Việt Nam.
* Vậy phía Mỹ có sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam không?
- Chúng tôi đã nghe điều đó và hai nước đều có nhu cầu tiến lên cấp độ tiếp theo. Tôi tin rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang diễn ra và là những trao đổi có tính xây dựng. Tất nhiên công nghệ quốc phòng có thể nhạy cảm khi chuyển giao ngay từ đầu nên theo như tôi biết, cả hai phía vẫn đang làm việc về vấn đề này. Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam sẽ quyết định mốc thời gian cũng như cách thức tiến hành.
Hợp tác quốc phòng ngày càng tăng
Trung tướng Steven Rudder đã đến Việt Nam bốn lần và lần này với tư cách là một thành viên của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN. Họ có hơn 10 doanh nghiệp thành viên dự triển lãm lần này, cũng là triển lãm quy mô lớn nhất mà Mỹ từng tham gia tại Việt Nam.
Mỹ mang đến triển lãm máy bay vận tải C-130J, phiên bản mới nhất của dòng này và trước đó đã bàn giao một số máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam.
Khi còn trong quân ngũ, ông Rudder đã chứng kiến việc bàn giao hai tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam, các xuồng tuần tra Metal Shark 45 Defiant và UAV ScanEagle. Mỹ đang chuẩn bị bàn giao chiếc Hamilton thứ ba cho Việt Nam trong tương lai gần.
Trung tướng Rudder nhận định sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng đã ngày càng tăng. "Việc Mỹ chuyển giao máy bay huấn luyện T-6C là một bước tiến và tôi tin rằng cấp độ tiếp theo sẽ bao gồm các máy bay chiến đấu tiên tiến cùng các hệ thống phòng thủ khác" - ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận