Trung Quốc: Trong “nguy” có “cơ”?

H.MINH 13/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Trong khi Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga đối phó phần nào các lệnh trừng phạt của phương Tây, có những hạn chế và tính toán khác về lợi ích và trong hành động của Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, nước này đã tuyên bố tăng nhập khẩu nhiên liệu và các sản phẩm nông nghiệp Nga, nhưng những động thái này sẽ mất nhiều năm mới mang lại lợi ích thực tế cho nền kinh tế Nga. 

 
 Ảnh: Getty Images

Hơn nữa, nếu Mỹ và châu Âu đóng cửa với các sản phẩm năng lượng của Nga, thì phần mua tăng thêm từ Trung Quốc sẽ không thể nào bù đắp được.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng cần cân nhắc để không gây thêm đối đầu với phương Tây, ở một thời điểm nhạy cảm là Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức trong năm nay, khi Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phá vỡ tiền lệ cũ và tiếp tục ngồi lại cho nhiệm kỳ thứ ba. 

Trong hội nghị thượng đỉnh ngày 4-2, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã công bố những thỏa thuận dầu và khí đốt trị giá 117,5 tỉ đôla, bao gồm việc Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ mua 100 triệu tấn dầu thô từ nhà sản xuất lớn nhất của Nga, Rosneft. 

Dù thỏa thuận sẽ có hiệu lực ngay lập tức, các hợp đồng được trải dài một thập niên, và sẽ mất nhiều năm nữa Nga mới thu được tiền.

Một thỏa thuận khác là Trung Quốc mua 10 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ công ty khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom, nhưng thỏa thuận này dự kiến chỉ được triển khai vào khoảng năm 2026, khi công trình đường ống dẫn khí xuyên biên giới mới hoàn thành. 

Hiện Nga đang bán cho Trung Quốc 16 tỉ mét khối khí mỗi năm qua đường ống Sức mạnh Siberia-1. Tuy nhiên, toàn bộ khí đốt Nga có thể bán cho Trung Quốc vẫn ít hơn nhiều so với 55 tỉ mét khối dự kiến chảy qua đường ống Dòng phương bắc 2 tới Đức, mà nay đã bị đình chỉ. 

Đó là chưa kể Dòng phương bắc 1, với cũng từng ấy công suất, hiện đứng trước nguy cơ bị châu Âu từ chối nốt. Ước tính toàn bộ xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc chỉ chiếm không tới 10% tổng lượng khí Gazprom đang bán cho châu Âu.

Về nông nghiệp, Trung Quốc thực tế đang tự sản xuất hầu hết lúa mì và chỉ nhập khẩu một phần nhỏ từ Nga: không tới 1% trong 10 triệu tấn lúa mì nhập khẩu của Trung Quốc năm 2021 (hơn 50% là nhập từ Mỹ và Canada).

Không có gì lạ khi trong mối quan hệ song phương này, Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong. Bloomberg ngày 8-3 cho biết Trung Quốc thậm chí đang cân nhắc mua lại cổ phần nhiều công ty nhiên liệu và khoáng sản của Nga, bao gồm cả Gazprom và hãng sản xuất nhôm hàng đầu thế giới Rusal.

Cần nhắc rằng CNPC vốn đã nắm giữ lần lượt 20% và 10% cổ phần trong các dự án khí hóa lỏng Yamal và Arctic 2 của Nga. Bloomberg nói Nga đã trở thành thị trường “gần như không thể đầu tư” với các công ty toàn cầu sau những lệnh cấm vận từ phương Tây. 

Tuy nhiên, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc có thể không nhìn nhận như vậy, nhất là trong bối cảnh đồng rúp đang giảm giá không phanh so với đồng nhân dân tệ, khiến các tài sản ở Nga trở nên rẻ bất ngờ với Trung Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận