Trung Quốc: Vì sao các ngân hàng đồng loạt "biến mất"?

NGUYỄN THÀNH TRUNG 28/07/2024 12:01 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đang tiến hành cuộc cải tổ lớn với lĩnh vực tài chính - ngân hàng giữa nhiều bất trắc của nền kinh tế.

Trung Quốc: Vì sao các ngân hàng đồng loạt "biến mất"?- Ảnh 1.

Ảnh: scmp.com

Trong ngôn ngữ chính trị Trung Quốc, từ "ổn định" hết sức quan trọng. Bất cứ điều gì đe dọa sự "ổn định xã hội" đều cần phải được ưu tiên giải quyết, bởi "ổn định" được coi là tiền đề cho phát triển. Cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng đang diễn ra quyết liệt ở nước này cần được nhìn nhận từ tiền đề đó.

Một trong những mối bận tâm chính của chính quyền nước này, và Chủ tịch Tập Cận Bình thời gian qua là sự ổn định của ngành tài chính ngân hàng, vốn đang gặp nhiều bất trắc nguy hiểm bắt nguồn từ nợ xấu do suy thoái thị trường bất động sản và nợ công địa phương âm ỉ mấy năm trước.

Chỉ trong một tuần tháng 6, 40 ngân hàng ở Trung Quốc "biến mất", tiếp sau đó là Ngân hàng Giang Tây phá sản vào đầu tháng 7. 

Đây là những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng Trung Quốc, và do đó là mối đe dọa với nền tài chính quốc gia, đã nghiêm trọng đến mức nào. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tình hình này còn có thể gây ra hiệu ứng sóng lan, với những hệ quả tai hại không chỉ cho Trung Quốc, mà cả nền kinh tế toàn cầu.

Tác động về mặt xã hội là khủng hoảng ngân hàng làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các tổ chức tài chính, và nhất là vào năng lực quản lý kinh tế của chính phủ.

3.800 tổ chức cho vay, 7.500 tỉ USD

Giữa năm 2022, bất chấp dịch COVID-19, hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập trước chi nhánh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, để đòi rút các khoản tiết kiệm bị đóng băng. 

Người biểu tình tin rằng tài sản của họ gửi ở ngân hàng đã bị chiếm dụng. Do các hoạt động gian lận, nợ xấu và đầu tư rủi ro, một số ngân hàng khu vực ở Hà Nam đã cạn tiền và ngừng cho phép khách hàng rút tiền với lý do nâng cấp hệ thống, dẫn đến cuộc biểu tình nói trên.

Việc 40 ngân hàng Trung Quốc được sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn chỉ trong vòng một tuần vào cuối tháng 6-2024 chính là hệ quả của các vụ việc như ở Hà Nam hai năm trước.

Vụ việc cũng gợi lại tới cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở Mỹ hồi những năm 1980 và 1990, vốn được coi là một trong những thảm họa tài chính tồi tệ nhất thế kỷ 20. 

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là tăng trưởng tín dụng cho vay quá nhanh, kiểm soát rủi ro kém và tài sản thế chấp mất giá. 

Hơn 1.000 tổ chức cho vay nhỏ ở Mỹ đã sụp đổ hoặc phải sáp nhập, khiến thị trường tài chính lao đao suốt nhiều năm. Các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc hiện có thể đang trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tương tự.

Theo một ước tính, hiện có khoảng 3.800 tổ chức cho vay gặp khó khăn như vậy ở Trung Quốc. Họ có tổng tài sản trị giá 55.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7.500 tỉ USD), chiếm 13% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, và từ lâu đã bị quản lý yếu kém, tích lũy một lượng lớn nợ xấu, nợ khó đòi. 

Các ngân hàng này từng cho các hãng đầu tư bất động sản và chính quyền địa phương vay tiền và đang phải vật lộn với các nợ xấu khi bất động sản đóng băng và nợ của nhiều chính quyền địa phương đã ở ngưỡng nguy hiểm.

Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng giải quyết vấn đề của các ngân hàng nhỏ này. Sau khi sáp nhập nhiều ngân hàng thương mại nông thôn ở ít nhất bảy tỉnh kể từ năm 2022, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã xác định việc giải quyết rủi ro ngành ngân hàng là ưu tiên hàng đầu trong năm nay. 

Điều đó có nghĩa làn sóng tái cấu trúc ngành ngân hàng sẽ được mở rộng ra toàn Trung Quốc.

Trung Quốc: Vì sao các ngân hàng đồng loạt "biến mất"?- Ảnh 2.

Người biểu tình tập hợp trong vụ việc ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: New York Times

Những vấn đề gốc rễ

Năm 2022, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng nhỏ cao gấp đôi toàn ngành ngân hàng ở Trung Quốc. Vấn đề là những vụ sáp nhập không nhất thiết cải thiện được tình hình. 

Khi các ngân hàng nhỏ sụp đổ hoặc bị sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn, nguy cơ có thể được hóa giải, nhưng đồng thời cũng có rủi ro vấn đề lan rộng hơn và khả năng đổ vỡ hệ thống tăng lên.

Ngoài ra, một vấn đề khác là các ngân hàng nhỏ đa số nằm ở khu vực nông thôn, nơi chịu tác động nhiều nhất của suy thoái kinh tế. Các ngân hàng vừa và nhỏ từ lâu đã là một phần không thể thiếu ở các thị trấn và làng mạc nghèo của Trung Quốc. 

Các tổ chức tín dụng quy mô địa phương này cũng là những tổ chức tài chính bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi tăng trưởng kinh tế suy giảm. 

Theo hãng thông tấn tài chính Yicai Global của Nhà nước Trung Quốc, số ngân hàng nhỏ gặp khó khăn tính đến ngày 24-6 gấp bốn lần số ngân hàng đóng cửa trong cả năm 2023. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tăng tốc khi tốc độ tái cơ cấu tăng lên.

Cuộc khủng hoảng nợ xấu đang làm rung chuyển thị trường bất động sản và các ngân hàng nhỏ cũng bị kéo vào vòng xoáy đó. Vài thập kỷ qua, nhiều dự án xây dựng đã được tài trợ bằng nợ vay. 

Phát triển cơ sở hạ tầng được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng địa phương, nhưng sau cuộc khủng hoảng COVID-19, chính quyền địa phương mất khả năng tiếp tục đầu tư và tạo ra tăng trưởng, trong khi vẫn phải trả nợ cũ. Tình hình cũng tương tự với các công ty địa ốc.

Đầu tư bất động sản giảm gần 10% trong những tháng đầu năm 2024. Sự suy giảm niềm tin của người mua vào thị trường khiến tình trạng dư thừa nhà chưa bán được ngày càng trầm trọng, trong khi lĩnh vực bất động sản từng đóng góp 30% vào GDP quốc gia. 

Để so sánh, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc như vậy có quy mô lớn gần gấp 3 lần của Mỹ so tương ứng với nền kinh tế, trong khi không được kiểm soát tài chính chặt chẽ như ở Mỹ. 

Nợ xấu của các công ty địa ốc khiến các ngân hàng nhỏ như ngồi trên đống lửa. Khi giá nhà lao dốc, dễ hiểu là tình trạng vỡ nợ gia tăng, đặc biệt là ở các ngân hàng nông thôn có tham gia đáng kể vào lĩnh vực này.

Tai ương các ngân hàng này gây ra cho nền kinh tế còn do hoạt động quản lý tài chính đã bị buông lỏng một thời gian dài. 

Do mục đích hoạt động, các ngân hàng nông thôn thường có ít vốn thành lập ban đầu hơn và ít cổ đông lớn hơn mức quy định. Đó là một vòng lặp tai ác: thiếu tiền, các ngân hàng nhỏ không có được nguồn lực và chuyên môn quản lý rủi ro cần thiết. 

Tiêu chuẩn tuyển dụng người lãnh đạo của họ cũng lỏng lẻo hơn, làm tăng nguy cơ làm bậy. Tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng nông thôn ước tính là 3,48% vào cuối năm 2022, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước.

Ảnh: Mint

Ảnh: Mint

Hợp nhất chỉ là giải pháp tình thế

Hiện giải pháp chính của chính quyền Trung Quốc là buộc hợp nhất các ngân hàng này, như đã thấy ở trên. Trong số 40 tổ chức bị sáp nhập gần đây, 36 ngân hàng nằm ở tỉnh đông bắc Liêu Ninh - thủ phủ công nghiệp nặng của Trung Quốc. 

Một ngân hàng hoàn toàn mới, Ngân hàng thương mại Nông thôn Liêu Ninh, đã được thành lập làm nơi tiếp nhận các ngân hàng xấu, một thủ thuật để "khoanh vùng" nợ xấu.

Tuy nhiên, việc sáp nhập các ngân hàng có thể không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ dẫn tới khủng hoảng, chẳng hạn như quản trị doanh nghiệp yếu kém và phụ thuộc quá nhiều vào cho vay bất động sản. 

Cũng không thể loại trừ nguy cơ sáp nhập dẫn đến chuyển rủi ro đi xa hơn. Ngoài ra, các cuộc sáp nhập cũng sẽ dẫn đến người lao động mất việc, ảnh hưởng lên các cộng đồng nông thôn vốn đang gặp khó khăn về kinh tế.

Nguyên nhân chính khiến Trung Quốc dựa chủ yếu vào phương pháp sáp nhập này là do thiếu các lựa chọn khác. 

Không giống đạo luật cải cách, phục hồi và thực thi các tổ chức tài chính được thông qua ở Mỹ sau cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay vào cuối những năm 1980, Trung Quốc hiện không có khuôn khổ hợp lý để giải quyết vấn đề bằng cách thanh lý tài sản của các ngân hàng địa phương.

Dù gì thì hệ quả cho nền kinh tế Trung Quốc là nhiều năm tăng trưởng nhờ bơm tín dụng vào thị trường cuối cùng đã kết thúc. Chính phủ hiện phải cẩn thận hơn trong việc cho vay để tránh nợ xấu. 

Kết quả là Trung Quốc sẽ phải tăng trưởng thấp hơn và tác động tiêu cực lan đến nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng chậm hơn của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề ngân hàng của họ.■

Tờ The Economist tỏ ra khá bi quan khi cho rằng việc sửa chữa hệ thống ngân hàng Trung Quốc ước tính có thể mất tới một thập kỷ. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc lạc quan hơn.

Số liệu chính thức theo một báo cáo năm 2023 của PBOC cho thấy 3.655 ngân hàng, có tài sản chiếm 98,28% tổng tài sản gửi tại ngân hàng Trung Quốc, đều an toàn.

PBOC cũng khẳng định rủi ro chỉ liên quan đến một bộ phận các tổ chức tài chính vừa và nhỏ hoạt động ở khu vực nông thôn, còn các ngân hàng lớn vẫn được xếp hạng tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận