Công nhân tại một xưởng sản xuất tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Con số này đánh dấu sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra đầu năm ngoái.
Lo lắng viễn cảnh
Trước đó, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 6-6,5% cho năm 2019. Như vậy, tăng trưởng quý 3 của Trung Quốc chạm đáy kỳ vọng. Báo New York Times (Mỹ) cho rằng điều này khiến giới quan sát lo lắng hơn bao giờ hết cho viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc, dù nước này vẫn tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào khác.
Song song đó, nhập khẩu giảm 8,5% cho thấy thị trường tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc đang gặp trục trặc. Đầu tư tài sản cố định trong năm cho tới tháng 9 tăng 5,4%, thấp hơn mức 5,5% theo kỳ vọng từ các chuyên gia và cả số liệu từ tháng 8. Chỉ số này là thước đo chi tiêu cho các hạng mục bao gồm cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc và thiết bị.
Các chuyên gia nhận định nỗ lực kiểm soát cơn khát vay vốn và các ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại đang làm trì trệ sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Những vấn đề khác cũng dần trầm trọng hơn, ngành sản xuất xe hơi, bất động sản của Trung Quốc cùng suy giảm, trong khi dịch tả khiến các đàn heo tại đây chết ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 18-10, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, ông Mao Thịnh Dũng cố gắng trấn an người dân khi cho rằng mức tăng trưởng như hiện nay vẫn không tồi nếu đặt trong bối cảnh đầy khó khăn trên toàn cầu. "Nền kinh tế quốc gia nhìn chung vẫn ổn định, cấu trúc kinh tế liên tục được tối ưu hóa, đời sống người dân và an sinh xã hội ngày càng được cải thiện" - ông Mao nói.
Vì sao giảm tốc?
Mặc cho những lời trấn an này, báo New York Times nhận định Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn bao giờ hết.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng áp thuế bổ sung đối với nhiều loại hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, căng thẳng giữa hai nước cũng tăng cao.
Thế nhưng, chuyên gia lâu năm về Trung Quốc của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, ông Nicholas Lardy cho rằng các loại thuế quan của Mỹ vẫn chỉ là một phần nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Bằng chứng là xuất khẩu tới Mỹ chỉ chiếm 4% trong quy mô kinh tế nước này.
Thực tế "bánh xe" kinh tế Trung Quốc "quay chậm lại" phần lớn do thị trường nội địa. Bắc Kinh còn miễn cưỡng trong việc ép nền tài chính vốn ngập trong nợ của mình chịu cho vay nhiều hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.
Với sức mua yếu đi, doanh số xe hơi tại Trung Quốc đã tụt giảm. Vấn đề nằm ở chỗ hoạt động buôn bán xe chiếm đến 5% đầu ra kinh tế của Trung Quốc, theo các con số chính thức. Điều này cho thấy công nghiệp xe hơi chiếm vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nước này còn hơn xuất khẩu tới Mỹ. Hoạt động bán lẻ xe hơi đã giảm 6,6% trong tháng 9 so với một năm trước.
Cùng lúc đó, thị trường bất động sản suy yếu cũng góp phần khiến người tiêu dùng không còn chi mạnh như trước. Cuối cùng, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc còn tiếp tục giảm sâu trong tháng 9.
Theo ông Mark Webster - chuyên gia tại Ngân hàng đầu tư BDA Partners, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc đã bắt đầu tái phân bổ vốn ra nhiều khu vực khác trên thế giới trong vòng 18 tháng qua.
Điểm sáng công nghiệp
Nền công nghiệp Trung Quốc vẫn phát triển tốt hơn dự đoán. Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 5,8%, vượt kỳ vọng 4,9% của các chuyên gia và cải thiện so với tăng trưởng 4,4% của tháng trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận