Trung Quốc: Trẻ ngại sinh, già đông đúc

CẢNH CHÁNH 01/03/2023 11:27 GMT+7

TTCT - Năm 2022 là lần đầu tiên kể từ năm 1950, tỉ lệ sinh ở Trung Quốc xuống mức dưới 10 triệu trẻ/năm. Ngoài ra, tỉ suất sinh bước vào năm thứ ba liên tiếp thấp hơn 1%.

Mỗi lần nước này công bố số liệu về dân số lại gây xôn xao dư luận, lần này cũng không ngoại lệ.

Trẻ em Trung Quốc vui chơi ở trường mẫu giáo. Ảnh: sohu.com

Trẻ em Trung Quốc vui chơi ở trường mẫu giáo. Ảnh: sohu.com

Ngày 17-1, Cục Thống kê Trung Quốc công bố dân số tính đến cuối năm 2022 của nước này là 1,41175 tỉ, giảm 850.000 người so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022 chỉ có thêm 9,56 triệu trẻ ra đời, tỉ suất sinh là 6,77 trẻ/1.000 người; trong khi số người tử vong là 10,41 triệu, tỉ suất tử là 7,37 người chết/1.000 người; do đó tỉ lệ tăng dân số tự nhiên đã về dưới không: -0,6/1.000 người, theo Chinanews.

Quy mô gia đình giảm, kết hôn trễ

Thông tin từ Diễn đàn Phát triển dân số Trung Quốc lần III tổ chức ngày 11-2 vừa qua cho biết hiện nước này đang phải đối mặt với sự thay đổi về quy mô gia đình và dân số. Tỉ lệ sinh thấp và gia đình quy mô nhỏ ngày càng nhiều. Quy mô gia đình bình quân năm 2020 ở Trung Quốc là 2,62 người, giảm 0,48 người so với năm 2010, đồng nghĩa các gia đình "tam đại đồng đường" truyền thống đang dần biến mất.

Độ tuổi kết hôn lần đầu cũng ngày càng trễ. Năm 1980, độ tuổi kết hôn lần đầu bình quân là 22 tuổi, đến năm 2020 đã là 26,3 tuổi (độ tuổi sinh sản lần đầu năm 2022 là 27,2 tuổi). Số con bình quân mà phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn sinh là 1,64 con (2021), trong khi năm 2017 là 1,76 và 2019 là 1,73 con. Chưa hết, những người thuộc thế hệ 9X, 10X, vốn là nhóm độ tuổi lý tưởng để kết hôn và sinh con, chỉ muốn sinh 1,54-1,48 con. Số con trung bình của phụ nữ đã có con cũng giảm rất mạnh trong quãng thời gian rất ngắn, từ 1,63 năm 2019 chỉ còn 1,19 con năm 2022.

Ông Vương Bồi An, phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, chia sẻ trên tờ Nam Phương Đô Thị báo, theo điều tra năm 2021 của Trung tâm nghiên cứu phát triển dân số với phụ nữ dưới 35 tuổi, chỉ 70% cho rằng "phải sinh con cuộc sống mới trở nên hoàn hảo". Tỉ lệ phụ nữ không sinh con tăng, từ 6,1% năm 2015 lên 10% năm 2020. Hiện Trung Quốc có 690 triệu phụ nữ, tức có khoảng 70 triệu phụ nữ không sinh con.

Tỉ lệ kết hôn năm 2000 là 6,7%/1.000 người, đến năm 2013 tăng lên 9,9%/1.000 người; nhưng sau đó giảm dần, đến 2020 chỉ còn 5,8%. Trong khi đó, tỉ lệ ly hôn từ 0,96%/1.000 người năm 2000 tăng lên 3,1%/1.000 người năm 2020, theo china.com.

Nhiều nguyên nhân

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cho rằng có ba nguyên nhân khiến dân số nước này giảm: (1) quy mô dân số nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, nhất là nhóm phụ nữ thuộc độ tuổi sinh đẻ tốt nhất; (2) quan niệm hôn nhân của giới trẻ đã thay đổi, ý định sinh con ngày càng thấp; (3) sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng của các yếu tố về nhà ở, giáo dục, nghề nghiệp khiến chi phí sinh và nuôi con tăng, giới trẻ sợ sinh con.

Theo điều tra của trang kết bạn clady.cn với hơn 9.106 người vào cuối năm 2022, 70% lo lắng về tình trạng độc thân nhưng chỉ 20% có kế hoạch "thoát ế". Lý do độc thân là quá bận rộn, thứ hai là không thích giao tiếp, thứ ba là không có cảm xúc, và cuối cùng là từng có những mối tình không vui vẻ nên không muốn yêu nữa.

Bà Cao Cúc, chuyên viên phòng nghiên cứu phát triển Viện Nghiên cứu phát triển dân số Quảng Đông, chia sẻ với tờ Nam Phương nhật báo, bà từng tham gia điều tra về quan điểm hôn nhân sinh con ở Quảng Châu, kết quả cho thấy chỉ có 17,9% phụ nữ tán thành việc "nuôi con để cậy lúc về già".

Tờ Hoa thương báo (Thiểm Tây) đã phỏng vấn người trong cuộc về vấn đề sinh con. Cô La vừa tốt nghiệp, chưa có ý định kết hôn sinh con, trước mắt chỉ muốn sống vì mình, thế giới còn nhiều điều mới mẻ phải khám phá. Nuôi con phải có trách nhiệm, khi làm mẹ, áp lực kinh tế và tinh thần sẽ rất lớn. Cô cho rằng làm mẹ sẽ bị ràng buộc, xã hội chưa có chế độ chính sách bảo trợ cho trường hợp mẹ đơn thân. Nếu sau này, chính sách hỗ trợ hoàn thiện, đủ điều kiện kinh tế, tư tưởng chín chắn sẽ suy nghĩ làm mẹ đơn thân.

Cô Hàn (27 tuổi) ở Tân An đang chuẩn bị kết hôn, cô cho biết sẽ sinh con. Hiện chi phí cho việc sinh con quá cao, trong quá trình nuôi con, người mẹ phải hy sinh rất nhiều. Một số ông bố thiếu trách nhiệm không quan tâm đầy đủ tới vợ, thêm thông tin tiêu cực khiến nhiều chị em nhắc đến sinh con là sợ.

Tờ báo trích dẫn ý kiến một số cư dân mạng: Phụ nữ chăm sóc con phải tách rời xã hội, chịu áp lực về kinh tế, tinh thần, giáo dục, ngoài ra còn phải gánh vác trách nhiệm kiếm tiền, làm phụ nữ khó thật! Phụ nữ lấy chồng sinh con đều có thể ảnh hưởng đến chức vụ công việc, thậm chí thất nghiệp, đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết trước tiên; sự hy sinh của phụ nữ đối với gia đình không được công nhận, do đó phụ nữ không dám sinh con.

Một anh nhân viên văn phòng cho biết sinh xong con thứ hai cảm thấy hối hận liền, vì công việc quá bận, bố mẹ hai bên đều lớn tuổi không thể phụ chăm cháu, thuê người làm thì tốn tiền mà không an tâm, cuối cùng vợ phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Mặc dù thu nhập sáu con số một năm nhưng anh vẫn cảm thấy áp lực vì chi tiêu trong nhà đều do một mình anh gánh vác. Đó cũng là nỗi lòng của không ít thanh niên ngày nay.

Còn bác sĩ Vu Trọng Huân, khoa nhi Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh, chia sẻ với tờ Thanh Niên Trung Quốc rằng phụ nữ không sinh con còn có lý do các ông chồng không quan tâm hay chưa chuẩn bị tinh thần làm bố. Ông từng chứng kiến một bà mẹ bỉm sữa nói xuất viện sẽ ly hôn ngay, lý do là ông chồng không dẫn cô đi khám thai lần nào.

Nhiều chính sách khuyến khích

Biện pháp được áp dụng nhiều nhất là trợ cấp sinh đẻ, như trợ cấp sinh con thứ ba ở đặc khu Thâm Quyến là 19.000 tệ (2.700 USD); mới đây Thâm Quyến trưng cầu ý dân về việc mở rộng đối tượng nhận trợ cấp sinh đẻ cho cả những trường hợp sinh đầu và con thứ hai. Tỉnh Hồ Nam có chế độ tặng một suất mua nhà cho gia đình sinh hai con trở lên, kèm trợ cấp một lần 10.000 tệ. Thành phố Kinh Môn tỉnh Hồ Bắc còn có chính sách trợ cấp mua nhà cho người sinh con thứ hai hay thứ ba từ 20.000 đến 40.000 tệ, theo china.com.

Nhằm giảm bớt gánh nặng kết hôn, ngày 13-2, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đã ra văn bản chỉnh đốn vấn nạn tổ chức đám cưới xa hoa và sính lễ quá mức, chủ yếu xảy ra ở vùng nông thôn, khiến nhiều nam thanh niên không thể lấy vợ.

Tỉnh Vân Nam còn kêu gọi sinh viên đại học quyên tặng tinh trùng, hỗ trợ các trường hợp vô sinh, mỗi lần quyên tặng được hỗ trợ 4.500 tệ, nhiều nhất là 7.000 tệ, theo Chinanews.

Tứ Xuyên thì thông báo bỏ quy định phải kết hôn mới được đăng ký sinh đẻ, đơn giản hóa thủ tục đăng ký sinh đẻ. Quy định này lại khiến dư luận lầm tưởng đang khuyến khích làm mẹ đơn thân, theo Tứ Xuyên nhật báo. Tuy nhiên theo giáo sư Dương Cúc Hoa - Học viện Dân tộc và xã hội Đại học Dân tộc trung ương, việc bỏ quy định kết hôn mới được đăng ký sinh đẻ thể hiện tính bao trùm của chính sách sinh đẻ, tạo thuận lợi cho bà mẹ đơn thân. Các tỉnh Quảng Đông và An Huy đều đã có quy định tương tự nhằm bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ đơn thân.

Giáo sư Kiều Hiểu Xuân, Viện nghiên cứu dân số Đại học Bắc Kinh, ngày 18-2 trả lời phỏng vấn tờ Zhengguannews cho rằng muốn khuyến khích giới trẻ sinh con phải giải quyết vấn đề dân sinh và áp lực giới trẻ đang gặp phải. Hiện không phải giới trẻ không muốn sinh con mà là không có sức lực, chủ yếu là áp lực về chi phí nuôi dưỡng, nhà ở và việc làm. ■

Xin chuyên gia đừng kiến nghị nữa

Nhiều chuyên gia cũng hiến kế, như kiến nghị giảm độ tuổi kết hôn, tức 18 tuổi có thể kết hôn, thanh niên chưa có việc làm có thể kết hôn sinh con trước; sinh con được khen thưởng, còn không sinh con sẽ bị phạt, bị giảm mức hưởng bảo hiểm xã hội, lương hưu, không được bảo đảm nhà ở; có chuyên gia cho rằng muốn nâng cao tỉ suất sinh phải trông chờ vào thế hệ 8X, 7X thôi, chứ thế hệ 9X, 10X đã buông xuôi rồi.

Theo tờ Thanh Niên Trung Quốc, ý kiến chuyên gia gặp phải sự phản đối của thanh niên nước này. Thế hệ 7X, 8X phản bác, khó khăn lắm mới nuôi con lớn tôi không dại đâu. Còn 9X thì mừng rỡ: cảm ơn chuyên gia tha cho con. Thanh niên cho rằng họ không kết hôn là do áp lực cuộc sống, nhà nước nên tìm cách nhanh chóng nâng cao mức thu nhập của người dân; theo họ 20 tuổi kết hôn vẫn còn quá sớm. Giới trẻ kiến nghị chuyên gia không nên kiến nghị thêm nữa, hy vọng họ suy nghĩ trên lập trường lợi ích của thanh niên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận