Trung Quốc và cuộc thanh trừng giới showbiz

ĐÌNH VY 11/09/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với làng giải trí Trung Quốc. Sau vụ bê bối tình dục gây rúng động của nghệ sĩ Ngô Diệc Phàm, chỉ trong vòng một tháng đã có 11 nghệ sĩ khác bị “phong sát” và hàng trăm bộ phim bị gỡ khỏi Internet, mở đầu cho một cuộc thanh trừng với mục tiêu “lành mạnh hóa” giới showbiz.

Những bê bối của làng giải trí ở Trung Quốc, từ động trời như nghệ sĩ trốn thuế, cưỡng hiếp phụ nữ, hút ma túy, cho tới lặt vặt như chương trình game show vẽ đường cho fan làm giả bình chọn, người hâm mộ đấu khẩu, bôi nhọ lẫn nhau, các trang mạng dung túng những chuyện đó... cũng là chuyện thường tình với giới showbiz nhiều nước. 

Chỉ có điều, chính quyền Trung Quốc lại không giống chính quyền nhiều nước. 

Diễn viên Trịnh Khải chụp ảnh với người hâm mộ. Trung Quốc có văn hóa hâm mộ người nổi tiếng rất cuồng nhiệt, -đôi khi thái quá. Ảnh: Getty Images

 

Hỗn độn, bát nháo

Các nghệ sĩ bị nêu tên gần đây là Tô Mang, Lục Lục, Mã Vy Vy, Trương Triết Hạn, Hoắc Tôn, Tiền Phong, Trịnh Sảng, Trương Hằng, Triệu Vy, Cao Hiểu Tùng. 

Hàng trăm bộ phim của họ bị xóa khỏi Internet, trong đó Trịnh Sảng, Triệu Vy, Trương Triết Hạn là những nghệ sĩ có nhiều tác phẩm nhất. Đáng nói nhất là có cả những bộ phim kinh điển rất quen thuộc với khán giả châu Á như Hoàn Châu Cách Cách, Tình thâm thâm vũ mông mông

Triệu Vy là nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong số này. Cô đang bị “phong sát” ngầm nhưng chưa rõ nguyên nhân và chưa có thông tin chính thức từ chính quyền.

Trong mắt nhà cầm quyền Trung Quốc, những ồn ào và bê bối liên miên của showbiz không chỉ là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức cá nhân mà còn phần nào phản ánh sự phát triển lệch lạc của xã hội. 

Từ khi Internet bùng nổ, cộng đồng mạng nắm quyền sinh sát với giới showbiz, từ việc chế tác, người quản lý diễn viên, quảng bá sản phẩm, cách phát sóng, cho đến dữ liệu đánh giá bình chọn. 

Theo đuổi mù quáng số lượt truy cập đã khiến tất cả đều xoay quanh cư dân mạng.

Mới đây, cư dân mạng Trung Quốc lại một phen xôn xao khi nhóm nhạc mang tên Nhóm thiếu niên Thiên Phủ gồm 7 thành viên, tuổi đời bình quân chỉ là... 8 tuổi, chính thức ra mắt giới showbiz vào ngày 20-8. 

Trước sự chỉ trích của dư luận, Công ty giải trí Á Châu Tinh Không trả lời: “Công ty không xem những đứa trẻ này là công cụ kiếm tiền, mà chỉ nhằm đào tạo một thế hệ thiếu niên gương mẫu mang tính thời đại. Chúng tôi đang học hỏi những người ưu tú, sau này mang vinh quang về cho Tổ quốc, góp phần xây dựng cường quốc văn hóa”. 

Sau đó, công ty quản lý này tiếp tục lên tiếng khẳng định sẽ không thành lập “fan club”, không có hình thức góp vốn hoạt động và đổi tên nhóm thành Panda Boys.

Đó là một sự kiện rất điển hình về nhìn nhận của giới chức Trung Quốc với ngành giải trí. 

Đài Truyền hình nhà nước CCTV chỉ trích: “8 tuổi mới là trẻ con, còn chưa biết chữ. Dư luận phê phán hiện tượng trẻ hóa của các nhóm nhạc, lo lắng cho tương lai những đóa hoa của đất nước. Bơm tiền để trẻ phát triển sớm, thực tế họ chưa từng nghĩ đến việc đào tạo nhân tài, rõ ràng là đang kiếm tiền”.

Những năm gần đây, cùng sự bùng nổ của các chương trình game show, ở Trung Quốc đã hình thành “văn hóa” fan club và sự kinh tế hóa người hâm mộ, tức những dịch vụ và hàng hóa phục vụ cho giới hâm mộ này mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho làng giải trí. 

Một ví dụ là nhóm nhạc TFBOYS của Công ty Time Fengjun Entertainment Bắc Kinh. Thu nhập từ diễn suất, quảng cáo và đóng phim của nhóm trong năm 2015 mang về cho công ty cả trăm triệu tệ. Đến năm 2019, công ty này tiếp tục cho ra mắt Nhóm thiếu niên thời đại.

Tờ Hà Nam thương báo trích dẫn điều tra của Cơ quan tư vấn Trí Nghiên cho thấy 60% người thế hệ 10X có thần tượng của riêng mình, trong đó 25% thường xuyên chi tiêu ủng hộ thần tượng, và 15% chi hơn 5.000 tệ/tháng (hơn 17 triệu đồng/tháng).

Như Lý Đình là học sinh lớp 9, từ việc say mê bài hát của một ca sĩ mà cô bắt đầu chú ý đọc tin tức về ca sĩ, hằng đêm ngồi lướt tất cả các bài trên Weibo liên quan, để lại lời nhắn rồi tham gia bình chọn... dẫn tới thường không thể tập trung khi đi học vào sáng hôm sau. 

Sau đó, em này bắt đầu gia nhập nhóm ủng hộ ca sĩ, mua hàng trăm đĩa nhạc, mua sản phẩm mà nghệ sĩ quảng cáo...

Nếu không có đoạn video ghi lại cảnh một số người hâm mộ đổ sữa xuống cống để ủng hộ thần tượng của mình tại một màn trình diễn tài năng, em cũng sẽ không tỉnh ngộ. 

Người dân sẽ không thể biết được rằng một chương trình game show lại lãng phí nhiều sữa đến vậy, cũng không thể biết rằng những người hâm mộ lại có thể điên cuồng đến vậy.

Lý Đình quyết định rời fan club, chỉ làm một người hâm mộ bình thường. Cho tới đó, trong vòng 3 năm, em đã chi 100.000 tệ (hơn 350 triệu đồng) để ủng hộ thần tượng của mình.

Hồi tháng 4, thí sinh La Nhất Chu tham gia chương trình Thanh xuân có em mùa 3. Trong vòng 6 tiếng đồng hồ, nhóm ủng hộ La đã kêu gọi quyên góp được 4,87 triệu tệ (hơn 17 tỉ đồng). 

Chương trình này bình quân kêu gọi được 800.000 tệ/tiếng (hơn 2,8 tỉ đồng), với 25.000 người tham gia. Từ số lượng người ủng hộ đến số tiền kêu gọi đều cao hơn bất kỳ trường hợp bệnh nhân cầu cứu nào trên mạng. 

Hà Nam thương báo cho rằng các nhóm người hâm mộ ủng hộ nghệ sĩ muốn bày tỏ tình yêu với nghệ sĩ, thực tế đang bị các nền tảng số và doanh nghiệp đằng sau đó trục lợi.

Quyết thanh trừng

Sự hỗn độn của giới showbiz khiến chính giới văn nghệ sĩ cũng bất bình. 

Các Hiệp hội điện ảnh, Hiệp hội vũ đạo, Hiệp hội nhiếp ảnh, Hiệp hội nghệ sĩ truyền hình Trung Quốc ngày 25-8 đã cùng tổ chức tọa đàm công tác xây dựng tác phong đạo đức cho giới văn nghệ sĩ, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của người nghệ sĩ, kiến nghị giới văn nghệ sĩ tẩy chay những nghệ sĩ thiếu đạo đức, kêu gọi nghệ sĩ chấp hành pháp luật, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, thực hiện trách nhiệm đối với xã hội.

Tiếp đó, ngày 27-8, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đưa ra 10 biện pháp để chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong cộng đồng showbiz nước này. 

Đầu tiên là yêu cầu hủy bỏ các bảng xếp hạng nghệ sĩ, siết chặt công ty quản lý nghệ sĩ, tài khoản fan club, cấm đăng tải thông tin bôi nhọ lẫn nhau, không được dụ dỗ người hâm mộ chi tiêu, lôi kéo người vị thành niên gia nhập nhóm cũng như hành vi góp vốn ủng hộ nghệ sĩ...

Những tài khoản nói xấu, xuyên tạc hay đăng tải thông tin có hại đều bị xử lý, cấm phát ngôn hoặc khóa vĩnh viễn. Tài khoản nhóm người hâm mộ nghệ sĩ phải được đơn vị liên quan cho phép. 

Giải tán các fan club bất chính, ngăn chặn các kênh gây ảnh hưởng xấu và chuyên gây sự giữa người hâm mộ. Chương trình gameshow không được có chức năng mua phiếu bình chọn, cấm dụ dỗ, khuyến khích cư dân mạng bỏ phiếu qua hình thức mua sắm. 

Nhất là cấm người vị thành niên chi tiêu và ủng hộ nghệ sĩ, không được làm trưởng nhóm hay người quản lý các nhóm người hâm mộ. Các hoạt động của fan club không được ảnh hưởng đến cuộc sống học tập, nghỉ ngơi của người trẻ, nhất là các hoạt động trực tuyến.

Sự việc đã thật sự động tới “thiên đình”. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu nước này, vào ngày 28-8 thông báo Bắc Kinh quyết tâm siết chặt ngành giải trí vì lợi ích giới trẻ. 

CCDI công khai chỉ trích những nhóm fan biến tướng, chỉ biết đấu khẩu, đối đầu, bình luận ác ý, đầu tư tiền khủng để ủng hộ nghệ sĩ, thậm chí còn có ý định góp vốn để giải cứu thần tượng dính dáng đến tội cưỡng hiếp. ■

CCDI cho rằng việc các fan khẩu chiến là do quản lý nghệ sĩ không đến nơi, không kịp thời định hướng, để cho một số phần tử cực đoan gây rối. 

Cơ quan này cho biết sẽ tăng cường quản lý không gian mạng, xây dựng nội dung mạng để trả lại môi trường trong sạch cho cư dân mạng, nhất là cho thanh thiếu niên. 

Tính đến tháng 6-2021, Trung Quốc có hơn 1 tỉ người dùng Internet với tỉ lệ phổ cập 71,6%, theo Tân Hoa xã.

Đài CCTV nêu rõ: “Khán giả cần những tác phẩm chất lượng cao. Khán giả thích nghệ sĩ nói lên tiếng nói của mình thông qua tác phẩm bằng lao động nghệ thuật chân chính, chứ không phải những thông tin giật gân, càng không phải bởi lượt theo dõi những thông tin đó. Khán giả cần một nghệ sĩ tốt". 

"Con người dù làm bất cứ ngành nghề nào cũng cần tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tác phẩm có chất lượng sẽ định hướng hoạt động của ngành giải trí. Phải xây dựng hệ sinh thái showbiz trong sạch, nhổ bỏ những cỏ dại không tuân thủ đạo đức ngành". 

"Có pháp luật trừng trị, có quần chúng giám sát, có chế độ chuẩn mực, không khoan nhượng với nghệ sĩ thất đức, nghiêm khắc xử lý những hiện tượng hỗn độn mới là cách để bảo vệ giới showbiz. Đó mới là thật sự tôn trọng khán giả”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận