Học sinh trong giờ học tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/9. Ảnh: english.news.cn
Thông báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc trên đài truyền hình CCTV hôm 12/9 là biện pháp mới nhất của chính quyền nhằm cải cách ngành giáo dục, giúp giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đang nỗ lực trấn áp ngành dạy thêm và thúc đẩy môi trường học tập hiệu quả. Năm 2021, Trung Quốc đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt để kiểm soát ngành dạy thêm tư nhân đang bùng nổ, có giá trị tới 120 tỷ USD. Động thái này vừa nhằm mục đích giảm bớt áp lực cho trẻ, vừa thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước thông qua việc giảm chi phí chi tiêu trong gia đình.
Tuy nhiên, Bộ trên cho biết các vấn đề như dạy thêm sau giờ học chính không có giấy phép vẫn tiếp diễn ở các mức độ khác nhau và vấn nạn các cơ sở dạy thêm tư nhân thu tiền rồi bỏ trốn vẫn xảy ra.
"Cải thiện hệ thống pháp lý cho hoạt động dạy thêm là nhu cầu cấp thiết", Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố.
Cuối năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn mới, tăng cường giám sát hơn nữa các chương trình dạy thêm ngoài khuôn viên trường học cho học sinh cấp tiểu học và trung học. Tài liệu nêu rõ các điều khoản như chương trình dạy thêm không được bao gồm nội dung liên quan đến nhà trường, thời gian học không được trùng với thời gian học trên trường. Hoạt động đào tạo trực tiếp không được kết thúc sau 8 giờ 30 phút tối và các khóa học trực tuyến không được kéo dài quá 9 giờ tối.
Cũng theo tài liệu, các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm không được phép tính phí trong khoảng thời gian dài hơn 3 tháng, hoặc 60 giờ học. Họ cũng không được thu phí hơn 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16,5 triệu đồng) cho các khóa học thông qua thanh toán một lần, hoặc thông qua các hình thức trá hình như nạp thẻ trả trước.
Tình trạng kinh tế hiện nay của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến kế hoạch kết hôn và sinh con của nhiều cặp vợ chồng trẻ, làm tăng thêm những vấn nạn nhức nhối về nhân khẩu học ở một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong đó, chi phí giáo dục cao bị coi là nguyên nhân chính khiến giới trẻ Trung Quốc không muốn sinh con./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận