Theo Hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 11 lò phản ứng hạt nhân ở năm địa điểm khác nhau vào ngày 19-8.
Số lượng giấy phép kỷ lục này cho thấy nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc cắt giảm khí thải bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân.
11 lò phản ứng hạt nhân sẽ được phân bố ở các tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông, Chiết Giang và Quảng Tây. Việc xây dựng dự kiến kéo dài trong 5 năm và tiêu tốn ít nhất 220 tỉ nhân dân tệ (tương đương 31 tỉ USD).
Trong đó sáu lò phản ứng hạt nhân sẽ được xây dựng bởi CGN Power Co., đơn vị niêm yết thuộc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN).
Tập đoàn Công nghệ năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CNNC) cho biết trên WeChat rằng họ đã được phê duyệt kế hoạch lắp đặt ba lò phản ứng. Hai lò phản ứng còn lại sẽ được Tập đoàn Đầu tư năng lượng quốc gia xây dựng.
Trung Quốc hiện có số lượng lò phản ứng hạt nhân được xây dựng nhiều nhất trên thế giới. Trong hai năm qua, mỗi năm Trung Quốc lại phê duyệt thêm 10 dự án lắp đặt lò phản ứng hạt nhân mới.
Dự đoán đến năm 2030, đất nước tỉ dân này sẽ vượt qua Pháp và Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu toàn cầu.
Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc, quốc gia này hiện có 56 lò phản ứng đang hoạt động với tổng công suất chiếm khoảng 5% nhu cầu sử dụng điện toàn quốc.
Công bố từ Investopedia cho biết Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, với 11.397 triệu tấn carbon phát thải trong năm 2022.
Nguồn phát thải carbon dioxide chính ở Trung Quốc là nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Việc đốt than tại các nhà máy điện và công nghiệp của Trung Quốc đã thải ra một lượng lớn carbon dioxide vào khí quyển.
Hiện quốc gia tỉ dân đang có kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào than đá và giảm ô nhiễm tổng thể ở các thành phố lớn trong tương lai bằng cách tạo ra nhiều điện hơn từ các nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và khí tự nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận