Một số sản phẩm trưng bày tại Hội nghị Robot thế giới tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 8-2017 - Ảnh: REUTERS
Toàn cầu hóa và công nghệ không dây đã liên kết các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc theo những cách chưa từng có trước đây. Đây là đúc kết của giới quan sát sau hội thảo Mobile World Congress vừa diễn ra ở thành phố San Francisco (Mỹ) trong tuần qua.
Sau đây là một số ví dụ cho thấy Trung Quốc đang dần trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu và sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nó đối với Mỹ, theo tạp chí Fortune.
1. Trung Quốc muốn bán điện thoại cho dân Mỹ
ZTE không phải là một thương hiệu phổ biến ở Mỹ nhưng đây là một trong các công ty viễn thông kiêm sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc.
Ông Lixin Cheng, giám đốc điều hành mảng điện thoại của ZTE, giải thích rằng công ty này muốn chiếm thị phần nhiều hơn ở Mỹ bằng cách bán điện thoại thông minh rẻ hơn của Apple và Samsung.
ZTE gần đây đã vung tiền ra tài trợ cho đội bóng rổ Golden State Warriors tham gia giải thi đấu NBA Championship. Đây là cách để ZTE được biết đến nhiều hơn bên ngoài Trung Quốc, theo giám đốc Cheng.
Ông Cheng nhận xét dù cạnh tranh ngày càng tăng, các công ty Mỹ và Trung Quốc vẫn còn dựa vào nhau rất nhiều.
Một ví dụ cụ thể: điện thoại Trung Quốc không thể nào bùng nổ nếu không có hệ điều hành Android của hãng Google, trong khi thị trường smartphone của Mỹ không thể cất cánh nếu không có nền sản xuất của Trung Quốc.
2. Trung Quốc phủ sóng không dây tốt hơn Mỹ
Mỹ có thể là số 1 về nghiên cứu công nghệ, nhưng Trung Quốc xây được cơ sở hạ tầng không dây tốt hơn, giúp nhiều người có thể truy cập vào Internet từ nhiều địa điểm.
Một phần lý do là chính sách của Trung Quốc cho phép các công ty viễn thông xây cột thu phát sóng dễ dàng hơn, trong khi ở Mỹ các công ty này phải thông qua hàng loạt cơ quan quản lý.
Kết quả là Trung Quốc có số lượng cột thu phát sóng nhiều hơn 10 lần so với Mỹ.
3. Công ty Mỹ kiếm lời từ tăng trưởng ở Trung Quốc
Ông James Crawford - giám đốc điều hành công ty Orbital Insight, cho biết việc nghiên cứu hình ảnh vệ tinh chụp ở Trung Quốc tạo ra một cách mới để kiếm tiền.
Orbital Insight dùng hình ảnh vệ tinh để xác định các kho chứa dầu thô trên khắp thế giới. Bằng cách ước lượng số thùng dầu, khách hàng của họ - các công ty và nhà đầu tư có được một khái niệm về kho dự trữ dầu của thế giới.
Bằng cách lập trình giúp phần mềm nhận diện kho chứa dầu trên hình ảnh vệ tinh, ông Crawford cho biết họ đã phát hiện ra 200 triệu thùng dầu ở Trung Quốc, vốn trước đó không ai nhìn thấy.
4. Các công ty Trung Quốc đang gom dữ liệu để phát triển AI
Mùa hè vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã hạ quyết tâm trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực "hot" nhất hiện này là trí tuệ nhân tạo (AI).
Một cách cụ thể, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào các công ty công nghệ, chẳng hạn gã khổng lồ tìm kiếm Baidu và các viện nghiên cứu trong nước để giúp đạt được tham vọng.
Bước tiếp theo của chiến lược này là Trung Quốc sẽ thâu tóm những công ty nắm trong tay khối lượng dữ liệu khổng lồ, có thể giúp các phần mềm AI trở nên hiệu quả hơn, ví dụ như nhận diện gương mặt.
Hồi năm 2012, công ty công nghệ sinh học BGI của Trung Quốc mua lại Complete Genimics, một công ty chuyên về ADN của Mỹ, với giá 118 triệu USD.
Họ không quan tâm đến công nghệ của Complete Genomics hay nhân lực người Mỹ, cái người Trung Quốc cần chính là kho dữ liệu ADN khổng lồ, có khả năng giúp BGI nâng cao khả năng các phần mềm AI của họ.
Trong tương lai gần, các thương vụ tương tự sẽ còn diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận