Trung Quốc và tham vọng xiển dương sức mạnh mềm :Vòi bạch tuộc trong giáo dục

CHÂU PHÚC 09/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) là một hiện tượng đập vào mắt giới nghiên cứu phương Tây mấy thập niên qua, và đã được nghiên cứu khá cặn kẽ về phương diện kinh tế, chính trị (đề án Vành đai - con đường), về văn hóa (Viện Khổng Tử và lĩnh vực điện ảnh, phát thanh, truyền hình), nhưng chưa có nhiều nghiên cứu đi sâu phân tích chiến lược sức mạnh mềm này trong lĩnh vực giáo dục, ngoại trừ vài công trình về những nỗ lực của TQ trong xếp hạng ĐH. Trong khi đó, mặt trận giáo dục ĐH đang là tâm điểm của chính sách xây dựng sức mạnh mềm một cách có kế hoạch, có hệ thống của TQ.

Ảnh: axios.com
Ảnh: axios.com

Nỗ lực đầu tư cho một số ĐH hàng đầu của TQ để những trường này có vị trí cao trên bảng xếp hạng ĐH thế giới thực ra chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ chiến lược xây dựng sức mạnh mềm thông qua giáo dục của TQ.

Thoạt đầu, nó giống như một anh nhà giàu sau khi rủng rỉnh thì muốn người ta công nhận mình là quý phái, trưởng giả. Sau này, nó trở thành một phần của chiến lược xây dựng quyền lực mềm nhằm hướng tới vị trí thống trị của TQ trên phạm vi toàn cầu. Nhưng nó chưa phải là tất cả bức tranh.

Sức mạnh mềm trong truyền thống TQ

Sức mạnh mềm là khái niệm được nhắc đến nhiều trong mấy thập niên qua. Người ta ghi nhận từ này được đề cập có hệ thống lần đầu trong cuốn sách xuất bản năm 1990 của Joseph Nye, giáo sư môn khoa học chính trị của ĐH Harvard. Ông định nghĩa sức mạnh mềm là khả năng làm thay đổi những hành động của người khác bằng sự lôi cuốn và liên minh, thay vì cưỡng bức bằng mệnh lệnh và vũ lực.

Nói cách khác, sức mạnh mềm là năng lực định hình lựa chọn của người khác qua sự hấp dẫn và những giá trị có tính thuyết phục của văn hóa, tư tưởng, các giá trị chính trị và chính sách đối ngoại, hay những ảnh hưởng kinh tế. Năm 2012, Nye mở rộng diễn giải của ông về sức mạnh mềm: “Chiến dịch tuyên truyền tốt nhất không phải là tuyên truyền”, và nhấn mạnh rằng “Uy tín là nguồn lực khan hiếm nhất”.

Diễn đạt một cách khác, sức mạnh mềm của một quốc gia được định nghĩa qua văn hóa, giáo dục, chính sách ngoại giao và năng lực thuyết phục những quốc gia khác cùng theo đuổi chung một mục đích. Cách tiếp cận này đã là nền tảng căn bản trong tư duy quân sự của TQ trong suốt hơn 2.000 năm qua.

Các thế hệ lãnh đạo của TQ đều ít nhiều dựa vào những chiến lược dài hạn nêu trong Binh pháp Tôn Tử, cuốn binh thư kinh điển về nghệ thuật chiến tranh đã có từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Một tư tưởng nổi bật trong Binh pháp Tôn Tử là quan điểm cho rằng một chiến lược thắng lợi trọn vẹn là không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch, nói cách khác là thận trọng và hạn chế đối với chiến tranh quân sự, đề cao chiến thuật đánh bằng thủ đoạn ngoại giao (phạt giao) và chú trọng liên minh chiến lược, chính là cái mà ngày nay chúng ta gọi là sức mạnh mềm.

Chiến lược sức mạnh mềm qua trao đổi giáo dục

Trao đổi giáo dục là một thành tố quan trọng thúc đẩy sức mạnh mềm, nhất là trong lĩnh vực giáo dục ĐH, bởi ở hầu hết các nước, các trường ĐH là những định chế quan trọng định hình tư tưởng và khuynh hướng của xã hội. TQ đã chủ động thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế một cách có ý thức, có chủ đích nhằm mở rộng ảnh hưởng của họ trên phạm vi toàn cầu.

Dễ thấy nhất là trường hợp châu Phi. TQ có cam kết đóng góp cho việc phát triển nguồn nhân lực ở đây. Mỗi năm TQ cấp hơn 1.500 học bổng cho sinh viên châu Phi, rất nhiều trường ĐH ở châu lục này có quan hệ đối tác với các trường ở đại lục, qua đó TQ gửi hàng ngàn chuyên gia sang tổ chức hội thảo, huấn luyện và trợ giúp kỹ thuật ở châu Phi trong mọi lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghệ, quản lý... Những hoạt động này cải thiện hình ảnh của TQ, tạo ra sự ủng hộ trong giới tinh hoa, từng bước xây dựng ảnh hưởng của TQ trong cộng đồng địa phương.

Chiến lược xây dựng sức mạnh mềm còn hướng tới giới bình dân đại chúng. Tuy nó có thể được thực hiện thông qua các cơ quan chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ, người ta thấy rõ những công cụ chính sách và chiến lược Bắc Kinh đã sử dụng một cách có chủ đích để tăng cường sức mạnh mềm, tìm kiếm sự khẳng định về tính chính danh của mình như một siêu cường đang trỗi dậy.

Năm 2017, Bộ Giáo dục TQ đã ban hành văn bản chính thức tuyên bố rằng mục đích của những sáng kiến cải cách giáo dục ở tầm quốc tế là tạo điều kiện cho sức mạnh mềm Trung Hoa phục vụ lợi ích của quốc gia.

Bắt đầu từ năm 2004, chiến lược chính của TQ là tiêu một núi tiền để thành lập các Viện Khổng Tử ở các trường ĐH khắp nơi trên thế giới, và tổ chức đào tạo sinh viên quốc tế từ nhiều nước tại TQ. Có báo cáo cho biết tính đến năm 2019, đã có 530 Viện Khổng Tử ở 120 quốc gia trên thế giới và sáng kiến này đã tiêu hết 10 tỉ USD hằng năm.

Chiến lược thứ nhất là các Viện Khổng Tử đã được đề cập nhiều, nhưng còn chiến lược thứ hai là nhắm vào đào tạo hoặc gây ảnh hưởng tới các thế hệ trí thức tinh hoa trong công nghệ và trong lĩnh vực chính trị của các nước thì còn ít được nghiên cứu kỹ, mặc dù nó là một hoạt động có tính hệ thống và đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược xây dựng sức mạnh mềm của TQ.

TQ đương nhiên không phải người đầu tiên thực hiện chiến lược đó. Vai trò này từng là của nước Anh từ thế kỷ 18, nổi bật ở Mỹ từ thập niên 1950, và nay TQ đang ngày càng tăng tốc để giành lấy vị trí hàng đầu. TQ đang tìm kiếm sinh viên giỏi ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Bắc Kinh đã chi 300 triệu USD hằng năm cho việc cấp học bổng này.

Theo một nghiên cứu của Wen Wen tại ĐH Thanh Hoa và Die Hu tại University of California (Mỹ), con số sinh viên quốc tế đến học tại TQ đã tăng gấp ba lần trong vòng một thập niên, từ 36.855 người năm 1997 đạt tới 110.800 người năm 2004 và con số này là 442.773 vào năm 2018. Hơn một nửa trong số đó (57,9%) là từ các quốc gia châu Á và hầu hết học trong ngành ngôn ngữ và văn hóa.

Các nhà lãnh đạo TQ nhắm tới mục tiêu biến tiếng Hoa thành một trong các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên phạm vi toàn cầu. Họ muốn số người nước ngoài học tiếng Hoa tăng gấp bốn lần, đạt tới 100 triệu người trước năm 2010. Tuy đó không phải là một mục tiêu dễ dàng (vì có khoảng 600.000 người nước ngoài sống ở TQ, chỉ từ 2-4% trong số đó là nói được tiếng Hoa lưu loát), nhưng số người học tiếng Hoa đang tăng trên thế giới. Ở Mỹ con số này tăng từ 20.000 lên gần nửa triệu người chỉ từ năm 1990 đến nay. Số sinh viên quốc tế này hầu hết là từ Hàn Quốc, Thái Lan, Pakistan, Hoa Kỳ, Nga và Nhật.

Thông qua học bổng Con đường tơ lụa, TQ cũng cấp 10.000 học bổng hằng năm, chiếm 65% tổng số học bổng cho sinh viên quốc tế. Phần lớn học bổng này cấp cho sinh viên ở những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của con đường tơ lụa mới. Giới lãnh đạo TQ tin rằng những sinh viên quốc tế được đào tạo tại TQ hoặc nói được tiếng Hoa sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những quan điểm và lợi ích của TQ thông qua kiến thức của họ về ngôn ngữ, xã hội, văn hóa và lịch sử của TQ. Điều này rất có cơ sở, bởi vì nói tiếng Hoa có nghĩa là bắt đầu suy nghĩ theo cách của người Hoa, hiểu cách mà họ sắp xếp từ ngữ và nhận thức về thế giới.

Thêm vào hai chiến lược chính trên đây là những nỗ lực đưa học giả và sinh viên TQ đi khắp các trường ĐH trên thế giới bằng nhiều con đường khác nhau, với một mục tiêu rất rõ là xây dựng ảnh hưởng của TQ. Chỉ trong năm 2017-2018, số sinh viên TQ học tại Mỹ đã tăng tới con số kỷ lục là 350.755 người (chưa kể 80.000 học sinh trung học), chiếm tới hơn 1/4 số sinh viên TQ học ở nước ngoài cùng năm.

Khác với trước đây, phần lớn số sinh viên này có thể trả học phí và tận hưởng những cơ hội tiếp cận không giới hạn các hoạt động học thuật tại Mỹ, bao gồm tự do nghiên cứu và bày tỏ quan điểm.

Ở chiều ngược lại, tuy một số trường ĐH TQ “mua” các học giả quốc tế đến làm việc tại TQ bằng cách trả lương rất cao, nhưng những nghiên cứu độc lập của học giả quốc tế tại TQ không phải là thứ được chào đón.

Báo cáo của Viện Hoover (ĐH Stanford) năm 2018 về ảnh hưởng của TQ cho biết, từ năm 2010, do chiến dịch “chống các lực lượng thù địch nước ngoài”, các học giả Mỹ muốn thực hiện nghiên cứu tại TQ phải đương đầu với những hạn chế ngặt nghèo, giới học thuật TQ rất hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp Mỹ, phỏng vấn các quan chức ngày càng khó khăn hơn, việc khảo sát ý kiến công chúng buộc phải được thực hiện thông qua các đối tác TQ. Những sinh hoạt học thuật như hội thảo hay những cuộc thảo luận công khai không bị kiểm duyệt hầu như là bất khả.

Điều đáng chú ý hơn nữa là tác động của những chiến lược sức mạnh mềm của TQ không chỉ dừng lại ở từng trường hay cá nhân người học, mà mở rộng ra cả các chính trị gia có ảnh hưởng. Năm 2013, sau chuyến viếng thăm TQ, cựu thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nước Anh cần phải nhìn xa hơn nguyên tắc truyền thống dạy tiếng Đức và tiếng Pháp như những ngoại ngữ chính, và nên tập trung vào học tiếng Hoa thì hơn. Vài năm sau, người ta thấy Cameron tham gia lãnh đạo một quỹ đầu tư ở Anh trị giá khoảng 1 tỉ USD nhằm mục tiêu hỗ trợ dự án Vành đai - con đường.

Những nguy cơ

Bài viết mới đây đăng ngày 10-11-2019 trên tờ Universities World News cho biết sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mới và ảnh hưởng của nó đối với những nỗ lực quốc tế hóa đang là lớn nhất từ trước tới nay. Các trường ĐH, nơi tạo ra và phổ biến tri thức mới và là những tổ chức có ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội, đang bị đóng khung trong một bầu không khí chính trị bị chi phối bởi mối đe dọa đang được nhận thức rõ: sự trỗi dậy của TQ.

Khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump “Nước Mỹ trên hết” cùng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang biến hai siêu cường thành những đối thủ địa chính trị, trong đó vị trí của mỗi nước trong bức tranh toàn cầu của nền kinh tế tri thức trở thành trọng tâm. Đã có nhiều tiếng nói bộc lộ sự nghi ngờ về việc các học giả TQ và gốc TQ trong các trường ĐH Mỹ, nhất là trong các Viện Khổng Tử, có thể là gián điệp và đang âm thầm ăn cắp công nghệ của Mỹ.

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Hiệp hội Các giáo sư Mỹ năm 2014 đệ trình một báo cáo kêu gọi đóng cửa các Viện Khổng Tử. Chỉ trong vòng một năm qua, đã có ít nhất 10 trường ĐH Mỹ đóng cửa các Viện Khổng Tử. Còn tính trong 18 tháng qua thì đã có gần 20 trong khoảng 100 Viện Khổng Tử tại Mỹ bị đóng cửa. 

Tình hình tương tự tại nhiều nước. Từ nay đến năm 2022, sẽ có 18 Viện Khổng Tử đóng cửa trong hệ thống trường học của New Brunswick, Canada. Ngày 19-2-2019, ĐH Leiden Hà Lan tuyên bố sẽ kết thúc hợp tác với Viện Khổng Tử.

Thêm vào đó, giới hạn visa dành cho sinh viên TQ tốt nghiệp tại Mỹ đã bị điều chỉnh giảm chỉ còn một năm thay vì năm năm như trước đây. Chỉ trong năm qua, đã có tới 280 học giả TQ bị từ chối visa vào Mỹ. Các trường ĐH Mỹ bị cấm nhận tài trợ nghiên cứu của các công ty viễn thông TQ như Huawei hay ZTE. Tháng 2-2018, giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) báo cáo rằng TQ đang khai thác môi trường nghiên cứu khoa học của Mỹ cho lợi ích của họ và mối đe dọa này đòi hỏi sự phản ứng thích đáng của toàn xã hội.

Đối với nhiều nước, giáo dục được coi là một ngành mang tính phúc lợi xã hội hoặc kinh doanh, trong khi với những nước khác thì nó là công cụ chính trị. Như một bài báo trên The Economist đã kết luận, các nước giàu bán dịch vụ giáo dục của họ, còn TQ thì dùng tài trợ cho trao đổi giáo dục để mua ảnh hưởng.

Vấn đề là khi mua dịch vụ giáo dục, người ta coi đó là một cách đầu tư cho sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai. Còn khi sinh viên/học giả quốc tế được hưởng các khoản học bổng, tài trợ hậu hĩnh, họ đang học cách nhìn thế giới theo lối nhìn, cách nghĩ của người TQ, và đương nhiên là lối nhìn, cách nghĩ đó chỉ phục vụ cho lợi ích quốc gia của TQ.■

Ngũ độc

TQ cũng nỗ lực tác động chính trị lên các ĐH mà họ có thể can dự, với việc ngăn chặn nghiên cứu và thảo luận về năm đề tài nhạy cảm với chính quyền thuộc danh sách “ngũ độc”: Tây Tạng, Tân Cương, dân chủ, Đài Loan độc lập và Pháp Luân Công. Richard Fadden - cựu giám đốc Cơ quan Tình báo và an ninh Canada (CSIS) - nói rằng trong khi TQ bỏ tiền cho hầu hết các Viện Khổng Tử ở Canada, các viện này “do những người thuộc biên chế các đại sứ quán và lãnh sự quán quản lý”, những người này sẽ cố gắng can thiệp để các thảo luận học thuật về “ngũ độc” bị loại trừ.

Viện Chính sách an ninh và phát triển ở Stockholm, Thụy Điển, thì mô tả các Viện Khổng Tử là “một dự án quản trị hình ảnh, với mục đích quảng bá sự lớn lao của văn hóa TQ và đồng thời phản bác ý kiến dư luận cho rằng có tồn tại một “mối đe dọa từ TQ” với cộng đồng quốc tế”.

Ở Ấn Độ, dù số sinh viên học tiếng Hoa cũng tăng lên, Bộ Ngoại giao nước này đã bác bỏ khả năng cho phép thành lập Viện Khổng Tử ở các trường vì nguy cơ “sử dụng văn hóa để tuyên truyền và tạo ảnh hưởng”.

Trong gần 20 Viện Khổng Tử đã được thành lập ở Nhật Bản từ năm 2005, tất cả đều ở các ĐH tư nhân, chứ không phải các trường công uy tín hơn nhiều.

Trong khi đó, một bài báo trên tạp chí Đức Der Spiegel năm 2010 nói Bắc Kinh sử dụng các Viện Khổng Tử “với hi vọng quảng bá quan điểm về sự ưu việt văn hóa của TQ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận