Lực lượng tuần duyên Nhật tăng cường sức mạnh gần đây để ứng phó với những cuộc xâm nhập khiêu khích của TQ - Ảnh: AFP |
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho biết các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc đã tiếp cận không phận Nhật Bản trên biển Hoa Đông hôm 27-11, trước khi tiến sâu về phía tây Thái Bình Dương.
Người phát ngôn lực lượng không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) mô tả mục đích chuyến tuần tra là để xác nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh tuyên bố hồi tháng 12-2013.
Việc PLAAF công khai mục tiêu của cuộc tuần tra trên không một lần nữa cho thấy Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ tham vọng lãnh thổ, nếu không muốn nói là ngày càng bộc lộ rõ hơn.
Bản chất ADIZ trên biển Hoa Đông đã gây tranh cãi từ khi được đơn phương tuyên bố: nó được Bắc Kinh khoanh vùng đơn phương, không ai công nhận; mặt khác, khu vực này lại nằm sát các đảo Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật và các mỏ khí đốt.
Biểu dương sức mạnh
IHS Jane’s đánh giá phi đội mà PLAAF triển khai hôm 27-11 “có quy mô lớn khác thường” so với trước nay.
Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết có tám máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6K và ba máy bay do thám, cảnh báo sớm tham gia màn “trình diễn”.
Các bức hình chụp từ chiến đấu cơ của Lực lượng phòng vệ Nhật xác nhận một nhóm oanh tạc cơ H-6K thuộc trung đoàn 28, sư đoàn 10 PLAAF đóng tại An Khánh, cách Thượng Hải 450km về phía đông.
Các máy bay ném bom Trung Quốc được một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AEW&C) KJ-200 hộ tống trước khi tách ra thành hai đội hình ở phía tây đảo Okinawa, nơi có một căn cứ hải quân lớn của Mỹ.
Một nhóm tiếp tục tuần tra trong khu vực ADIZ Bắc Kinh tuyên bố cuối năm 2013, nhóm thứ hai bay qua quần đảo Ryukyu và eo biển Miyako gần đảo Miyakojima của Nhật trước khi thẳng tiến về hướng tây Thái Bình Dương thêm 1.000km.
Hai máy bay tình báo điện tử Tupolev Tu-154MD và Thiểm Tây Y-8CB xuất hiện tháp tùng nhóm sau.
Đáng chú ý, các máy bay ném bom mà PLAAF điều động lần này chỉ mới được bổ sung vào lực lượng năm 2011.
Chiếc Tây An H-6K dùng hai động cơ Soloviev của Nga, có tầm hoạt động trên 3.500km. Nó có thể mang theo sáu tên lửa hành trình như tên lửa không đối đất DF-10 tầm bắn 2.000km, tên lửa chống hạm YJ-12 tốc độ Mach 4, tầm bắn 250-400km...
Nhà nghiên cứu chiến lược Peter Dutton ở Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, thuộc ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định cuộc diễn tập ngày 27-11 là một hoạt động “bình thường” đối với Trung Quốc và sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai.
Đây là một cách để Bắc Kinh khoe khả năng quân sự của mình, mặc dù nó có thể khiến các nước láng giềng trở nên cảnh giác.
Khoe cơ bắp để được nể nang
Bình luận trên báo Business Insider, cây bút Armin Rosen nhận định chuyến tuần tra của phi đội ném bom PLAAF cho thấy Bắc Kinh đã thành công trong việc thể hiện mình đang nắm quyền kiểm soát an ninh khu vực ở một mức độ nào đó.
Lộ trình của máy bay Trung Quốc đã đi vào vùng ADIZ của Nhật trước khi tiến tới khu vực được Trung Quốc gọi là “Chuỗi đảo thứ hai” - loạt đảo trên Thái Bình Dương, bao gồm đảo Mariana và Guam thuộc Mỹ.
Theo ông Rosen, Trung Quốc tăng cường năng lực hoạt động quân sự tại khu vực này như một phần của kế hoạch địa chiến lược lớn.
Bắc Kinh tin rằng chìa khóa dài hạn cho an ninh quốc gia là chứng tỏ sức mạnh ngoài khơi với các khí tài như hàng không mẫu hạm, máy bay tầm xa và thậm chí tên lửa đạn đạo.
Hành động thị uy được xem là hàng rào chiến lược Trung Quốc dựng lên để đối phó sự mất ổn định trong tương lai.
Cùng chia sẻ ý kiến này, học giả Dutton nói theo quan điểm của Bắc Kinh, hành động biểu dương sức mạnh có thể giúp Trung Quốc “tránh khỏi các cuộc xung đột” trên biển Hoa Đông và Biển Đông - một kiểu dọa dẫm các nước láng giềng.
Ông Dutton cho rằng chuyến tuần tra hôm 27-11 cũng có thể mang mục đích “nhắc nhở” Đài Loan về khả năng quân sự của Trung Quốc.
Tướng Trung Quốc: đấu với Nhật là thua ngay Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia Review cho biết trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa xuất hiện bài của tướng không quân Lưu Á Châu. Bài viết cho rằng Trung Quốc phải nỗ lực hết sức để tránh gây mâu thuẫn với Nhật Bản, đồng thời cảnh báo rằng thực hiện một động thái sai lầm có thể khiến chính phủ rơi vào sự bất ổn. Ông Lưu viết: “Hải quân Nhật Bản tuyên bố một khi chiến tranh nổ ra, họ sẽ quét sạch hạm đội Biển Hoa Đông của Hải quân Trung Quốc chỉ trong vòng bốn giờ, đó không phải là lời nói khoác”. Ông nói thêm nếu chiến tranh nổ ra và Trung Quốc không thắng, các vấn đề quốc tế sẽ biến thành các vấn đề trong nước. Tướng Lưu vốn là người nổi tiếng với lập trường diều hâu chống Nhật, nhưng thái độ chống Nhật hoàn toàn vắng bóng trong bài báo này. Chẳng hạn, ông nhấn mạnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn liên quan đến quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, không phải là vấn đề lớn trong quan hệ song phương. Ông cũng đặt quan hệ với Nhật Bản quan trọng ngang hàng với quan hệ Trung - Mỹ. Đây là sự quay ngoắt 180 độ của một người mà hai năm trước còn hỗ trợ sản xuất một bộ phim tài liệu nói rằng Mỹ có âm mưu lật đổ Trung Quốc. Theo nguồn tin của một chuyên gia an ninh quốc gia Trung Quốc, bài báo của tướng Lưu thực chất là một nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình để thuyết phục quân đội rằng Trung Quốc chưa có khả năng đối đầu quân sự với Mỹ tại Biển Đông, một cuộc xung đột mà Trung Quốc khó có cơ hội thắng và có thể làm suy yếu sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các vấn đề đối nội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận