GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Một kiến trúc trường học ngấp nghé 100 năm, hiếm lắm, quý lắm. Việt Nam hiện còn vài ngôi trường như thế thôi!”. Trong ảnh: UBND TP Cần Thơ tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại Trường THPT Châu Văn Liêm chiều 8-7 - Ảnh tư liệu |
Tuy vậy, từ thành đến hoại, diệt là cả một lộ trình dài hay ngắn không chỉ tùy thuộc tự thân công trình (vật liệu, kết cấu tạo nên công trình) mà còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, trạng thái tồn tại của nó.
Trường THPT Châu Văn Liêm, công trình văn hóa có tuổi thọ 98 tuổi - ngôi trường cổ hiếm hoi của miền Tây sông nước, vừa bị đề nghị khai tử (đập bỏ, xây mới theo kiến trúc cũ). Lý do đưa ra là công trình xuống cấp nghiêm trọng, nếu có trùng tu cũng không thể an toàn (?!).
Trong khi đó, hàng loạt ngôi trường khác ở TP.HCM với tuổi thọ suýt soát Trường Châu Văn Liêm như các trường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Marie Curie, Hồng Bàng... vừa được xếp hạng di tích để có kế hoạch bảo tồn, trùng tu là điều đáng suy ngẫm.
Tôi không bàn chuyện đập bỏ xây mới Trường Châu Văn Liêm là đúng hay sai, điều khiến nhiều người băn khoăn ở đây là công trình Trường Châu Văn Liêm đã được tồn tại trong trạng huống như thế nào mà trong khi các trường có tuổi thọ suýt soát ở TP.HCM còn đủ chất lượng để chọn được giải pháp trùng tu, bảo tồn thì trường này xuống cấp rất nghiêm trọng đến mức “trùng tu cũng không an toàn” (?!).
Một thực trạng khá rõ vốn là nguyên nhân của tình trạng công trình xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng, ngay cả khi công trình đã được công nhận di tích, đó là để cho “di tích... bơ vơ”. Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - một trong những biểu trưng của TP ngàn hoa - sau 80 năm tồn tại, sau gần 15 năm được công nhận di tích (năm 2001) đang dần hoang phế.
Lý do là nơi này trước đây bị trưng dụng làm cơ sở đào tạo giáo viên nên đã bị sửa chữa, cơi nới đủ kiểu, khi trở thành di tích và bị xuống cấp thì không đơn vị nào chịu cấp kinh phí để trùng tu, sửa chữa. Trên cơ sở ý thức biểu trưng độc đáo không thể lẫn lộn của Đà Lạt hay rộng hơn là tài sản chung của cả nước đang có nguy cơ mai một, lẽ nào các đơn vị liên quan không thể tận tâm hơn cùng nhau tìm một giải pháp để biểu trưng này hồi sinh?
Nếu như sự quay lưng khiến di tích xuống cấp thì sự “giành giật” cũng khiến di tích rơi vào trạng huống tương tự.
Hoành Môn quan, công trình nằm trên đỉnh đèo Ngang, đều được chính quyền cả hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình “ưu ái” giành phần quản lý về mình và tự xếp hạng cho di tích, song trớ trêu là tuy được cả hai địa phương "giành giật", di tích này cũng trở nên “mồ côi”, tháng năm trơ gan cùng tuế nguyệt.
Tương tự, Hải Vân quan, cụm di tích kiến trúc độc đáo trên đèo Hải Vân, cũng do sự giành giật quản lý giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế mà bị bỏ hoang phế.
Phân định rạch ròi để thuận tiện trong quản lý là không sai. Tuy nhiên, sự “giành giật” để công trình trở nên mục ruỗng có nguy cơ trở thành phế tích cũng cần phải xem lại.
Lẽ ra, ý thức sâu xa vai trò, giá trị của di tích cha ông để lại cho đời sau là tài sản của quốc gia, dân tộc, một sự ngồi lại giữa các địa phương, đơn vị liên quan nhằm luận bàn tìm giải pháp căn cơ để bảo tồn di tích mới là cách làm của sự tận tâm.
Di tích xuống cấp thời gian qua có nhiều nguyên do, song tựu trung theo phân tích trên rõ ràng xuất phát từ ý thức, thái độ và trách nhiệm chưa đúng mực của cá nhân, đơn vị có liên quan. Để trùng tu di tích, vì lẽ trên, trước tiên cần “trùng tu” ý thức của những người, những đơn vị liên quan đến di tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận