Cuộc đại cải cách này được kỳ vọng sẽ mở lối đến kỷ nguyên tăng trưởng mới cho nền kinh tế đang giảm tốc.
Kế hoạch cải cách được đưa ra sau hội nghị diễn ra từ ngày 15 đến 17-7, trong đó các quan chức cấp cao Trung Quốc cam kết sẽ "tăng cường cải cách" bằng cách tập trung vào "phát triển chất lượng cao", thúc đẩy nhu cầu trong nước và trao cho chính quyền trung ương nhiều quyền hơn trong chi tiêu.
Cải cách sâu rộng, toàn diện
Kế hoạch công bố ngày 21-7 nhấn mạnh nhiều chủ đề quen thuộc, như đầu tư chính phủ vào sản xuất công nghệ cao và đổi mới khoa học, khi nền kinh tế số 2 thế giới đang chuyển hướng tới một mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ và phát triển bền vững hơn, giữa các cơn gió ngược về kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu.
Theo đó, kế hoạch kêu gọi cải cách hệ thống giáo dục để nuôi dưỡng nhân tài tốt hơn trong các ngành chiến lược, cải thiện kế hoạch thu hút nhân tài ở nước ngoài và mối liên hệ mạnh mẽ hơn giữa các trường đại học với các ngành công nghiệp. Nó cũng vạch ra vai trò của cả các công ty nhà nước và các công ty tư nhân trong nỗ lực đổi mới.
"Hệ thống công nghiệp tuy có quy mô lớn và phạm vi rộng nhưng vẫn chưa đủ mạnh và tinh vi; sự phụ thuộc quá mức vào các công nghệ then chốt và cốt lõi do người khác kiểm soát về cơ bản vẫn chưa thay đổi" - Tân Hoa xã dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình giải thích.
Một phần quan trọng khác của kế hoạch này là tăng cường cải cách tài chính và thuế, nhằm giải quyết những khó khăn tài chính mà chính quyền địa phương phải đối mặt. Vốn chịu trách nhiệm về phần lớn chi tiêu công nhưng trong những năm gần đây ngân sách của các chính quyền địa phương đã cạn kiệt bởi nợ quá hạn và doanh thu từ ngành bất động sản giảm.
Cải cách mới đưa ra các biện pháp nhằm mở rộng nguồn thu thuế của địa phương, bao gồm từ thuế tiêu dùng. Chính quyền trung ương phải chịu trách nhiệm về chi tiêu của đất nước nhiều hơn và thiết lập cơ chế giám sát nợ địa phương.
Kế hoạch còn bao gồm các cải cách phúc lợi xã hội, cải thiện hệ thống phân phối thu nhập, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, và cải cách sâu rộng hệ thống đất đai. Chính phủ sẽ cung cấp nhiều nhà ở xã hội hơn và trao nhiều quyền hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý thị trường bất động sản.
Đối với lo ngại về tỉ lệ sinh giảm và dân số già, Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện chính sách nghỉ thai sản, thiết lập hệ thống trợ cấp sinh con và sẽ "tăng dần tuổi nghỉ hưu theo luật định một cách thận trọng và có trật tự".
Cuối cùng là các cải cách để củng cố an ninh quốc gia và quân đội giữa lúc "các xung đột và tình trạng hỗn loạn thường xuyên ở các nơi, các vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng cũng như sự kìm kẹp ngày càng gia tăng từ bên ngoài", theo ông Tập.
"An ninh quốc gia là nền tảng quan trọng cho quá trình hiện đại hóa ổn định và bền vững", tài liệu viết.
Vẫn còn yếu tố bất ổn
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia và quan chức Trung Quốc hơn 300 biện pháp cải cách cụ thể cho thấy cuộc cải cách mới của Trung Quốc có mục tiêu cụ thể, thực tế và hướng đến vấn đề hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích nước ngoài hoài nghi những cải cách này có thể thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết vấn đề nợ nần của Trung Quốc. Theo các cây bút Keith Bradsher và Chris Buckley của New York Times, kế hoạch rất ít đề cập đến giải pháp trực tiếp cho vấn đề giá bất động sản lao dốc ở Trung Quốc hay hàng triệu căn hộ chưa hoàn thiện do các chủ đầu tư thất bại để lại.
Năm 2013, Bắc Kinh từng có kế hoạch tương tự nhưng nhiều biện pháp chưa bao giờ được triển khai, chẳng hạn áp dụng thuế bất động sản trên toàn quốc để tăng ngân sách cho chính quyền địa phương.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh cần tái cân bằng nền kinh tế từ đầu tư sang chi tiêu tiêu dùng. Nhưng tài liệu chỉ đưa ra lời kêu gọi ngắn gọn và thận trọng nhằm "tinh chỉnh các cơ chế dài hạn để mở rộng tiêu dùng", theo New York Times.
Kế hoạch cải cách được công bố trong thời điểm Trung Quốc chịu các lệnh trừng phạt và tăng thuế quan từ nhiều nước, khiến việc nhập khẩu công nghệ thiết yếu như chất bán dẫn trở nên khó khăn hơn.
Bắc Kinh kỳ vọng những cải cách sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và an ninh dưới sự lãnh đạo của chính phủ. Tuy nhiên, "việc đặt cược toàn bộ vào sản xuất và lực lượng sản xuất mới có thể không đủ vì nó chứa đầy sự không chắc chắn", Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà kinh tế cấp cao nhận định.
Chuyên gia Bert Hofman thuộc Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore hy vọng Trung Quốc sẽ đưa ra gói cải cách chi tiết trong hệ thống tài chính trong tương lai gần.
"Hệ thống tài chính cơ bản không thay đổi nhiều kể từ năm 1994 và nó cần một cuộc cải cách lớn để đáp ứng các mục tiêu của xã hội Trung Quốc hiện nay và trong tương lai" - tờ Straits Times dẫn lời ông Hofman, cựu giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, đánh giá.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất
Không chờ động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 22-7 bất ngờ cắt giảm một số lãi suất chủ chốt để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, mức lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày được hạ từ 1,8% xuống 1,7%, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,45% xuống 3,35% và kỳ hạn 5 năm giảm từ 3,95% xuống 3,85%.
Việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp các công ty và hộ gia đình vay và chi tiêu dễ dàng hơn một chút. "Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy chính phủ đang cố gắng hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù tác động cơ bản có thể sẽ hạn chế" - ông Vey-Sern Ling, giám đốc điều hành của Tổ chức Union Bancaire Privee, đánh giá với Hãng tin Bloomberg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận