Một buổi quay hình của Trung tâm Vân Sơn tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn SECC - Ảnh: Gia Tiến |
*Trung tâm Vân Sơn lờ tác quyền nhiều nhạc sĩ tại VN
Tuổi Trẻ trao đổi cùng ông Đinh Trung Cẩn - giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chi nhánh phía Nam.
* Thưa ông, gần đây sự kiện Trung tâm Vân Sơn về VN làm ăn, và được nhắc về việc sử dụng bản quyền (ở nước ngoài, trước đây) đối với các tác giả VN, quan điểm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) như thế nào, xin ông cho biết?
Liệu việc truy thu có nằm trong Luật bản quyền VN và khả năng của trung tâm hay không?
- Việc chi trả tiền nhuận bút cho tác giả có các tác phẩm đã được Trung tâm Vân Sơn sử dụng thời gian qua cho đến nay cần phải được thực hiện sòng phẳng.
Về vấn đề truy thu, trước hết trung tâm cần dựa vào văn bản chính thức của tác giả gửi đến trung tâm (kèm theo những chứng cứ, tài liệu thu thập được trong thời gian qua) làm căn cứ để giải quyết theo đúng chức năng của trung tâm và nội dung ủy thác của tác giả.
Trên cơ sở các bằng chứng vi phạm nêu trên, VCPMC sẽ căn cứ vào các công ước, điều ước quốc tế về việc bảo hộ quyền tác giả mà VN là thành viên để có văn bản đề nghị các lãnh sự quán của các nước liên quan hỗ trợ xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả của công dân họ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả đã ủy thác cho VCPMC.
Ngay từ thời điểm năm 2010, căn cứ phản ảnh của một số nhạc sĩ (không phải của hai nhạc sĩ Giao Tiên và Hà Phương), VCPMC có văn bản gửi đến Trung tâm băng đĩa nhạc Vân Sơn tại hải ngoại về việc thực hiện quyền tác giả đối với DVD Vân Sơn 44 - chủ đề Nhớ nhà, đồng thời gửi công văn nhắc thêm một số lần nữa, kết hợp liên lạc qua email.
Tuy nhiên thời gian đó, VCPMC vẫn không nhận được phản hồi của Vân Sơn.
Trong một số lần làm việc để cấp phép tác quyền một số live show tại VN gần đây, VCPMC cũng đề cập lại vấn đề thực hiện quyền tác giả đối với các tác phẩm được sử dụng trong các chương trình, băng đĩa do Trung tâm Vân Sơn tổ chức sản xuất nhưng chưa có kết quả.
* Có nhiều cửa hàng băng đĩa nhạc ở hải ngoại chép lậu các sản phẩm văn hóa ở trong nước, VCPMC có thể nhờ pháp luật nước sở tại can thiệp?
- Tất cả các nước có tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, các công ước quốc tế... đều có luật sở hữu trí tuệ nên các công dân của họ đều phải tuân thủ các quy định của luật pháp nước họ.
Đồng thời, các cơ quan thực thi pháp luật các nước có tham gia các hiệp định, công ước nêu trên đều phải có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả của các chủ sở hữu thuộc các nước thành viên tham gia, như xử lý vi phạm sao chép bất hợp pháp (sao chép lậu)... và việc xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung đều cũng phải dựa trên các quy định của pháp luật và các công ước quốc tế.
Nhận tiền tác quyền: không dễ! Ngay sau khi đọc bài báo của Tuổi Trẻ, vợ của cố nhạc sĩ Hoàng Phương, bà Mộng Vân, từ Gò Công cũng đã tìm cách liên lạc với ông Vân Sơn để nói về tác quyền âm nhạc của chồng bà mà Trung tâm Vân Sơn ở bên Mỹ đã sử dụng. Hơn nửa tháng trôi qua, bà Vân cho biết đến hôm nay (ngày 3-4) ông Sơn vẫn im lặng, mặc dù bà đã gọi và nhắn tin hỏi cách giải quyết. Trước đó, như Tuổi Trẻ đưa tin ngày 18-3, nhạc sĩ Giao Tiên và Hà Phương cho biết các ông nhận được số tiền 5 triệu đồng/người do ông Vân Sơn chuyển vào tài khoản mà không rõ là chi trả cho tác phẩm nào, dựa trên khung giá ra sao. Nhạc sĩ Giao Tiên có nhắn tin để hỏi về số tiền này nhưng nhiều ngày vẫn không được ông Vân Sơn trả lời. Sau đó, nhạc sĩ Hà Phương cũng tìm cách liên lạc nhưng không được hồi âm. “Có vẻ như ông Vân Sơn chỉ tạm hành động để trấn an dư luận” - nhạc sĩ Hà Phương nói. Với số lượng tác phẩm được sử dụng (mỗi người trên 10 bài), việc sòng phẳng tác quyền theo luật vẫn còn phải được làm rõ. Vân Sơn là một trong ba trung tâm lớn thường sử dụng tác phẩm của các tác giả trong nước. Không như Vân Sơn, hai trung tâm kia trả tiền tác quyền thường xuyên. Giá tác quyền của hai trung tâm này trả cho bài hát trong DVD từ nhiều năm trước là 200 USD/bài, nếu CD là 100 USD/bài. Còn hiện nay có trung tâm trả cho DVD là 300 USD/bài. “Dù xa xôi nhưng họ luôn tìm cách liên lạc và trả tiền. Hiện nay, dù ở trong nước vẫn có những trường hợp tác quyền được trả cao hơn, nhưng cách làm mang tính lâu dài và uy tín của một vài trung tâm ở Mỹ rất đáng quý” - nhạc sĩ Giao Tiên nói. Trong khi đó, việc lấy được tiền bản quyền với một số trung tâm âm nhạc của người Việt ở nước ngoài không dễ. Nhạc sĩ Thanh Sơn trước khi qua đời cũng từng đến Trung tâm Vân Sơn ở TP Westminster, California, Mỹ để xin được nói chuyện về các tác phẩm của ông đã được sử dụng mà không có ý kiến của ông. Thế nhưng cho đến lúc mất, chuyện này cũng chưa được giải quyết. Trong 51 DVD do Trung tâm Vân Sơn thực hiện, còn có nhiều tác giả khác có bài được sử dụng mà chưa được ký kết về bản quyền, nhưng vì ngại phải tranh chấp cũng như quen biết nhau nên đành im lặng. “Không nên như vậy, cần phải sòng phẳng và tôn trọng các nhạc sĩ vì họ chỉ có thể sống bằng tác phẩm của mình mà thôi” - nhạc sĩ Mặc Thế Nhân từ Bình Dương nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận