Đây là một trung tâm dạy nghề lái xe có số học viên cao nhất ở tỉnh Đồng Nai.
Bị tố ăn gian số giờ chạy xe
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn là đơn vị đưa vào áp dụng thiết bị chuyên dụng DAT (Distance and Time, là thiết bị điện tử được lắp trên ô tô tập lái để giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) từ rất sớm và có riêng thiết bị cho mình. Trong quá trình sử dụng thiết bị dạy lái xe, trung tâm này đã bị học viên phản ảnh có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan chức năng để xử lý. Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng tiếp nhận các phản ảnh, kiến nghị của học viên.
Cụ thể, nhiều học viên đi học lái xe cho rằng tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn khi thực hành học lái xe thực tế trên đường khoảng 300km nhưng lại được gọi đến chụp ảnh để ăn gian số giờ trên phần mềm xử lý, dù không chạy thực tế trên đường. Sau đó, học viên được trung tâm này "phù phép" để đủ điều kiện thi sát hạch.
Một thầy giáo dạy lái xe cho biết, công nghệ DAT đưa vào sát hạch nhằm chống gian lận thi nên Bộ Giao thông vận tải có quy định rất cụ thể. Theo đó, giáo viên và học viên đăng nhập vào thiết bị DAT và thực hiện việc giảng dạy, kỹ năng đi đường.
Sau khi kết thúc phiên học, dữ liệu từ thiết bị DAT sẽ được gửi vào máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời cũng lưu trên máy chủ của đơn vị đào tạo. Khi học viên hoàn tất việc học, đi đủ số km và thời gian theo quy định sẽ được dự thi lấy bằng.
Chẳng hạn, nếu học viên muốn thi lấy bằng ô tô hạng B2 thì phải chạy được 810km và phải hơn 20 giờ và áp dụng 4 giờ chạy đêm, đồng thời phải chạy tối thiểu 3 tiếng 20 phút xe số tự động. Khi học viên lên xe, DAT nhận diện khuôn mặt ở nhiều góc và phần mềm nhảy lộ trình, số giờ chạy xe...
Tuy nhiên, học viên phản ảnh tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đã bỏ qua những quy chuẩn trên.
Một học viên từng học ở trường này cho biết: "Sau khi tôi và một nhóm bạn đóng đủ tiền thì chỉ cho mỗi người chạy chừng 100 - 300km. Tiếp đó, họ kêu học viên đến văn phòng, dùng phần mềm DAT để cho nhận diện. Chẳng hiểu họ can thiệp kiểu nào mà chúng tôi cũng chạy đủ 810km và số giờ theo quy định rồi đủ điều kiện dự thi sát hạch".
Mở văn phòng, "mua" học viên
Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn tự giới thiệu "là đơn vị đào tạo dạy nghề lái ô tô chuyên nghiệp với 24 chuỗi trung tâm đào tạo" ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc.
Theo tìm hiểu, Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn có chiêu thức kéo học viên ở rất nhiều tỉnh thành về dự thi. Trung tâm này còn cho mở văn phòng ở Ninh Thuận, Bình Thuận... và tổ chức chiêu sinh, thu tiền học lái ô tô cho từng loại bằng.
Ở mỗi địa phương này, giáo viên dạy lái nếu kéo được học viên về cho trung tâm sẽ được hưởng hoa hồng. Sau đó, trung tâm dùng pháp nhân của mình để đưa học viên đi thi. "Vì vậy mà nhiều đợt thi tại Đồng Nai thấy học viên dự thi ở các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí ở tận Cà Mau", một giáo viên dạy lái ô tô chia sẻ.
Giáo viên này còn cho biết: "Qua các đợt thi, học viên của trường dạy nghề lái xe Sài Gòn vẫn đông nhất so với các trung tâm đào tạo khác. Nếu so sánh học viên ở đây đào tạo và so sánh với số km, số giờ bắt buộc phải chạy thì chỉ có can thiệp vào phần mềm DAT để chỉnh sửa mới đào tạo ra hàng ngàn học viên như vậy".
Trong một diễn biến liên quan đến vụ việc này, Bộ Công an cũng đang yêu cầu các đơn vị sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải cung cấp các tài liệu có liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, tháng 1-2023, công an cũng đã bắt Võ Chí Giang (39 tuổi, nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn) để điều tra về hành vi "đưa hối lộ".
Nhiều nơi "kêu" thiết bị DAT bất cập, dẫn tới gian lận
Một cán bộ của Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Bộ Giao thông vận tải) cho hay DAT bắt buộc áp dụng toàn quốc từ ngày 15-6-2022. Thiết bị điện tử này được lắp trên các ô tô tập lái để giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe.
Khi lắp thiết bị ghi lại, lưu trữ và truyền toàn bộ thông tin quá trình dạy và học thực hành lái xe 5 phút/lần về Cục Đường bộ Việt Nam. Từ đó sẽ giúp kiểm soát đầy đủ thông tin, buộc người học và giáo viên phải đi đủ số km, học đủ số giờ thực hành. Nếu không thì sẽ không được phép dự sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Như vậy, không thể cắt xén được chương trình đào tạo quy định. Cơ sở đào tạo lái ô tô cũng quản lý được công việc của giáo viên thực hành, người học và cả lượng nhiên liệu tiêu hao một cách hiệu quả, chính xác.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, nhiều người dân phản ảnh dùng thiết bị này để giám sát quá trình dạy và học thực hành lái ô tô còn nhiều bất cập. Việc giám sát, kiểm tra chưa rõ ràng dễ dẫn tới gian lận, đặt 2 - 3 máy để khống số giờ thực hành. Bên cạnh đó, quá trình dạy xe đi vào các địa hình đồi núi, hầm... mất tín hiệu kết nối thì kết quả truyền về không chính xác, "lợi bất cập hại".
THU DUNG
Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn do ai điều hành?
Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn thuộc Công ty TNHH phát triển GD&DN 3T do ông Hồ Đình Thái Hòa làm giám đốc, được thành lập từ năm 2014 theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Trụ sở trung tâm đặt tại phường Tân Tiến, TP Biên Hòa.
Tháng 6-2022, ông Hòa ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Thanh Tú làm giám đốc điều hành Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. Đến tháng 2-2023, ông Hòa ủy quyền cho ông Trần Thanh Tú được toàn quyền ký các văn bản báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời được ký các hợp đồng liên kết, hợp tác đầu tư và hoạt động đào tạo, chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề lái ô tô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận