Diễn đàn năm nay là cơ hội quan trọng để quan sát và hiểu biết về nền kinh tế và chính trị Trung Quốc, trong bối cảnh thế giới đầy những rủi ro và thách thức từ căng thẳng kinh tế âm ỉ giữa Bắc Kinh và phương Tây, cũng như từ sự bất ổn an ninh khi các điểm nóng địa chính trị xuất hiện trên khắp thế giới.
Diễn đàn diễn ra sau khi Báo cáo triển vọng của các nhà kinh tế trưởng của WEF được công bố vào cuối tháng 5 vừa qua chỉ ra "sự lạc quan thận trọng" đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó những điểm sáng đang nổi lên bao gồm cả "hoạt động tăng trưởng liên tục ở các nền kinh tế châu Á".
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở ngại đối với sự bất ổn kinh tế toàn cầu.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Trung Quốc Lý Cường đã kêu gọi các nước trên thế giới "phản đối việc phân tách" giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn ở phương Tây đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh.
Đây là một phản ứng không có gì bất ngờ khi trong Diễn đàn Kinh tế mùa hè năm ngoái tại thành phố Thiên Tân, Thủ tướng Lý Cường cũng đã đưa những thông điệp phản ứng công khai mạnh mẽ đối với một loạt chính sách hạn chế của phương Tây đối với nền kinh tế Trung Quốc mà ông gọi là "chính trị hóa các vấn đề kinh tế".
Mâu thuẫn giữa phương Tây và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gia tăng trong những năm gần đây trong nỗ lực giành quyền thống trị về công nghệ tiên tiến.
Tháng trước, Mỹ đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 18 tỉ USD từ Trung Quốc, nhắm vào các lĩnh vực chiến lược như xe điện, pin, thép và khoáng sản quan trọng - một động thái mà Bắc Kinh cảnh báo sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ" giữa hai nước.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang đối mặt với việc Liên minh châu Âu đưa ra lý do lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh nên áp dụng mức thuế mới với xe điện Trung Quốc lên tới 38% từ ngày 4-7.
Mặc dù WEF Đại Liên không có sự xuất hiện của nhiều nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới, nhưng đây là cơ hội để Trung Quốc tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác cũng như giới thiệu văn hóa Trung Quốc trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Trong năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 23 năm.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì quỹ đạo tăng trưởng trong năm nay do tiềm năng to lớn về thị trường tiêu dùng, năng lực sản xuất và cải cách mở cửa sâu rộng ở khu vực nông thôn.
Nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc. Ngân hàng Barclays hôm 24-6 đã nâng mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2024 từ 4,4% trước đó lên 5%.
Trước đó, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này vào năm 2024 lên 5% nhờ tốc độ tăng trưởng GDP quý đầu tiên năm 2024 mạnh mẽ và các biện pháp chính sách gần đây. Diễn đàn lần này cũng là một phần trong các chính sách tìm kiếm cơ hội tạo động lực cho đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận