Bộ điều khiển nhiệt độ và độ ẩm tự động tại một "khách sạn" cho heo ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: GETTY IMAGES
Hôm 1-8, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết Trung Quốc đang tập trung vào vấn đề đảm bảo an toàn sinh học cho heo - nguồn cung cấp thịt chủ yếu ở quốc gia này.
Được xây dựng ở miền nam Trung Quốc, tòa nhà 13 tầng với không gian đủ chỗ chứa hơn 10.000 con heo có lối ra vào được kiểm soát chặt chẽ.
Hệ thống camera giám sát nghiêm ngặt cùng dịch vụ thú y nội bộ chất lượng cao cũng được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại.
Công ty Muyuan Foods cùng Tập đoàn New Hope Group (Trung Quốc) đã khẩn trương xây dựng những trang trại thẳng đứng khổng lồ được tích hợp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với nỗ lực đảm bảo duy trì nguồn cung cấp thịt heo trong bối cảnh đại dịch.
Hiện Tập đoàn New Hope Group đã hoàn thành dự án 3 tòa nhà 5 tầng với diện tích khoảng 140.000 mét vuông ở quận Bình Quan, Bắc Kinh. Dự kiến cơ sở này sẽ cung cấp 120.000 con heo hằng năm, trở thành nguồn cung thịt lớn nhất cho Bắc Kinh.
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã nhanh chóng thu hẹp diện tích đất nông nghiệp ở Trung Quốc. Do đó, xây dựng theo hướng vươn cao luôn là lựa chọn hàng đầu ở quốc gia này.
Ông Gong Jingli, người giám sát dự án của Tập đoàn New Hope Group, cho biết cả 3 tòa nhà đều được trang bị robot có khả năng phát hiện heo bị sốt, máy lọc không khí, hệ thống cho ăn và khử trùng tự động.
Theo ông Jingli, những trang trại thẳng đứng này giúp tiết kiệm 1/3 diện tích sử dụng đất nông nghiệp so với trang trại truyền thống có cùng số lượng heo.
Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi này còn có thể linh hoạt về vị trí. Vì không chỉ ở đồng bằng, "khách sạn heo" cũng có thể xây dựng trên núi.
Trong khi chất thải rắn được dùng làm phân bón, nước thải từ cơ sở chăn nuôi này sẽ được dùng tưới tiêu cho các vườn cây ăn quả lân cận.
Song mô hình này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi mối đe dọa từ virus gây bệnh. Tháng 7-2021, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết các báo cáo từ đầu năm nay ghi nhận 11 sự cố khiến quốc gia này phải tiêu hủy hơn 2.000 con heo.
Theo đó, sự xuất hiện của các biến thể virus mới với thời gian ủ bệnh lâu hơn khiến các đợt bùng phát ngày một phức tạp, gây nhiều trở ngại cho công tác dập dịch.
Ông David Ortega, phó giáo sư kinh tế nông nghiệp và thực phẩm tại Đại học Michigan (Mỹ), nhận định: "Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho các nguồn cung thịt heo luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận