TTCT - Trong bàn tròn giữa các học giả hàng đầu của Anh và Việt Nam nghiên cứu về Trung Quốc hai ngày 26 và 27-2 tại Đại học Fulbright Việt Nam, một chủ đề thu hút nhiều quan tâm và thảo luận là mô hình phát triển chất lượng cao của Trung Quốc. Câu hỏi chính yếu là liệu có sự khác nhau giữa diễn ngôn chính trị và thực tế chính sách ở Trung Quốc hay không? Ảnh: ReutersTrong bài phát biểu đêm giao thừa vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào mừng năm mới 2024 bằng tuyên bố về những tiến bộ của Trung Quốc trong việc theo đuổi "sự phát triển chất lượng cao". Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển chất lượng cao và cân bằng giữa phát triển và an ninh.Chuyển hướngCác nhà quan sát chính trị thường phải nghiên cứu các bài phát biểu của ông Tập để tìm manh mối về thay đổi chính sách ở Trung Quốc. Vậy "phát triển chất lượng cao" là gì?Về mặt trình tự phát triển, đây là khẩu hiệu thể hiện mong muốn của ông Tập đưa Trung Quốc vượt ra khỏi kỷ nguyên "làm giàu là vinh quang" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Kỷ nguyên mới dưới thời ông Tập sẽ khép lại thời kỳ cải cách và mở cửa dựa trên các cải cách thị trường, quốc tế hóa nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng không cân bằng. Ông Tập thường xuyên nhấn mạnh "phát triển chất lượng cao" là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất trong nỗ lực xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại trên mọi phương diện của Trung Quốc.Thật ra, còn quá sớm để đánh giá thành quả của "thời đại mới" phát triển chất lượng cao khi việc thay đổi mô hình phát triển mới diễn ra chưa đầy một thập niên. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc lần đầu tiên chính thức sử dụng cụm từ "phát triển chất lượng cao" để báo hiệu ý định của Bắc Kinh khi nước này chuyển đổi khỏi giai đoạn tăng trưởng nhanh, vốn từng đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy tích tụ nợ nhanh chóng.Trong những năm gần đây, khi các "thành phố ma" với hàng triệu căn hộ xây dựng xong nhưng không có người ở nở rộ, các chủ đầu tư bất động sản nợ nần chồng chất và môi trường quốc tế đầy thách thức, Bắc Kinh nhận ra tốc độ tăng trưởng GDP chóng mặt nhiều thập niên qua là không thể duy trì được và cũng không còn bền vững nữa. Trung Quốc không muốn tiếp tục những gì đã từng thúc đẩy nền kinh tế suốt nhiều thập niên qua như tập trung vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản.Ông Tập coi các thành công trước đó, như biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, "điểm đến chính cho đầu tư toàn cầu", và "công xưởng của thế giới", là những thành tựu đã được ghi vào sử sách. Trung Quốc giờ đã đến lúc phải viết một chương mới trong lịch sử phát triển mang dấu ấn Tập Cận Bình, khác những người tiền nhiệm.Về mặt trình tự mô hình phát triển thì điều này cũng hợp lý, khi mỗi cải cách ở Trung Quốc đều được coi là phù hợp với từng giai đoạn phát triển liên quan. Cuối những năm 1970, Trung Quốc có những cải cách quan trọng trong các thể chế nông nghiệp và hộ gia đình. Những năm 1980, Trung Quốc thúc đẩy hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp hương trấn và các đặc khu kinh tế. Những năm 1990, khu vực tài chính được cải cách. Những năm 2000, trọng tâm chuyển sang nguồn nhân lực và cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với những thay đổi trong giáo dục đào tạo, y tế và bảo hiểm xã hội.Ông Tập chỉ ra nhiều vấn đề với tăng trưởng bền vững mà Trung Quốc đang phải đối mặt: chi phí lao động tăng, những hạn chế ngày càng tăng từ tài nguyên và môi trường, các mô hình phát triển theo chiều rộng không bền vững. Do đó, mô hình phát triển chất lượng cao đã trở thành yêu cầu quan trọng khi xây dựng chính sách kinh tế, dẫn đến những thay đổi sâu rộng, bao gồm thúc đẩy tiến bộ công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, năng lực đổi mới, nâng cấp công nghiệp, hợp tác khu vực và khả năng tiếp cận thị trường rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.Ý kiến chuyên giaTại hội thảo, ông Christopher Beddor - phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics - nhận định: "Thoạt nhìn, khái niệm này có vẻ khá rõ ràng: Các nhà hoạch định chính sách sẽ cho phép tăng trưởng GDP chậm hơn, miễn là mức tăng trưởng đó bền vững hơn". Chỉ có điều không phải lúc nào thị trường cũng tuân theo ý muốn của người làm chính sách.Alicia García-Herrero, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tập đoàn đầu tư Natixis, cho biết việc chuyển trọng tâm sang chất lượng tăng trưởng cũng là một cách để chính quyền Trung Quốc quản lý kỳ vọng và chuyển sự chú ý ra khỏi nhiều cơn gió ngược mang tính cơ cấu mà nền kinh tế đang phải đối mặt, gồm dân số già và năng suất tụt hậu.Các chuyên gia cũng nói khái niệm "phát triển chất lượng cao" không phải dễ nắm bắt và dễ hiểu. Khẩu hiệu "làm giàu là vinh quang" của Đặng Tiểu Bình đặt việc phát triển kinh tế lên hàng đầu thì khá rõ ràng, khi tăng trưởng kinh tế là thước đo và kim chỉ nam cho hoạch định chính sách. Trong khi đó, định nghĩa về "phát triển chất lượng cao" quá rộng với nhiều ưu tiên mục tiêu. Về mặt triết lý, theo quan điểm của ông Tập, phát triển chất lượng cao là mô thức phát triển có thể đáp ứng mong muốn ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó phản ánh triết lý phát triển mới gắn với tinh thần sáng tạo, phối hợp, mang tính xanh, cởi mở và chia sẻ.Kinh tế gia García-Herrero bình luận: "Về mặt chính thức, phát triển chất lượng cao bao gồm những ý tưởng tích cực như tính bền vững và đổi mới", ngoài phân phối thu nhập hộ gia đình công bằng hơn và phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế tốt hơn. Thật vậy, một mục tiêu quan trọng của "phát triển chất lượng cao" là "sự thịnh vượng chung". Năm 2021, ông Tập thúc đẩy tầm nhìn về "sự thịnh vượng chung", bao gồm giảm bất bình đẳng, phát triển cân bằng giữa các khu vực địa lý và một "nền văn hóa tinh thần và đạo đức" lành mạnh.Khái niệm "sự thịnh vượng chung" ngụ ý rằng giờ đây một số người Trung Quốc đã trở nên giàu có, đã đến lúc nâng đỡ những người "bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh bất bình đẳng về thu nhập, sự thịnh vượng chung còn tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội được cho là bắt nguồn từ nền kinh tế mang dáng dấp chủ nghĩa tư bản và tăng trưởng không kiểm soát. Lộ trình cho những mục tiêu này phù hợp với nhiều mục tiêu dài hạn khác của Trung Quốc, bao gồm cả việc trở thành "nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại" vào năm 2050.Tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022, ông Tập cũng nhấn mạnh "phát triển xanh", tăng cường khả năng tự lực và tự chủ sức mạnh khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đặt đổi mới làm trung tâm của động lực hiện đại hóa tổng thể, cải thiện hệ thống đổi mới khoa học và công nghệ, giúp các doanh nghiệp có sự hiện diện nhiều hơn trong đổi mới và thúc đẩy phát triển theo định hướng đổi mới.Nhưng năm 2022 không phải là năm ông Tập đề cập nhiều nhất cụm từ "phát triển chất lượng cao". Theo phân tích của Bloomberg về các bài phát biểu trước công chúng của ông Tập, Chủ tịch Trung Quốc đã đề cập cụm từ "phát triển chất lượng cao" ít nhất 128 lần trong năm 2023, bao gồm cả trong bài phát biểu đêm giao thừa 31-12-2023. Con số này gần gấp đôi số lần đề cập đến năm 2022. Nếu dựa trên những chỉ dấu trên, năm 2024 có lẽ sẽ chứng kiến cụm từ phát triển chất lượng cao được đề cập thường xuyên hơn nữa.Còn các nhà đầu tư và kinh doanh thì nhìn khái niệm "phát triển chất lượng cao" một cách đơn giản là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn, nhưng bền vững hơn so với trước đây.Kinh tế gia García-Herrero nhận định: "Tôi có cảm giác rằng cách diễn đạt chính thức đang thay đổi vì một lý do quan trọng: [Trung Quốc] đang ở trong tình trạng giảm tốc về cơ cấu và cả giảm tốc theo chu kỳ. Rất khó để tìm ra từ ngữ thích hợp để nói với thế giới rằng: Chúng tôi đang giảm tốc". Do đó, phát triển chất lượng cao có thể chỉ là một cách nói khác rằng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.■ Nếu coi diễn ngôn chính trị là dấu hiệu cho việc một chính sách thu hút sự chú ý và ưu tiên của lãnh đạo, thì có thể tin rằng Trung Quốc tiếp dục duy trì mô hình phát triển chất lượng cao trong những năm tới. Trong hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên của Trung Quốc vào tháng 12-2023, ông Tập nói: "Việc duy trì sự phát triển chất lượng cao là nguyên tắc kiên quyết bắt buộc của thời đại mới". Tags: Trung QuốcNhà nghiên cứuĐảng cộng sản Trung QuốcTrung Quốc Tập Cận BìnhNgười Trung Quốc
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.