Thỏa thuận Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên được kỳ vọng qua đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có C4IR sau Malaysia.
C4IR tại TP.HCM dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 6-2024 và sẽ tọa lạc tại Khu công nghệ cao TP.HCM. C4IR được xem là một trong các đề án phát triển kinh tế quan trọng của TP.HCM, đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển TP.HCM thời gian tới.
Kỳ vọng lớn vào Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
C4IR được thành lập đầu tiên tại San Francisco, Mỹ vào năm 2017. Tính đến năm 2023, đã có 18 trung tâm C4IR trên toàn thế giới.
C4IR là nền tảng hợp tác giữa nhiều bên liên quan, kết nối khu vực công và tư nhằm tối đa hóa lợi ích công nghệ đem lại cho xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro, cải thiện và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ mới nổi.
Trung tâm sẽ tập trung hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo...
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp dành sự kỳ vọng lớn với C4IR. Hiện nay trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng phát triển và ứng dụng mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới.
“Chúng tôi có niềm tin vào xu hướng phát triển AI là tất yếu.
Do đó chúng tôi rất mong chờ C4IR sẽ là một bệ phóng để hỗ trợ những doanh nghiệp như chúng tôi có thể góp sức đưa Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách mạnh mẽ, tạo đà phát triển kinh tế bền vững và toàn diện trên mọi lĩnh vực” - Hoàng Hường, CEO start-up Unikon (phát triển các ứng dụng AI) cho các doanh nghiệp, nói.
Trong khi đó, ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Công ty chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng một trong những thách thức lớn nhất với các start-up là việc đưa sản phẩm giai đoạn đầu đối với nhóm khách hàng tiềm năng.
Do đó C4IR có thể là đơn vị hỗ trợ và kết nối các start-up với nhóm khách hàng tiềm năng thông qua các cơ quan chức năng... Điều này sẽ giúp các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được tiếp cận với nhóm khách hàng tiềm năng sớm hơn.
Chuyển đổi số đang là phong trào diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Chuyển đổi số đối với các tổ chức, doanh nghiệp là rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, một trở ngại rất lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp SME (nhỏ và vừa), mà cả với doanh nghiệp lớn là thiếu kinh phí.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho rằng việc thiếu kinh phí khiến các doanh nghiệp trở nên không mặn mà với việc chuyển đổi số.
Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn C4IR có thể tìm các nguồn vốn tài trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp SME thông qua các chính sách cụ thể.
Kết hợp sâu C4IR và nghị quyết 98
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền TP.HCM sẽ khéo léo kết hợp C4IR với việc vận dụng nghị quyết 98 để tạo ra những chính sách, hướng phát triển đột phá cho thành phố.
“Nghị quyết 98 đang có những chính sách rất tốt cho công ty khởi nghiệp sáng tạo, chúng tôi nghĩ rằng chính sách này cần kết hợp sâu hơn với C4IR” - ông Trần Viết Quân nêu quan điểm và đồng thời đề xuất 3 sáng kiến.
Thứ nhất, thành phố cần đưa ra các bài toán cụ thể phải giải quyết như ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước... Các bài toán này cần có kết quả cụ thể thu được và đáp án từ các công ty công nghệ.
Vì mỗi bài toán có cách giải quyết đặc thù nên C4IR có thể thông qua các cuộc thi và giải thưởng để tìm ra những ý tưởng giải quyết bài toán của thành phố kết hợp với các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển sau đó.
Thứ hai, đã có rất nhiều ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao được triển khai tại các thành phố hàng đầu thế giới, từ đây C4IR có thể đưa ra các buổi demo những công nghệ mới này và đặt hàng cho các công ty công nghệ trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tương tự nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thứ ba là trung tâm ý tưởng đóng góp sáng kiến phát triển thành phố từ mọi người dân thành phố, các ý tưởng này có thể được thẩm định và trao thưởng.
Từ những ý tưởng này, các công ty công nghệ cũng có cơ sở để tham gia việc biến ý tưởng của người dân thành sản phẩm, dịch vụ cho thành phố.
Bên cạnh đó, một công nghệ mới đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đua nhau nghiên cứu, phát triển và ứng dụng là chuỗi khối (blockchain) - nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý nào để xây dựng đường lối phát triển cũng như quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Thế Vinh, CEO Công ty công nghệ Ninety Eight, cho biết: “Chúng ta hiện chưa có một hành lang sandbox nào để mọi người có thể biết được rằng mình nên tiếp cận với công nghệ mới là như thế nào cho đúng”.
Do đó với sự xuất hiện của C4IR cùng cơ chế đặc thù cho TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực blockchain mong muốn sớm có một sandbox (khung thể chế thí điểm) để tận dụng được thế mạnh sẵn có cũng như mở hướng đi cho những người trẻ ở Việt Nam.
“Khi có cơ chế, được tạo điều kiện và hướng dẫn từ cơ quan nhà nước, người ta sẽ bắt đầu suy nghĩ cũng như tiếp cận với blockchain một cách nghiêm túc hơn và thông qua đó cũng sẽ tạo được nguồn lao động dành cho những công ty làm việc trong lĩnh vực này.
Ngoài ra nó cũng sẽ thu hút thêm nhiều start-up Việt tiếp cận những cơ hội toàn cầu. Nếu chiến thắng, start-up đó không những thành công mà còn có thể kéo theo nhiều start-up khác của Việt Nam thành công trên thị trường thế giới”, ông Vinh nói.
Với C4IR, nhiều doanh nghiệp phát triển game đề xuất có những hỗ trợ từ cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, kết nối các nhà sản xuất game và phát hành game trong và ngoài nước.
“Chúng tôi kỳ vọng C4IR tại TP.HCM sẽ tạo ra nhiều điểm đột phá về cơ chế để giúp các doanh nghiệp có động lực sáng tạo và trau dồi năng lực để tạo ra nhiều giá trị tích cực cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung” - ông Lã Xuân Thắng, giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến - VNG Games, chia sẻ.
Tham gia vào các sáng kiến toàn cầu của WEF
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đầu tháng 4, TP đã làm việc với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để thảo luận một phần về các hoạt động của C4IR tại TP.HCM.
Chính quyền thành phố đã giao Khu công nghệ cao TP.HCM xây dựng đề án hoạt động, hoàn thành các thủ tục để đưa C4IR đi vào hoạt động trong tháng 6-2024.
Qua C4IR TP.HCM, thành phố có thể tham gia vào các sáng kiến toàn cầu của WEF, qua đó thiết lập một hệ sinh thái toàn diện nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trung tâm cũng sẽ là địa chỉ đáng tin cậy và hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Đồng thời WEF có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được khát vọng về đổi mới sáng tạo và tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối với nhiều bên liên quan.
C4IR sẽ trở thành nền tảng giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể định hình và phát triển các chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 ở cả cấp địa phương lẫn quy mô quốc gia, và phù hợp với chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như đóng góp vào quỹ đạo phát triển toàn cầu của công nghệ hiện nay.
“Thành phố có thể tham gia vào các sáng kiến toàn cầu của WEF. Từ đó có thể thiết lập một hệ sinh thái toàn diện nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trung tâm sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy và hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế” - ông Mãi chia sẻ.
Mong tạo đột phá cho Fintech
TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tạo ra những hướng đi đột phá cho ngành công nghệ tài chính (Fintech) nói riêng và các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung.
Tôi mong muốn thấy nhiều nghiên cứu, nhiều hợp tác hơn giữa các công ty Fintech toàn cầu, các tổ chức tài chính uy tín và các nhà nghiên cứu thông qua C4IR trong các công nghệ mới nổi như blockchain, AI, phân tích dữ liệu lớn và tài chính bền vững. Nỗ lực hợp tác này có thể dẫn đến những đổi mới Fintech đột phá phù hợp với thị trường Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh đó, chúng ta nên thấy thêm các chương trình giáo dục, kết hợp chuyên môn của Việt Nam với các chương trình giáo dục được thiết kế riêng về Fintech, bao gồm các chủ đề như: tài chính kỹ thuật số, blockchain, AI và công nghệ quy định với các chuyên gia ngành trên toàn cầu.
Các chương trình này có thể nâng cao kỹ năng cho các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy đổi mới Fintech ở Việt Nam.
Với trung tâm C4IR tại TP.HCM, tôi mong muốn xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho phép những người đến từ các lĩnh vực khác nhau và các doanh nghiệp trong ngành đến làm việc, cho phép các công ty khởi nghiệp Fintech trong nước và toàn cầu kết nối các doanh nhân với nhà đầu tư, vườn ươm và học viện, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác.
Chúng tôi đã thấy hệ sinh thái Fintech ở Anh, châu Á và ngày nay là khu vực Trung Đông - Bắc Phi, cho phép các bên liên quan thúc đẩy đổi mới, đối thoại và nghiên cứu, có thể giúp thông tin cho việc ra quyết định chiến lược, xác định các lĩnh vực cơ hội mới và hỗ trợ phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là điều mà tôi rất muốn hỗ trợ và làm những điều tuyệt vời cho đất nước Việt Nam của tôi.
Nguyễn Trâm Anh (Top 10 Nhà công nghệ châu Á tiên phong trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Anh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận