IDC được kỳ vọng sẽ là địa chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực kỹ thuật trong sản xuất khuôn mẫu, tăng thêm cơ hội tiếp cận vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ trì tham dự buổi lễ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng muốn phát triển công nghiệp cần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ làm nền tảng. Do đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện thành lập 5 trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và Bộ Công Thương đang tích cực thực hiện nhiệm vụ này.
"Ra mắt trung tâm kỹ thuật khuôn mẫu là việc cần thiết phải làm để phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Đây là bước đầu đối với sự phát triển mới của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Nếu so sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc, cơ sở vật chất của trung tâm hỗ trợ kỹ thuật mà Việt Nam có được còn nhỏ bé, song hi vọng rằng nguồn lực nhà nước sẽ được sử dụng hiệu quả" – Thứ trưởng nhấn mạnh tới đây, hệ thống máy móc kỹ thuật hiện đại sẽ được đầu tư nhiều hơn, nên đây sẽ là nhiệm vụ mà Cục Công nghiệp, Trung tâm IDC cần phải tích cực thực hiện để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nâng cao hiệu quả kỹ thuật.
Có cơ hội 2 năm đi giao thương ở nước ngoài, ông Trần Cao Khánh, Giám đốc công ty Idmea cho hay ở nhiều nước có những trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn, giúp doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất, đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường. Do đó, việc nhà nước đầu tư nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp doanh nghiệp khoẻ hơn nhiều trong khâu nâng cao chất lượng kỹ thuật sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
"Tôi đánh giá sự ra đời của Trung tâm kỹ thuật khuôn mẫu rất hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành khuôn mẫu. Việc hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị dùng chung đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vốn có nhiều hạn chế về mặt tài chính tiếp cận, phát triển sản xuất sản phẩm với hàm lượng chất xám cao hơn, từ đó tạo ra bước đệm quan trọng trong việc nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp CNHT sản xuất khuôn mẫu nói riêng" - ông Khánh nói.
Đồng tình, ông Lê Anh Đức, Giám đốc công ty TNHH Bao bì Thái Dương cũng kể nỗi khổ là tuyển dụng trưởng phòng khuôn mẫu không được như mục tiêu vì nhân lực ngành này rất hiếm. Do đó, việc Bộ Công Thương đưa vào hoạt động trung tâm khuôn mẫu, hỗ trợ kỹ thuật và hoàn thiện sản phẩm, giúp doanh nghiệp khắc phục được những điểm yếu hiện nay là nhân lực và máy móc hiện đại để thử nghiệm, kiểm định sản phẩm. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng cần thành lập trung tâm hỗ trợ kỹ thuật này trong miền Nam, bởi đây là nhu cầu cấp bách để doanh nghiệp đón đầu cơ hội khi một số tập đoàn nước ngoài chuyển sang VN.
Với mục tiêu hình thành 5 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật trên toàn quốc theo nội dung nghị quyết 115 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay xưởng sản xuất thử nghiệm khuôn mẫu là bước đầu của quá hiện thực hóa nghị quyết 115.
"Bằng tất cả tâm huyết của lãnh đạo Cục Công nghiệp và Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, cơ sở máy móc trang thiết bị bước đầu được trang bị đúng mục tiêu đề ra, đảm bảo tính tiên tiến về kỹ thuật, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao về hỗ trợ phát triển công nghiệp" - ông Hoài nhấn mạnh.
Còn theo ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, bên cạnh việc triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ tư vấn cải tiến, hỗ trợ kết nối... Trung tâm IDC cần thiết phải có cơ sở vật chất, máy móc hiện đại để giúp doanh nghiệp trong việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao, rủi ro trong sản xuất hàng loạt lớn. Đây sẽ là căn cứ để doanh nghiệp có đủ niềm tin đầu tư đổi mới công nghệ, tạo nên sản lượng tăng đột biến, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục phát triển theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận