Trung Quốc và "sầu riêng mộng"

HẢI MINH 13/07/2024 14:11 GMT+7

TTCT - Những nỗ lực tìm kiếm "tự chủ sầu riêng", phần nào thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Đông Nam Á, của Trung Quốc nhờ phát triển nguồn cung nội địa tại Quảng Đông và Hải Nam, chưa thu được kết quả như mong đợi.

Ảnh: China Dialogue

Ảnh: China Dialogue

Trang tin Trung Quốc sina.com ngày 1-7 giật tít tự hào: "Cây sầu riêng già nhất ở Hải Nam đã được 66 tuổi". Bài viết giới thiệu: 

"Ở Trung tâm Triển lãm trái cây nhiệt đới toàn cầu Thất Tiên Lĩnh, huyện Bảo Đình (tỉnh Hải Nam) có một cây sầu riêng đặc biệt. Đây là cây sầu riêng già nhất Trung Quốc, đã 66 tuổi mà vẫn ra hoa kết quả. Cây sầu riêng này không thường chút nào, nó không sợ lạnh, thân cao tới 15m... Nhờ gene di truyền xuất sắc như vậy, nó được các nhà khoa học dùng làm "cây mẹ" để nhân giống".

"Tự do" giá 60 tệ một cân

Là cây ăn trái nhiệt đới, sầu riêng không chịu được lạnh, nên dù cây lão sầu riêng Hải Nam khá ấn tượng, nó tất nhiên không sánh được với những "bạn đồng trang lứa" ở Đông Nam Á. 

Lấy ví dụ, riêng Việt Nam ghi nhận ít nhất hai cây sầu riêng tuổi đời đã hơn 100 - một ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ, cao gần 30m (Người Lao Động 3-9-2023), và một ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, cao khoảng 45m (Lao Động 3-7-2023).

Thái Lan thậm chí còn ngầu hơn: họ có cây sầu riêng 200 tuổi ở tỉnh Chumpon (Thai PBS World 27-6-2019). Nhưng Malaysia mới là "vô đối" với cây sầu riêng 300 tuổi ở bang Penang, theo yearofthedurian.com.

Khoảng cách về tuổi tác đó có lẽ cũng có thể tượng trưng cho khác biệt về sản lượng, chất lượng và giá cả của sầu riêng "quốc sản" Trung Quốc so với đồ nhập khẩu.

"60 tệ một cân (cân Trung Quốc, bằng 500 gram), tự do của tôi đâu?", một người dùng mạng xã hội Trung Quốc Weibo hóm hỉnh đặt câu hỏi về giá sầu riêng quốc nội và tham vọng "tự do sầu riêng" của nước này. 

Mức giá 60 tệ một cân, tương đương 420.000 đồng/kg, của sầu riêng Hải Nam là đắt gấp 2-3 lần sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á. Trong khi đó, chất lượng sầu riêng Trung Quốc chưa đồng đều, khiến giấc mơ "tự chủ" với loại trái cây đang cực kỳ đắt hàng ở quốc gia tỉ dân sẽ còn xa vời ít ra là một thời gian nữa.

Tâm trạng đó thể hiện rõ qua tít bài viết sinh động đăng trên chuyên trang tài chính kinh doanh Huxiu 22-5: "Tự do sầu riêng? Đừng mơ".

Tác giả đã cất công dành trọn một ngày lùng sục các cửa hàng bán trái cây ven đường tại Nam Ninh, Quảng Tây, nhưng không thể tìm được mức giá "5 quả 100 tệ (khoảng 350.000 đồng)" như đồn thổi trên mạng. 

Không bỏ cuộc, hôm sau cô lại cất công đến tận chợ đầu mối trái cây lớn nhất tỉnh Quảng Tây (48 triệu dân) - Trung tâm bán sỉ và hậu cần quốc tế Hải Cát Tinh, Nam Ninh. 

"Mọi người tụ tập đông đúc nhộn nhịp, khắp xung quanh là nhiều quầy hàng bán đủ loại sầu riêng khác nhau. Giá cả được ghi trên những tấm bìa cứng: 19,8 tệ/cân (140.000 đồng/kg), 16,8 tệ/cân (120.000 đồng/kg), 58 tệ/trái (hơn 200.000 đồng/trái), vẫn chưa phải là "rẻ như bắp cải" theo truyền thuyết...".

Ảnh: scmp.com

Ảnh: scmp.com

Cơn sốt sầu riêng

Số là thời gian qua, trên mạng xã hội Trung Quốc, trong cơn sốt sầu riêng, rộ lên những hashtag "giá sầu riêng giảm dưới 10 tệ/cân" hay "100 tệ 5 quả sầu riêng ở Nam Ninh", mà như phóng viên Huxin đã kiểm chứng, chỉ có trong mơ.

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,42 triệu tấn sầu riêng tươi, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Philippines, SCMP dẫn số liệu của hải quan nước này. Một nguồn khác, báo Mỹ The New York Times dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết: 

"Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của cả thế giới" với mức nhập từ Đông Nam Á tăng gấp 12 lần trong giai đoạn 2017-2023, từ 550 triệu lên 6,7 tỉ đô la.

Mới tháng 5 vừa rồi, chính quyền Thái Lan đã mời hai nhân vật ảnh hưởng trên mạng xã hội người Trung Quốc livestream bán sầu riêng ở tỉnh Chanthaburi. Chỉ trong ba ngày, họ giúp các nông dân sầu riêng Thái Lan thu về số tiền 100 triệu baht (khoảng 3 triệu đô la), theo Thai PBS World.

"Khoảng 1.000 container chở sầu riêng rời các khu đóng gói khắp Chanthaburi mỗi ngày, dẫn tới tình trạng kẹt xe chở sầu riêng không thua gì kẹt xe ở Bangkok", NYT viết. 

"Một số container được đưa lên các chuyến "xe lửa sầu riêng", theo cách gọi của báo chí Thái, vốn kết nối Thái Lan với Trung Quốc bằng tuyến xe lửa cao tốc do Trung Quốc xây dựng. Vì nhu cầu quá lớn, các container thường quay lại Thái Lan trong tình trạng trống rỗng, không cần chở hàng từ Trung Quốc - để lại nhanh chóng chất đầy sầu riêng chở sang Trung Quốc". 

NYT dẫn lời Jiaoling Pan, giám đốc vận hành hãng container đông lạnh chuyên chở sầu riêng Speed Inter Transport, nói 2/3 các container của công ty trở về Thái Lan mà không mang hàng gì từ Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, sầu riêng không chỉ là món trái cây hấp dẫn ngon lành. Trang Baidu dẫn sách Tân Hoa bản thảo cương yếu mô tả sầu riêng như một bài thuốc thần kỳ, trong đề mục "tư âm tráng dương": 

"Giá trị dinh dưỡng của sầu riêng cực cao, chứa rất nhiều đường, 11% tinh bột, 13% đường, 3% protein, và rất nhiều loại vitamin, chất béo, canxi, sắt và phốt pho. Người thân thể hư nhược cũng ăn được. Sầu riêng bổ sung năng lượng và dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, giúp cường thân kiện thể, có công hiệu tư âm bổ dương. Người mới khỏi bệnh và phụ nữ sau khi sinh đều ăn được để bồi bổ cơ thể".

Với hương vị đặc biệt và tác dụng như vậy, không khó hiểu khi sầu riêng thậm chí trở thành "biểu tượng địa vị" ở Trung Quốc, theo báo Anh The Economist tháng 6-2024. 

Ngày nay, những loại sầu riêng đắt hiếm ở Trung Quốc được coi trọng không khác gì "rượu ngon để lâu", và giống Musang King huyền thoại có biệt danh là "Hermès trong giới sầu riêng". Ở Trung Quốc, sầu riêng đôi khi còn được dùng cả làm quà tặng sinh nhật hay đám cưới.

Ảnh: The Economist

Ảnh: The Economist

Khó lòng tự chủ

Vì tất cả những lý do đó, nông dân, thương nhân và cả giới khoa học nông nghiệp Trung Quốc từ lâu đã muốn xây dựng nền "tự chủ sầu riêng".

Theo truyền thông nước này, cây sầu riêng đầu tiên được trồng ở Trung Quốc là vào năm 1958, nhưng sản lượng và chất lượng đều thấp. Đảo Hải Nam là một trong số ít nơi ở Trung Quốc có khí hậu trồng được sầu riêng, với sản lượng đang tăng dần, có thể lên tới 200 tấn vào năm nay, theo Tân Hoa xã.

Tuy nhiên, để tự chủ thực sự loại trái cây này, con số đó là muối bỏ bể. Chính những người trong nghề ở Trung Quốc đã nhanh chóng "giội một gáo nước lạnh" vào viễn tượng "tự lực sầu riêng". 

"Sầu riêng trong nước và nhập khẩu không thể đi chung đường (xét về quy mô) sầu riêng nội địa sẽ không bao giờ là đối thủ của hàng nhập khẩu", Huxin dẫn lời ông Vương Hâm Vũ, tổng giám đốc Công ty Vua Bán Sầu Riêng Vườn, nói thẳng thắn.

Theo Huxin, ông Vương là người có kinh nghiệm lâu năm và đa dạng trong ngành sầu riêng, từ mua bán tới hỗ trợ gầy dựng trang trại ở Hải Nam. 

Nỗ lực phát triển sầu riêng ở Hải Nam đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, bắt đầu tại các huyện Bảo Đình và Lăng Thủy, nhưng trước kia tỉ lệ cây sống sót thấp, sản lượng và chất lượng đều kém. Từ cuối những năm 1990, giống Thái Lan, Việt Nam và một số nơi khác được đưa vào canh tác thì tỉ lệ sống sót mới tăng lên.

Nhưng cũng phải tới năm 2018, nghề trồng sầu riêng ở Hải Nam mới thực sự bước vào thời kỳ phát triển quy mô lớn và năm 2023 mới là mùa thu hoạch thật sự đáng kể đầu tiên. 

Sản lượng có thể đạt khoảng 700 kg/mẫu Trung Quốc (bằng 1/15 ha), tức khoảng 10,5 tấn/ha (Để so sánh, sản lượng 1ha sầu riêng ở Việt Nam trung bình là 20-25 tấn, theo VNBusiness 13-11-2023) và giá trị khoảng 1,5 triệu tệ (khoảng 5,2 tỉ đồng, do giá sầu riêng nội địa Trung Quốc cao gấp 2-3 lần giá nhập khẩu).

Với sản lượng tự trồng chưa bằng 1% sản lượng nhập khẩu, "(sầu riêng nội địa) hầu như không có tác động gì tới thị trường", theo lời ông Vương. Người Trung Quốc từng thành công trong việc thay thế trái cây nhập khẩu đắt tiền. Ví dụ nổi tiếng gần đây nhất là nho mẫu đơn nhập từ Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Từng có giá tới 100 đô la một chùm ở Nhật Bản, được coi là đặc biệt hiếm có và sang trọng, nhưng loại nho này giờ đã khá phổ thông, tràn ngập khắp các thị trường châu Á, với giá rẻ hơn nhiều, chủ yếu là sản phẩm Trung Quốc.

Nhưng sầu riêng có vẻ vẫn là ngoại lệ. Hiện những người như ông Vương muốn nhắm sản phẩm quốc nội đến phân khúc cao hơn, vì vậy muốn các chủ vườn Trung Quốc để sầu riêng "chín cây tự rụng", thay vì sử dụng chất làm chín như hàng nhập khẩu, hay đông lạnh (như sầu riêng Musang King của Malaysia). 

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ để phục vụ một thị trường khổng lồ như Trung Quốc, giải pháp chín cây là quá bất tiện. "Bữa nay chín hai ba trái, bữa mai chín năm sáu trái, ai mà đợi mua của mình được", một nông dân trồng sầu riêng ở Hải Nam nói với Huxin.■

Thái Lan là nguồn cung sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu hơn 1,42 triệu tấn sầu riêng tươi vào năm 2023, tăng 72,87% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị khoảng 6,7 tỉ đô la, tăng 65,56%. Trong đó lượng nhập khẩu từ Thái Lan đứng đầu, chiếm 65,15% kim ngạch. Tuy nhiên, theo Thai PBS World, mùa sầu riêng từ tháng 3 tới tháng 6 ở khu vực canh tác chính miền đông Thái Lan năm nay gặp nhiều vấn đề do tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt và kéo dài.

Báo cáo về ngành hàng sầu riêng của chuyên gia kinh tế quốc tế Aat Pisanwanich, được The Nation 13-5 dẫn lại, cho thấy sản lượng sầu riêng Thái Lan có nguy cơ giảm tới 53% trong 5 năm tới, xuống còn khoảng 640.000 tấn, nếu chính phủ nước này không sớm có các biện pháp đối phó biến đổi khí hậu. Chỉ riêng hạn hán năm nay đã khiến sản lượng sầu riêng Thái Lan ước tính giảm 42%, xuống còn khoảng 540.000 tấn, cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giá sầu riêng tăng cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận