Trung Quốc ứng dụng công nghệ mới: Chấp nhận mọi rủi ro

NGUYỄN THÀNH TRUNG 04/08/2024 15:10 GMT+7

TTCT - Bất chấp những lo ngại về vận hành, Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra đặc biệt cởi mở với các công nghệ mới nổi.

Trung Quốc ứng dụng công nghệ mới: Chấp nhận mọi rủi ro- Ảnh 1.

Taxi tự lái được triển khai thử nghiệm ở ngoại ô Thượng Hải. Ảnh: Sixth Tone

Chính quyền vừa quyết liệt đẩy mạnh và nhân rộng ứng dụng thương mại vừa nhanh chóng thể chế hóa khung pháp lý cho các hình thái kinh tế còn hết sức mới mẻ này.

Những hình ảnh đậm màu tương lai viễn tưởng về máy bay không người lái vo ve trên mái nhà và cánh đồng; còn bên dưới đường phố là xe tự hành chạy tới lui vận chuyển hành khách như trong phim khoa học giả tưởng đã trở thành thực tế, ở quy mô lớn, ít ra là tại Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên là một trong số ít nước dẫn đầu thế giới trong phát triển hệ thống không người lái và đóng vai trò chủ đạo trong định hình xu hướng ngành này. 

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Baidu hay DJI, với sự giúp sức về cơ chế lẫn tài chính của chính phủ, đang đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực hậu cần thông minh, bao gồm xe không người lái, drone và robot, hòng chiếm thế thượng phong trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ gay gắt với phương Tây.

500 chiếc taxi không người lái

Chính truyền thông phương Tây cũng đang phát sốt với quy mô nhân rộng nhanh chóng của Trung Quốc với những công nghệ từng được cho là rất khó đưa vào đời sống ở diện rộng. Tờ The Economist của Anh vừa có bài "Robotaxi của Trung Quốc đang chạy trước Tesla". 

Còn New York Times của Mỹ vào giữa tháng 6-2024 giật tít: "Trung Quốc đang thử nghiệm xe hơi không người lái nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới".

Thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, nằm bên bờ sông Dương Tử, từng nổi tiếng toàn cầu vào tháng 12-2019 vì là nơi khởi điểm đại dịch Covid-19. 

Nhưng giờ đây, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc thu hút sự chú ý vì lý do hoàn toàn khác: họ trở thành đô thị lớn đầu tiên trên thế giới cho phép xe taxi không người lái hoạt động ở quy mô thương mại, với đội xe gần 500 chiếc vận hành trên 35% mạng lưới đường bộ của thành phố. 

Công ty đứng đằng sau dự án này là người khổng lồ công nghệ Baidu. Tháng 5 vừa rồi, họ thông báo sẽ bổ sung 1.000 chiếc taxi tự hành nữa, điều khiển bằng máy tính và cơ bản không có tài xế dự phòng trên xe. 

Vũ Hán, với hơn 11 triệu dân, 4,5 triệu ô tô và những con phố đông đúc, đã trở thành nơi thử nghiệm sống động nhất và lớn nhất thế giới với công nghệ từng gây ồn ào suốt ít nhất 10 năm qua ở Mỹ, nhưng rồi được kết luận là "không đi đến đâu".

Khắp Trung Quốc, ít nhất 16 thành phố, bao gồm cả các đại đô thị Vũ Hán và Thâm Quyến (13 triệu dân), đã cấp giấy phép thương mại cho các công ty thử nghiệm xe không người lái trên đường phố công cộng. 

Ít nhất 19 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và nhà cung cấp của họ cũng đang đầu tư vào đội xe tự hành để thiết lập vị trí dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này. 

Ngoài Baidu, các công ty khác như Dongfeng Motor Corp và DeepBlue Technology cũng đang thử nghiệm taxi tự hành trong thành phố. Không quốc gia nào trên thế giới sánh được tốc độ triển khai như vậy.

Thành công của taxi tự hành đã khiến cho nhiều tài xế taxi truyền thống ở Vũ Hán lo lắng bị mất việc. 

Phản ứng dữ dội với dịch vụ này, đặc biệt là với chiến thuật được cho là phá giá của Apollo Go (tên dịch vụ taxi tự hành của Baidu), trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, với hơn 75 triệu người dùng tham gia thảo luận chỉ trong một tuần tháng 7. 

"Họ sẽ cướp bát cơm của ta", một người dùng viết. Một người dùng khác cảm thán: "Các trường dạy lái xe, thanh tra đường bộ và hãng taxi đều sẽ đóng cửa".

Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ mang tính tương lai ở Trung Quốc gắn liền với quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo. 

Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ giấu giếm ý định dẫn đầu thế giới các ngành công nghiệp mới nổi, còn giới chức địa phương cũng rất quyết liệt cải cách và thử nghiệm để trở thành nơi tiên phong về công nghệ trong nước.

Tháng 6 vừa qua, thành phố Bắc Kinh đã soạn thảo bộ hướng dẫn mới về lái xe tự động mà Ngân hàng HSBC cho biết sẽ khiến ngành này trở nên "minh bạch và dễ dự đoán hơn".

Trung Quốc ứng dụng công nghệ mới: Chấp nhận mọi rủi ro- Ảnh 2.

Trên một chiếc taxi tự lái ở Vũ Hán. Ảnh: scmp.com

Ở Mỹ, nỗ lực phát triển xe tự lái, dù khởi đầu trước Trung Quốc rất lâu, đã gặp nhiều trở ngại. 

Năm ngoái, General Motors, hãng sản xuất ô tô khổng lồ của Mỹ, đã đình chỉ hoạt động của Cruise, công ty kinh doanh taxi tự hành của họ, sau khi một chiếc ô tô làm bị thương người đi bộ ở San Francisco khiến California thu hồi giấy phép hoạt động tại bang này. 

Waymo, công ty con của Alphabet, chủ sở hữu Google, gần đây đã phải tạm dừng hoạt động sau khi hai chiếc xe của họ đâm vào cùng một xe chỉ cách nhau vài phút.

Theo báo cáo năm 2023 của công ty tư vấn McKinsey, Trung Quốc, vốn là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cũng có thể sẽ sớm trở thành thị trường hàng đầu về xe tự động. 

Họ dự đoán lĩnh vực này có thể tạo ra doanh thu 300-400 tỉ USD vào năm 2035, một phần nhờ hỗ trợ từ nhà nước để triển khai nhiều chương trình thí điểm hơn.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh gần đây công bố kế hoạch hỗ trợ sử dụng phương tiện tự hành cho hệ thống vận tải xe buýt điện công cộng đô thị, dịch vụ gọi xe và cho thuê ô tô. 

Đến nay, đã có hơn 20 thành phố trên toàn Trung Quốc triển khai chính sách hỗ trợ sát hạch xe tự hành, gồm hơn 60 doanh nghiệp đã có giấy phép sát hạch xe tự lái.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại trong việc tích hợp phương tiện tự lái vào hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ. 

Ông Hoàng Kim Tinh, phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu an toàn giao thông đường bộ thuộc Bộ Công an Trung Quốc, cho biết nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể liên quan đến phương tiện tự hành chưa được làm rõ trong pháp luật và quy định hiện hành.

1,27 triệu UAV

Còn ở trên không, thậm chí phương tiện vận chuyển còn nhộn nhịp hơn. Vào sáng thứ hai một tuần cuối tháng 7 vừa rồi, máy bay không người lái (UAV) của Bưu điện Quảng Châu đã lần đầu tiên chuyển bốn lá thư chấp nhận vào học của Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc tới tay bốn sinh viên ở thành phố Quảng Châu. 

Chuyến giao thư bằng UAV mất khoảng 30 phút cho đoạn đường 25km đánh dấu bước tiến mới của ứng dụng UAV ở Trung Quốc. Một tân sinh viên cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy thư nhập học được gửi bằng máy bay không người lái, giống như một cảnh phim bước ra ngoài đời thực vậy".

Với giao nhận hàng hóa, các công ty giao nhận Trung Quốc đã sử dụng công nghệ UAV tiên tiến để tiếp cận người nhận ở một số vùng sâu vùng xa. 

Hãng thương mại điện tử khổng lồ JD đang tăng tốc triển khai ứng dụng UAV và giải pháp hậu cần thông minh để giao hàng, đặc biệt là ở chặng cuối. 

So với phương thức giao hàng truyền thống, giao hàng bằng UAV có thể có chi phí thấp, khả năng chuyên chở lớn và thời gian giao hàng ngắn hơn, đồng thời giúp giải quyết một số thách thức hiện nay, như chi phí lao động tăng cao và tình trạng thiếu nhân công cho lĩnh vực này.

Dữ liệu từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho thấy tăng trưởng của mảng UAV liên tục ở mức trên 10% nhiều năm qua. 

Trung Quốc có 1,27 triệu UAV được đăng ký vào cuối năm 2023, tăng 32,2% so với năm trước. Tính theo giờ bay, UAV dân sự đã có hơn 23 triệu giờ bay vào năm 2023, tăng 11,8% so với năm trước.

Trung Quốc ứng dụng công nghệ mới: Chấp nhận mọi rủi ro- Ảnh 3.

UAV giao hàng của JD. Ảnh: Fortune

Khi mô thức kinh tế thay đổi, những nghề nghiệp mới ra đời, như nghề điều khiển UAV. Nghề này đã được chính thức công nhận và bổ sung vào mã phân loại nghề nghiệp của Trung Quốc từ năm 2019. 

Họ được định nghĩa là người điều khiển UAV để thực hiện các nhiệm vụ bay định trước. Theo CAAC, đến cuối năm 2023 đã có 929.000 người hành nghề lái UAV có đăng ký và 194.400 giấy phép lái UAV được cấp.

Ngoài lĩnh vực giao nhận, tham vọng ứng dụng UAV đặc biệt thể hiện rõ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trang Sixth Tone dẫn nguồn hãng sản xuất UAV hàng đầu Trung Quốc DJI cho biết UAV trong nông nghiệp mang lại lợi thế không thể phủ nhận so với giải pháp truyền thống. 

Một ví dụ là phun thuốc cho cây trồng bằng UAV sẽ đạt hiệu quả cao hơn 30-60 lần so với phun thủ công về mức độ tiết kiệm thuốc, độ phủ, thời gian và chi phí. UAV cũng an toàn hơn khi con người không phải tiếp xúc với phân bón hay thuốc trừ sâu. 

Cũng dễ hiểu là UAV trong nông nghiệp giúp giảm chi phí lao động. Cũng theo Sixth Tone, một người điều khiển UAV phun phân bón nông nghiệp chuyên nghiệp có thể kiếm được hơn 300.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỉ đồng) một năm.

Ảnh: China Daily

Ảnh: China Daily

Ngày 1-1-2024, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quy định về quản lý UAV nhằm chuẩn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại của UAV. 

Cũng vào đầu năm nay, nền kinh tế hàng không tầm thấp - bao gồm các ngành sử dụng không phận ở độ cao dưới 3.000m cho hoạt động thương mại trên không - đã được đề cập lần đầu tiên trong Báo cáo Công tác thường niên của Chính phủ Trung Quốc ở kỳ họp "Lưỡng hội". 

Năm ngoái, tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương, nền kinh tế hàng không tầm thấp được lãnh đạo Trung Quốc xác định là ngành mới nổi chiến lược. 

Theo CAAC, quy mô lĩnh vực này hiện đã vượt mốc 500 tỉ nhân dân tệ (khoảng 70 tỉ USD) vào năm 2023 và dự kiến sẽ gấp 4 lần, đạt 2.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2030.■

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung và các hạn chế công nghệ ngày càng mở rộng của Washington với Bắc Kinh nhằm cố gắng kìm hãm năng lực công nghệ của Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh cho thấy họ vẫn có thể dẫn đầu và dẫn dắt thế giới ở một số công nghệ mới nổi như thế nào. Những gì đang xảy ra ở Vũ Hán và Thâm Quyến sẽ được theo dõi kỹ lưỡng trên toàn cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận