Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đi sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 20 năm Anh trao trả Hong Kong năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Các nguồn tin tin cậy của Hãng tin Reuters tiết lộ trong suốt nhiều tháng qua, các chỉ đạo và đường hướng xử lý khủng hoảng ở Hong Kong đều được truyền đi từ một biệt thự có tên "Hoa dương tử kinh" đặt tại ngoại ô của Thâm Quyến.
Hoa dương tử kinh là loài hoa biểu trưng trên cờ Hong Kong.
Một doanh nhân ở Thâm Quyến có quan hệ mật thiết với các quan chức Trung Quốc ví biệt thự "Hoa dương tử kinh" như "trung tâm chỉ huy tiền tuyến" được sử dụng để giám sát và điều phối tình hình Hong Kong. "Nó luôn chật kín người ra vào", vị này tiết lộ.
Trung tâm xử lý khủng hoảng này hoạt động hoàn toàn độc lập với Văn phòng liên lạc chính phủ trung ương đặt tại Hong Kong. Hiện đang có thông tin Bắc Kinh đang muốn thay người đứng đầu văn phòng này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận báo cáo mỗi ngày từ biệt thự "Hoa dương tử kinh", ít nhất 4 quan chức giấu tên tiết lộ với Reuters. Ông Tập đã từng đến đây trước khi lên nắm quyền.
Theo Reuters, trong phong trào dù vàng ở Hong Kong năm 2014, các quan chức Bắc Kinh cũng đã tới biệt thự này và thiết lập một trung tâm xử lý khủng hoảng.
Trong đợt khủng hoảng lần này, các quan chức đại lục di chuyển như con thoi giữa Bắc Kinh và Thâm Quyến.
Họ triệu tập các quan chức cấp cao nhất của Hong Kong, kể cả trưởng đặc khu Carrie Lam để truyền đạt lại các chỉ thị từ trung ương và vạch ra hướng xử lý các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển đặc khu gần nửa năm qua.
Các quan chức cấp thứ trưởng của Bộ Công an Trung Quốc, Bộ An ninh nhà nước, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc và các cơ quan khác đều ghé thăm biệt thự, cho thấy vấn đề ở Hong Kong nghiêm trọng như thế nào với đại lục.
Lối ra vào biệt thự "Hoa dương tử kinh" bị rào chắn và kiểm soát an ninh chặt chẽ. Phóng viên của Reuters đã bị yêu cầu rời khỏi khu vực khi tiến lại gần - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, ngày 13-6, một ngày sau khi người biểu tình tràn vào Hội đồng lập pháp Hong Kong, đập phá và bôi bẩn quốc huy, quốc kỳ Trung Quốc, Phó thủ tướng Hàn Chính đã bay tới biệt thự "Hoa dương tử kinh" và yêu cầu trưởng đặc khu Carrie Lam có mặt ngay lập tức.
Bà Lam khi đó đã đề nghị hoãn lại dự luật dẫn độ giữa Trung Quốc và Hong Kong để cứu vãn tình hình. Sau khi hỏi xin ý kiến các lãnh đạo cao hơn tại Bắc Kinh, ông Hàn Chính chấp thuận. Ngày 15-6, khoảng 2 ngày sau cuộc gặp tại Thâm Quyến, bà Lam tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ.
"Văn phòng liên lạc đặt tại Hong Kong và các chính trị gia Hong Kong thân Bắc Kinh hoàn toàn không biết gì về quyết định này cho đến phút chót", nguồn tin của Reuters hé lộ.
Bất chấp nỗ lực trên, thậm chí chính thức tuyên bố dự luật "đã chết", lãnh đạo Hong Kong vẫn không thể dập tắt các cuộc biểu tình trong nhiều tháng sau đó.
Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau, Văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương tại Hong Kong và Văn phòng trưởng đặc khu Hong Kong không phản hồi các yêu cầu bình luận của Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận