24/11/2013 11:00 GMT+7

Trung tâm chế biến titan lớn nhất Việt nam: Hiểm họa môi trường

NG.NAM
NG.NAM

TT - Một trung tâm chế biến titan sắp được khởi công tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang gây nhiều lo ngại về hiểm họa môi trường. Trong khi đó cũng tại tỉnh này, sự cố vỡ hồ bùn thải titan ở huyện Hàm Thuận Nam vẫn chưa khắc phục xong. Người dân vẫn chưa được bồi thường thiệt hại.

IorVldyk.jpgPhóng to
Hồ chứa nước thải titan bị vỡ khiến Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận tràn ngập bùn đỏ (ảnh chụp ngày 18-11) - Ảnh: Ng.Nam

Dự kiến ngày 29-11, Công ty cổ phần Rạng Đông sẽ bắt đầu thi công hạ tầng Khu công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Đây là một trung tâm chế biến titan lớn nhất VN.

Cả cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia về khoáng sản titan đều lo ngại nếu không quản lý tốt thì tình trạng ô nhiễm do khai thác, chế biến titan tại Bình Thuận sẽ càng nặng hơn sau khi Khu công nghiệp (KCN) Sông Bình đi vào hoạt động. Hiểm họa tràn bùn thải titan như từng xảy ra sẽ tái diễn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao

Ông Nguyễn Đức Hòa, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận, cho biết KCN Sông Bình đi vào hoạt động với các sản phẩm chế biến sâu đến pigment và titan xốp, đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment. Ngoài ra còn xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride. Ông Hòa nhìn nhận việc chế biến sâu titan sẽ hiệu quả hơn nhiều so với khai thác, sơ chế, xuất khẩu thô.

Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, ông Hòa cho hay trong giai đoạn lập hồ sơ, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trong quá trình hoạt động, bộ, ngành và địa phương sẽ quản lý, giám sát việc thực hiện các giải pháp môi trường đối với dự án.

Ông Huỳnh Giác, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận, đánh giá KCN Sông Bình là nơi thu hút công nghệ tiên tiến về chế biến titan. Theo đó, thay vì xuất thô như trước đây, quặng titan sẽ được đưa vào KCN Sông Bình để chế biến sâu. Hiện đã có nhà đầu tư của Nga có nguồn lực mạnh đầu tư vào KCN, còn các doanh nghiệp VN thì có một số cái tên khá quen thuộc trong ngành khai thác titan như Đường Lâm, Bằng Hữu. “Khi tiến tới khai thác công nghiệp sẽ làm (khai thác) sâu tới 100m. Nguy cơ cho môi trường cũng lớn hơn. Vì vậy việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn” - ông Giác nói.

Ông Giác cho biết thêm khi KCN Sông Bình đi vào hoạt động, các khu mỏ khai thác titan bên ngoài như các “vệ tinh” cung cấp nguyên liệu cho KCN này chế biến sâu. Khi đó số lượng titan khai thác sẽ tăng cao hơn, đồng nghĩa với việc nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng sẽ tăng cao nếu lơi lỏng quản lý.

HXpUbpKs.jpgPhóng to
Sơ đồ vị trí Khu công nghiệp chế biến titan Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận trên ảnh nền: sự cố tràn bùn thải titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận - Nguồn: Theo số liệu KCN Sông Bình - Ảnh: Nguyễn Nam - Đồ họa: Vĩ Cường

Thực tế rất đáng ngại

Ông Nguyễn Hữu Quý - chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Bình Thuận - cho hay: theo tài liệu điều tra của Tổng cục Địa chất khoáng sản VN, tỉnh Bình Thuận được xác định có tiềm năng khoáng sản titan rất lớn, trên 500 triệu tấn, chiếm hơn 90% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan VN. “Titan tại Bình Thuận không thiếu, nhưng vấn đề đặt ra là công nghệ.

Hiện các mỏ chỉ mới khai thác được 5-7 triệu tấn mà môi trường đã bị ảnh hưởng nặng, thảm thực vật và diện mạo bờ biển bị biến dạng do quá trình hoàn thổ kém. Về thu thuế cũng không được bao nhiêu, từ trước đến nay chỉ thu về trên 100 tỉ đồng thuế, thua cả xổ số kiến thiết, nhưng hậu quả cho môi trường lại rất lớn” - ông Quý trăn trở. Ông Quý nói thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp khai thác titan đào sai vị trí, đào rộng hơn và đào moong (hố khai thác) không đúng thiết kế. Chưa kể KCN chế biến titan sông Bình nằm ở nơi đầu nguồn của hệ thống sông Lũy, nếu kiểm soát chất thải thiếu chặt chẽ sẽ gây ra hậu quả rất lớn. “Từ sự cố tràn bùn thải titan vừa qua ở Bình Thuận đặt ra cảnh báo về cách quản lý của cơ quan nhà nước” - ông Quý nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hoàng - trưởng khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - đánh giá khi KCN Sông Bình đi vào hoạt động thì nhu cầu quặng titan thô để đưa vào chế biến sâu sẽ tăng cao. Vấn đề đặt ra là làm sao quản lý tốt việc khai thác thô, bởi hiện nay hoạt động khai thác của các mỏ đều có nhiều sai phạm như khai thác không đúng thiết kế dẫn đến các hồ chứa không bảo đảm. Vụ vỡ hồ chứa bùn thải titan ngày 18-11 xuất phát từ những tồn tại này. “Các cơ quan giám sát từ địa phương đến trung ương đều có, nguyên tắc làm việc rất chặt chẽ, tuy nhiên việc quản lý trên thực tế rất lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau” - ông Hoàng nói.

Người dân không muốn

Một vị đại biểu của dân tại huyện Bắc Bình cho biết khi nghe KCN Sông Bình sắp được xây dựng người dân rất lo ngại. “Tôi nghĩ nguyên tắc là làm cái gì cũng phải nghĩ đến ý kiến người dân” - vị này nói.

Ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, cũng nói khi tiếp xúc cử tri ở khu vực có dự án titan hầu như dân kêu rất nhiều về ô nhiễm môi trường. “Như hiện nay kiểm tra kiểu gì mà không thấy vi phạm của doanh nghiệp, đến lúc xảy ra sự cố mới nói thế này thế nọ. Trong kỳ họp HĐND tới tôi sẽ tiếp tục chất vấn những vấn đề liên quan tới titan, nhất là sự việc tràn bùn thải titan xảy ra tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam” - ông Thiện cho biết.

Vụ tràn bùn thải titan:

Thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho dân

Chiều 23-11, tin từ Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận cho biết cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam làm rõ vụ tràn bùn thải titan xảy ra ngày 18-11 tại Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam).

Sở Tài nguyên - môi trường cho biết công ty đồng ý bồi thường thiệt hại cho những người dân bị bùn cuốn trôi xe máy. Công ty gặp chủ đầu tư dự án khu du lịch Tiến Phú, một hộ dân có 1.000m² đất đang trồng cây điều được 12 năm tuổi và một hộ dân có 300m² đất đang trồng chuối để thỏa thuận hỗ trợ nạo vét, rửa trôi lớp bùn đỏ đọng lại trên đất.

Đường ĐT 719 đã được công ty rửa sạch nền đường. Tuy nhiên, hai bên đường vẫn còn một lượng bùn đỏ chưa được rửa sạch. Riêng về hồ bị vỡ, công ty đắp bờ đất và tích nước trở lại.

Trước đó ngày 18-11, hồ chứa nước thải khai thác titan của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận bất ngờ bị vỡ, nước cuốn theo bùn đỏ trong hồ thải tràn ào ạt ra đường, nhà dân, bờ biển... Qua điều tra vụ việc, cơ quan chức năng đang nghi ngờ công ty này khai thác lén lút trong khi giấy phép đã hết hạn và chưa được xem xét cấp lại.

KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình

Ông Nguyễn Đức Hòa, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận, cho biết dự án KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình đã được Thủ tướng đồng ý. Trước đó tháng 4-2013, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đồng ý chủ trương giao Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Sông Bình. Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án KCN Sông Bình (khoảng 30ha) đã được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt ngày 21-10. Ông Hòa cho biết thêm hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo chủ đầu tư đôn đốc đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Đông - chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông, dự kiến việc xây dựng hạ tầng cơ bản hoàn thành trong vòng 18 tháng, nhưng trong tháng 2-2014 có thể giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy. “Không như các KCN khác, KCN Sông Bình là nơi tập trung chế biến titan duy nhất và lớn nhất của VN, khả năng lấp đầy 100% là rất nhanh” - ông Đông nói.

Theo quy hoạch, vị trí của KCN Sông Bình cách TP Phan Thiết 50km và cách cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) khoảng 60km, hiện trạng khu quy hoạch không có đất trồng lúa. KCN trên sẽ đi vào hoạt động chuyên ngành chế biến sâu titan với ba sản phẩm chính là xỉ titan, rutin nhân tạo, zircon mịn và siêu mịn, pigment (dioxit titan), các hợp chất zircon (như Zircon oxychloride) và titan xốp, titan kim loại, hợp kim titan.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NG.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên