08/12/2015 09:39 GMT+7

​Trung Quốc: ý định nhân bản vô tính bị phản ứng

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Tập đoàn chuyên nghiên cứu về tế bào gốc và y khoa tái tạo gen Boyalife ở TP Vô Tích (Trung Quốc) tuyên bố sẽ lập trung tâm nhân bản vô tính tại TP Thiên Tân.

Các nhà khoa học Trung Quốc ôm ba chú heo được nhân bản vô tính năm 2006 ở Cáp Nhĩ Tân - Ảnh: scmp

Trung tâm này sẽ do Sinica (chi nhánh của Boyalife), Viện y khoa phân tử của Đại học Bắc Kinh, Viện hàn lâm Y sinh học quốc tế Thiên Tân cùng Quỹ nghiên cứu kỹ thuật sinh học Sooam của Hàn Quốc phối hợp xây dựng.

Hãng tin Tân Hoa xã cho biết nhà máy này sẽ tạo ra các loài chó kiểng và chó nghiệp vụ, bò, ngựa đua và các loài linh trưởng vì mục tiêu thương mại và cải thiện “nòi giống”.

Nhà máy với chi phí xây dựng 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD), tọa lạc trong Khu phát triển kinh tế kỹ thuật Thiên Tân - một công viên phát triển doanh nghiệp do Chính phủ Trung Quốc đỡ đầu. Các phần chính của khu nhà máy này đã được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6-2016.

Chủ tịch Boyalife Từ Hiểu Xuân cho biết nhà máy này có thể sản xuất khoảng 100.000 phôi động vật mỗi năm trước khi tăng sản lượng lên 1 triệu con.

Tuy nhiên, đã xuất hiện ý kiến không đồng tình trong cộng đồng dân cư Trung Quốc và Hong Kong.

“Tôi không tưởng tượng được vì sao châu Âu đã cấm nhân bản vô tính động vật vì những loài này thường mắc bệnh, nhưng chính phủ lại duyệt cho những dự án này thành lập” - kỹ sư Chung Thanh Hồng ở Bắc Kinh lên tiếng. 

Từ năm 2000, giới khoa học Trung Quốc đã nhân bản vô tính cừu, gia súc và heo. Nhà máy nhân bản vô tính phục vụ mục đích thương mại đầu tiên của nước này cũng được xây dựng ở tỉnh Sơn Đông hồi tháng 9-2014, cũng là liên doanh giữa Boyalife và Sooam.

Báo South China Morning Post cho biết Sinica đã nhân bản hơn 550 chó nghiệp vụ làm việc ở sân bay, hải quan và cảnh sát Trung Quốc từ năm 2005. 

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên