Hình ảnh sân vận động mới của Guangzhou Evergrande sau khi được xây xong - Ảnh: China Daily
Dù chưa được đặt tên nhưng ban lãnh đạo đội bóng cho biết sức chứa của sân lên đến 100.000 chỗ ngồi, tổng kinh phí 12 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỉ USD) và sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Chỉ riêng những con số đã đủ để nói lên tầm cỡ của sân bóng này.
Sân bóng đá đắt giá nhất thế giới
Sân mới của CLB Guangzhou Evergrande không đứng đầu thế giới về độ lớn cũng như sức chứa. Đứng đầu bảng xếp hạng hiện nay là sân vận động 1 tháng 5 Rungrado của Triều Tiên với sức chứa 150.000 chỗ ngồi (đánh giá của thế giới vào khoảng 114.000 chỗ).
Sau khi được hoàn thành, sân của CLB Guangzhou sẽ sánh ngang với sân Melbourne Cricket - xếp thứ 2 trong số những sân vận động lớn nhất thế giới - và vượt qua cả Nou Camp huyền thoại của Barca (99.354 chỗ ngồi).
Xét về kinh phí, Guangzhou cũng đứng hàng thứ 3 trong số những sân vận động đắt đỏ nhất thế giới, sau hai sân bóng bầu dục của Mỹ là SoFi (4,9 tỉ USD) và Allegiant (1,9 tỉ USD). Nhưng đó sẽ là sân bóng đá đắt giá nhất thế giới, vượt qua Wembley của Anh và Mercedez-Benz của Mỹ (cùng 1,5 tỉ USD).
Nước cờ quan trọng trong cuộc đua đăng cai World Cup
"Đây sẽ là một công trình mang đẳng cấp thế giới, sánh ngang với nhà hát opera Sydney và tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai, nó sẽ trở thành biểu tượng quan trọng đánh dấu việc bóng đá Trung Quốc hướng đến tầm cỡ quốc tế" - chủ tịch Tập đoàn Evergrande Xia Haijun nói.
Sân này được thiết kế theo hình bông sen, kỳ vọng sẽ lộng lẫy, hoành tráng hơn cả sân Tổ chim mà người Trung Quốc từng giới thiệu ở Olympic Bắc Kinh 2008.
Sân vận động này cũng sẽ là nước cờ quan trọng trong việc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2034 của Trung Quốc.
Tuy FIFA chưa tiến hành cuộc đua này nhưng hiện tại đã có bốn bên thể hiện ý muốn đăng cai, bao gồm Trung Quốc, nhóm 5 quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia), Úc - New Zealand và nhóm 3 quốc gia châu Phi (Nigeria, Ai Cập và Zimbabwe). Trong số này, truyền thông quốc tế tin rằng FIFA đang nghiêng về phương án chọn châu Á.
Như vậy, đối thủ lớn của nhóm 5 quốc gia Đông Nam Á chính là Trung Quốc. Xây dựng các sân vận động quy mô luôn là nước đi quan trọng trong việc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup. Chẳng hạn ở World Cup 2018, có đến 9/12 sân đấu được chủ nhà Nga xây mới hoàn toàn với cả chục tỉ USD kinh phí.
Đi cùng với việc khởi công xây dựng sân vận động khổng lồ ở Guangzhou, Tập đoàn Evergrande cho biết sẽ xây thêm 3 hoặc 5 sân vận động nữa có sức chứa từ 80.000-100.000 chỗ ngồi và đây sẽ là sự chuẩn bị quy mô nhất trong lịch sử đăng cai World Cup. Về khoản này, các nước Đông Nam Á khó lòng đọ nổi với Trung Quốc.
Tài lực không phải tất cảDù vậy, tài lực không phải là tất cả. FIFA đã vướng vào bê bối nhận hối lộ để Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 lùm xùm suốt nhiều năm qua và thời gian tới sẽ là thời điểm để họ chứng tỏ sự công minh.
Mặt khác, Qatar - quốc gia lắm tiền nhiều bạc cũng bị lên án trong việc xây dựng hàng loạt sân bóng khổng lồ để rồi sau đó có thể bị lãng phí.Bóng đá Trung Quốc nhiều năm qua cũng nhiều lần bị mỉa mai vì lãng phí tiền bạc, với việc các CLB mua về hàng loạt ngôi sao từ châu Âu, còn LĐBĐ quốc gia chi hàng chục triệu USD mỗi năm mời các HLV tên tuổi.
Cả hai đều không thực sự hiệu quả. Trong khi thành tích của đội tuyển Trung Quốc rơi xuống hố sâu của thất vọng thì ở AFC Champions League, đã 4 năm liền không có đại diện nào của Trung Quốc lọt vào trận chung kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận