TTCT - Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát biên giới với các nước láng giềng Đông Nam Á bằng một hàng rào dựng lên nhanh chóng, với mục đích rõ ràng. Ở thành phố vùng biên Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam), ngay cực nam biên giới Trung Quốc - Myanmar, có một ngôi làng nhỏ vẫn được gọi là "một làng hai nước". Đường biên giới thiết lập chính thức năm 1961 cắt ngang làng thành hai nửa: phía bắc thuộc Trung Quốc, phần còn lại thuộc Myanmar. Tuy nhiên, cư dân hai bên vẫn qua lại buôn bán thường xuyên, như không hề có ranh giới nào, cho tới rất gần đây. Gần ba năm qua, một dự án xây dựng lớn đã được tiến hành, chia cắt hoàn toàn Thụy Lệ. Hàng rào biên giới được trang bị dây thép gai, camera giám sát và cảm biến mọc lên. Đường biên giới cứng đó thuộc về dự án có tính hệ thống của chính quyền Trung Quốc nhằm kiểm soát chặt hơn biên giới phương nam, ngăn chặn buôn lậu, vượt biên trái phép và giảm nguy cơ COVID-19.Một đoạn hàng rào biên giới Trung Quốc - Myanmar. Ảnh: NewsweekTừ giặc Hung Nô tới giặc CovidThụy Lệ chỉ là một địa phương nhỏ nằm trên tuyến biên giới Myanmar - Trung Quốc dài 2.227km mà người lao động và di cư, thương nhân hai bên vẫn qua lại hằng ngày. Tổng cộng biên giới của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trải dài từ Myanmar, Lào tới Việt Nam dài khoảng 5.000km. Đây cũng là chiều dài bức tường phía nam mà Chính phủ Trung Quốc bắt đầu xây dựng từ năm 2020, khi đại dịch bùng phát.Tư duy ngăn chặn nguy cơ từ xa bằng một bức tường vật lý tất nhiên không có gì mới ở Trung Quốc. Các vương triều trong lịch sử nước này đã tốn nhiều công sức và thời gian suốt nhiều thế kỷ để xây dựng Vạn Lý Trường Thành bằng đá ở phía bắc, với mục đích bảo vệ lãnh thổ chống các bộ lạc du mục hung hãn. Ngày nay, trong khi Vạn Lý Trường Thành đã nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, thì ở phương nam nước này, một bức tường mới đang mọc lên.Dân Trung Quốc gọi bức tường cao khoảng 3m, bên trên có cuộn dây thép gai đó là Vạn Lý Trường Thành phương nam, còn truyền thông nhà nước gọi là Vạn Lý Trường Thành chống COVID. Trên mạng, nhiều người Trung Quốc tán dương tốc độ xây dựng thần tốc của bức tường, nhất là khi so với nỗ lực thất bại và đầy tranh cãi của Mỹ khi xây bức tường phía nam với Mexico để ngăn chặn người nhập cư.Trong phỏng vấn với Hãng tin Reuters đầu tháng 4-2020, vài tháng sau dịch COVID-19 bùng phát, ông Trương Minh Lượng, giáo sư Đông Nam Á học tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), cho biết: "Biên giới đất liền phía tây nam của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á quá dài, nhiều chỗ qua lại, khó kiểm soát. Tuyến biên giới này thường nhức nhối nạn buôn lậu ma túy và buôn người, và hiện chính quyền địa phương phải đối mặt thêm thách thức virus corona".Chính sách đề phòng COVID-19 lây lan qua biên giới của Trung Quốc này được quán triệt từ cấp lãnh đạo cao nhất. Trong thư đề tháng 8-2021 gửi đảng viên lão thành ở chín làng biên giới của tỉnh Vân Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân địa phương "xây dựng quê hương giàu đẹp, giữ vững đoàn kết dân tộc và bảo vệ lãnh thổ".Các động thái đấy cũng bị nhìn nhận là có phần thái quá, nhưng đại dịch COVID-19 đã mang tới cho Trung Quốc cái cớ rất hợp lý để giải quyết những vấn đề biên giới đã tồn tại từ lâu trong mắt chính quyền, bằng cách xây lên bức tường. Với sức mạnh và công nghệ xây dựng của Trung Quốc ngày nay, chính quyền có thể dễ dàng kiểm soát mọi thứ bao gồm hoạt động xuyên biên giới phía nam.Có quá mức cần thiết?Theo báo Mỹ Wall Street Journal tháng 2-2022, tỉnh Vân Nam - giáp với Myanmar, Việt Nam và Lào - đã dành ngân sách tương đương nửa tỉ USD vào năm 2021 để củng cố hàng rào biên giới. Người đứng đầu tỉnh này cho biết vào tháng 1-2022, khoảng 100.000 người -gồm cả cảnh sát, binh lính và dân quân - đã được huy động để tuần tra vùng biên giới có địa hình và an ninh phức tạp, thậm chí có cả kịch bản ngăn chặn người đào hầm vượt biên bất hợp pháp.Một số chuyên gia cũng dự báo bức tường mới có thể tác động tiêu cực lên thương mại và du lịch, đặc biệt với người dân vùng biên. David Brenner của Đại học Sussex (Anh), một chuyên gia về Myanmar, nói với WSJ: "COVID-19 có thể là lời biện minh chính thức mà Trung Quốc đưa ra để xây dựng vùng đệm, nhưng ý định đó đã bắt đầu từ lâu, và sẽ chi phối mọi thứ rất lâu sau khi đại dịch kết thúc". Dọc theo tuyến biên giới dài này, cuộc sống đang thay đổi: hoạt động thương mại phức tạp hơn, việc kiểm soát đi lại được thắt chặt, buôn bán nông sản được nắn dòng phải đi qua các cửa khẩu chính thức…Những cản trở không chỉ là bức tường vật chất, mà còn là nhiều hàng rào quy định mới. Đầu tháng 1-2022, Bộ Công Thương Việt Nam từng gửi thư yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Tây thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm tắc nghẽn tại cửa khẩu sau khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên mậu trong chính sách zero Covid. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về những khúc mắc tương lai có thể xuất hiện giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phương nam.Nói riêng về thương mại hàng nông sản, kim ngạch giữa hai phía đã tăng trưởng vượt bậc kể từ Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN năm 2010 (cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng), khiến các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản ASEAN phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường tỉ dân. Sau zero Covid, Trung Quốc đã mở lại một số cửa khẩu phía nam vào cuối năm 2022, nhưng một loạt hạn chế mới, từ hạn ngạch nhập cảnh hằng ngày đến các trạm khử trùng, khiến việc vận chuyển hàng hóa vẫn còn khó khăn và tốn kém hơn trước kia.Cuộc sống vùng biên không còn như trướcTheo một điều tra dân số năm 2020, được trích trên tờ The Economist tháng 3-2023, có khoảng 8,8 triệu người ở các nước Đông Nam Á sống trong vùng giáp biên giới Trung Quốc. Khác hẳn nhân khẩu học ở hai bên bức tường biên giới Mỹ - Mexico, cư dân sống ở khu vực nam Trung Quốc - bắc Đông Nam Á gồm nhiều dân tộc thiểu số là người bản địa lâu đời như người H'Mông, Dao đỏ, Dao đen, Tày, Giáy, Mường, Thái và Xa Phó. Họ đã sinh sống ở vùng đó suốt nhiều thế kỷ trước khi trở thành công dân của các quốc gia - nhà nước hiện đại. Theo tập quán và truyền thống, họ sống lẫn ở cả hai bên biên giới, và nay cuộc sống đấy đang buộc phải thay đổi với bức tường dây thép gai vừa dựng lên.Trung Quốc có những mục tiêu rất rõ ràng mà nhiều khả năng họ sẽ đạt được với bức tường biên giới phía nam. Các nước láng giềng thì sẽ phải tìm cách thích nghi. Trong khi đó, cư dân vùng biên giờ phải thay đổi thói quen và lối sống đã hàng trăm năm của họ.■ Nghiên cứu của Karin Dean và các đồng nghiệp ở Đại học Tallinn (Estonia) về động lực biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar - xuất bản trên tạp chí Territory, Politics, Governance tháng 10-2022 - lập luận rằng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đồn điền và đặc khu kinh tế điều chỉnh các vùng biên giới đầy biến động hiệu quả hơn so với các ranh giới chính thức. "Những dự án cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia lớn, bằng cách kiểm soát, tạo điều kiện và nắn dòng di chuyển xuyên biên giới, đã trở thành công cụ quan trọng để định hình không gian các đường biên giới - điều đặc biệt đúng ở châu Á, nơi các dự án hạ tầng biên giới mọc lên ồ ạt những năm qua", nghiên cứu viết. Tags: Vạn lý trường thànhBiên giới Trung QuốcNgười lao độngNước Đông Nam ÁChính phủ Trung QuốcĐường biên giớiVượt biên trái phépDân Trung QuốcTrung Quốc Tập Cận BìnhNgười dân địa phươngTăng cường kiểm soátĐặc khu kinh tếThụy Lệ
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.