Việc Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng bị điều tra làm dấy lên nhiều suy đoán về mối quan hệ dây mơ rễ má giữa các quan chức và doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc - Ảnh: China News Service
Chiến dịch được phát động không lâu sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm rõ hơn khái niệm "thịnh vượng chung".
Trong đó, ông yêu cầu điều chỉnh các thu nhập cao quá mức và ngăn chặn những nguồn thu bất hợp pháp, hướng tới việc mọi người dân đều được sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngăn xung đột lợi ích
Ngày 21-8, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo đang điều tra bí thư Hàng Châu là Chu Giang Dũng vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật".
Trước đó, hôm 19-8, cựu bí thư Thành ủy Hồ Châu (cũng thuộc Chiết Giang) là Mã Tiểu Huy đã đầu thú trước những cáo buộc tương tự.
Vụ việc của ông Chu gây xôn xao mạng xã hội Weibo những ngày qua, bởi đây là quan chức Đảng cấp cao nhất bị điều tra từ sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017).
Theo Hàng Châu Nhật Báo, sau khi có quyết định điều tra Bí thư Chu, Ban thường vụ Thành ủy Hàng Châu nhóm họp ngay trong đêm và triệu tập tất cả quan chức trong ngày chủ nhật (22-8).
Ngày 23-8, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Hàng Châu yêu cầu các quan chức chính quyền tự kiểm tra, chấn chỉnh quan hệ với doanh nghiệp tư nhân.
Cơ quan này liệt kê ra 10 tình huống có thể dẫn tới xung đột lợi ích và yêu cầu những ai đang trong tình huống đó nên khắc phục ngay trong vòng 3 tháng.
Các tình huống được nêu ra gồm những khoản vay bất hợp pháp của quan chức, việc kinh doanh của vợ/chồng hoặc con cái họ. Nếu vị nào không báo cáo việc làm ăn của vợ/chồng hoặc con cái sẽ đối mặt với "hình phạt nghiêm khắc" vì bị nghi ngờ lạm quyền trục lợi.
Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 25.000 quan chức đương nhiệm và về hưu hoặc bị miễn nhiệm của Hàng Châu phải thực hiện việc tự kiểm tra, đánh giá.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu kêu gọi dư luận không nên suy đoán quá mức trước khi có thêm chi tiết, song ám chỉ việc điều tra ông Chu có liên quan đến kế hoạch quốc gia nhằm đạt "thịnh vượng chung" đang được thử nghiệm tại Chiết Giang.
Theo giáo sư Gan Chaoying thuộc Trường luật Đại học Bắc Kinh, truy quét tham nhũng là việc cần thiết để tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp tư nhân bởi đây là lực lượng quan trọng hướng tới mục tiêu "thịnh vượng chung" của Trung Quốc.
Thử nghiệm Chiết Giang
Trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và tài chính trung ương Trung Quốc ngày 17-8, ông Tập nhấn mạnh "thịnh vượng chung là yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội và hiện đại hóa kiểu Trung Quốc".
Theo Hãng tin Tân Hoa xã, 5/7 thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã dự cuộc họp đó và đưa ra nhiều kêu gọi, bao gồm thông điệp "các nhóm thu nhập cao, doanh nghiệp trả lại cho xã hội nhiều hơn".
Theo Hãng tin Bloomberg, khái niệm "thịnh vượng chung" được lãnh tụ Mao Trạch Đông nêu ra đầu tiên nhưng biến mất khi ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền và chỉ mới xuất hiện trở lại năm ngoái.
Tần suất ông Tập nhắc đến khái niệm này ngày càng nhiều, với 65 lần tính từ đầu năm 2021 đến nay so với 30 lần của cả năm 2020. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ quyết liệt hơn trong việc điều chỉnh phân bổ của cải xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Chiết Giang không chỉ là tỉnh có đóng góp GDP lớn thứ tư Trung Quốc mà còn là nơi ông Tập từng lãnh đạo trước khi nắm đỉnh cao quyền lực. Những yếu tố này góp phần lý giải vì sao địa phương này được kỳ vọng nhiều nhưng cũng đối mặt không ít áp lực.
Tháng trước, trong nỗ lực hướng tới "thịnh vượng chung", Chiết Giang công bố kế hoạch chi tiết nhằm nâng thu nhập bình quân đầu người lên 75.000 NDT (11.563 USD) vào năm 2025.
Chính quyền tỉnh cũng khuyến khích người lao động thương lượng tập thể về tiền lương, cổ vũ nông dân khởi nghiệp và yêu cầu các công ty tăng mức chia cổ tức...
Chiến dịch đặc biệt ở Hàng Châu không chỉ nhằm mục tiêu truy quét tham nhũng mà còn phát tín hiệu răn đe các quan chức cấp tỉnh khác.
"Hàng Châu đã trở thành một trong những thành phố giàu có nhất Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân. Nền kinh tế thị trường phát triển cao đã tạo ra những thách thức lớn trong việc thiết lập quan hệ lành mạnh giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp", một chuyên gia chống tham nhũng bình luận với Thời Báo Hoàn Cầu.
Mô hình ôliu
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc họp ngày 17-8, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định nhiệm vụ là mở rộng nhóm thu nhập trung bình, tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh hợp lý nhóm thu nhập cao và ngăn chặn thu nhập bất hợp pháp.
Nếu thực hiện thành công, mô hình phân bổ thu nhập tại Trung Quốc sẽ có hình dạng tương tự trái ôliu, trong đó tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn nhất ở giữa, tầng lớp thượng lưu và bình dân nhỏ hơn ở hai đầu.
Đây được xem là mô hình bền vững, tạo ra ổn định và ít phát sinh xung đột giai cấp hơn so với mô hình kim tự tháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận