Ngày 21-2, Sở Thương mại tỉnh Hải Nam và Cục Phát triển kinh tế quốc tế tỉnh Hải Nam (Hainan IEDB) của Trung Quốc tổ chức "Hội nghị giới thiệu cảng thương mại tự do Hải Nam và giao lưu thương mại Việt Nam - Trung Quốc" tại TP.HCM.
Hội nghị được tổ chức nhằm thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp và hiệp hội Việt Nam, thúc đẩy giao lưu và hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và cảng thương mại tự do Hải Nam (FTP), tiến hành các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại song phương.
Tham dự hội nghị có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) Thẩm Hiểu Minh, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường.
Các tập đoàn cung ứng và tiêu thụ tại Hải Nam cũng kết nối và đàm phán tại chỗ với các doanh nghiệp Việt Nam, triển khai hợp tác thu mua các sản phẩm cà phê, dừa, cao su, sắt thép, kim loại màu, trái cây nhiệt đới, thủy sản, rượu vang đỏ, trang sức, phụ tùng ô tô cũng như các lĩnh vực khác.
Kết thúc hội nghị, bà Hoàng Thôi (Huang Cui), phó cục trưởng Cục Phát triển kinh tế quốc tế Hải Nam, đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Tuổi Trẻ Online.
Phóng viên: Đâu là những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ có thể hưởng lợi khi Trung Quốc xây cảng thương mại tự do Hải Nam?
Bà Hoàng Thôi: Có bốn ngành trụ cột tại cảng thương mại tự do Hải Nam mà chúng tôi đang thúc đẩy, gồm: du lịch, dịch vụ hiện đại, công nghệ mới và cao, nông nghiệp nhiệt đới. Tôi cho rằng hai bên có thể hợp tác sâu rộng về du lịch trong bối cảnh chúng tôi đang xây dựng Hải Nam thành điểm đến du lịch và tiêu dùng quốc tế.
Trong quá trình này, sẽ có nhiều dự án được thực hiện và chúng tôi đang xây dựng nhiều công trình du lịch. Chúng tôi sẽ cần thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ từ nước ngoài. Và nhiều công ty sẽ có thể tham gia vào trung tâm phát triển, du lịch và tiêu dùng. Chúng tôi cũng có chính sách miễn thuế rất đặc biệt cho phép mỗi hành khách rời đảo Hải Nam mua số hàng miễn thuế tới 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD).
Tôi cho rằng nếu nhiều công ty Việt Nam tham gia và các sản phẩm Việt Nam có thể bước vào các cửa hàng miễn thuế tại đây, họ có thể bán được nhiều hàng hơn cho khách hàng Trung Quốc và nước khác.
Và một lĩnh vực khác mà hai bên có thể hợp tác sâu rộng là nông nghiệp nhiệt đới, vì chúng tôi nhập khẩu rất nhiều nông sản từ Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đang xây dựng cảng thương mại tự do Hải Nam thành thị trường chuyên nghiệp quốc tế dành cho ngành cà phê. Hiện tại, chúng tôi đang thu hút những công ty hàng đầu thế giới muốn mở cửa hàng cà phê hoặc thành lập nhà máy của riêng họ tại đây. Họ cần nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam vì Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil).
Ngoài ra, chúng tôi đang cố gắng cung cấp các chính sách tạo sự thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp ở những khu vực khác nhau. Ví dụ chúng tôi cho phép người dân từ 59 quốc gia nhập cảnh mà không cần thị thực, và trong tương lai chúng tôi sẽ mở rộng danh sách này. Tôi nghĩ nếu Việt Nam có tên trong danh sách, chúng tôi sẽ có thể chào đón thêm nhiều người Việt Nam đến tìm kiếm việc làm ở cảng thương mại tự do Hải Nam.
Phóng viên: Đối với việc tận dụng các cơ hội mà cảng thương mại tự do Hải Nam mang lại, đâu là lợi thế và thách thức của Việt Nam so với các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á?
Bà Hoàng Thôi: Về mặt địa lý, Việt Nam và Trung Quốc nằm gần nhau. Chúng ta cũng có nền tảng rất tốt về hợp tác song phương.
Tuy nhiên, thách thức hiện tại là không có chuyến bay trực tiếp giữa Việt Nam và Hải Nam. Trong những tháng tới, tôi nghĩ sẽ cần mở lại nhiều chuyến bay và tuyến đường để đưa thêm nhiều người và hàng hóa từ Việt Nam sang cảng thương mại tự do Hải Nam.
Phóng viên: Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp tham gia tại cảng thương mại Hải Nam tới ký kết các hợp đồng mua hàng với doanh nghiệp Việt Nam?
Bà Hoàng Thôi: Sau COVID-19, chúng tôi đã tổ chức đưa đoàn Hải Nam tới Việt Nam, và đây cũng là lần đầu tiên một đoàn chính thức của Hải Nam đến Việt Nam sau ba năm. Chúng tôi đưa nhiều doanh nghiệp từ Hải Nam và thậm chí từ các khu vực khác của Trung Quốc đến để mua hàng. Họ đã ký các hợp đồng để mua nhiều hàng hơn từ Việt Nam. Và đây là một khởi đầu tốt đẹp.
Và tôi nghĩ trong những tháng tới sẽ có thêm nhiều đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam để xây dựng quan hệ hợp tác thân thiết hơn với phía Việt Nam.
Phóng viên: Cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Trung Quốc xây cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới
Trung Quốc tuyên bố sẽ xây dựng tỉnh đảo Hải Nam thành cảng thương mại tự do mang tầm ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời là minh chứng điển hình cho hoạt động cải cách và mở cửa của nước này trong kỷ nguyên mới.
Tháng 6-2020, Trung Quốc công bố "Phương án tổng thể xây dựng cảng thương mại tự do Hải Nam", đánh dấu việc xây dựng cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới chính thức bắt đầu. Kể từ đó, nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ quá trình phát triển cảng thương mại tự do Hải Nam, trong đó có miễn thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.
Hải Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động hải quan độc lập vào năm 2023 và sẽ thực hiện các hoạt động hải quan độc lập trên toàn đảo vào cuối năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận