Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - thông tin trong cuộc gặp gỡ báo chí - Ảnh: LAN ANH
Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin cách phòng vệ sức khỏe sau vụ cháy Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết đêm nay 30-8 việc xét nghiệm này sẽ có kết quả.
Theo chỉ định của bác sĩ, người dân và các phóng viên đến khám đã được làm xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe, xét nghiệm máu xem có liên quan đến ngộ độc thủy ngân hay chì...
Theo ông Nguyên, các nguy cơ có thể là hít phải khói độc, gây bỏng hô hấp, ở vụ này có nguy cơ đang theo dõi là thủy ngân. Theo trao đổi với các chuyên gia, bình thường thủy ngân khó gây ngộ độc, nhưng nếu bị đốt nóng thủy ngân có thể bốc hơi và gây ngộ độc qua đường thở.
Tuy nhiên các yếu tố thời gian tiếp xúc, nồng độ trong không khí hoặc đứng đúng chiều gió cũng tác động đến nguy cơ ngộ độc. Trẻ em có nguy cơ bị tác động nhiều hơn người lớn.
"Cho đến giờ chúng tôi chưa đánh giá hết được, những người trực tiếp hít phải hơi nóng như cảnh sát chữa cháy, người hít phải khói và hơi nóng thời gian dài, người khó thở, choáng váng tê chân tay, nôn... nên đi khám, kiểm tra tại các bệnh viện quận của Hà Nội đã là rất tốt rồi. Không nên tập trung đến một nơi gây quá tải", ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Nguyên trao đổi tại họp báo - Video: LAN ANH
Ông Nguyên cũng cho biết thủy ngân có nhiều loại, trường hợp này là thủy ngân kim loại, sau vài giờ có thể có triệu chứng ngay như nôn mửa, sốt, tê chân tay, khó thở, tức ngực... Nên đưa nạn nhân ra khỏi vùng không khí đó, rửa những vùng da, mắt bị dính khói và cay bằng nước sạch. Hiện có thể kiểm tra tình trạng nhiễm độc thủy ngân (kể cả nồng độ thấp) bằng xét nghiệm máu.
Bệnh nhân mới gặp ảnh hưởng từ vụ cháy, nếu điều trị sớm sẽ tốt hơn. Nếu để lâu dài không điều trị có nguy cơ nhiễm độc thần kinh. "Cần thêm đánh giá của các chuyên gia hoá học, môi trường", ông Nguyên đề xuất.
Đối với nguồn thủy ngân từ nhiệt kế, ông Nguyên cho hay không nên quá lo khi nhiệt kế vỡ, thậm chí nuốt vào bụng hết số thủy ngân trong đó nguy cơ nhiễm độc vẫn thấp. Nhưng tuyệt đối không làm bốc hơi hoặc không dùng máy hút thủy ngân, tránh nguy cơ làm nóng và gây ngộ độc.
Về việc có nên di dời khỏi khu vực có cháy, ông Nguyên chia sẻ khi đám cháy đã được dập tắt, nguy cơ hít phải khói đã hết, ở Hà Nội không trồng rau, quả nên không có chuyện có rau quả từ vùng này, nước máy thì đã đi theo đường ống...
"Tôi cho là không phải di dời", ông Nguyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận