Trung Quốc thay Bộ trưởng Ngoại giao: Nhất vấn, tam bất tri

C.VĂN 03/08/2023 05:31 GMT+7

TTCT - Trước một câu hỏi duy nhất của cánh báo chí ít ra là từ đầu tháng 7: "Ông Tần Cương đang ở đâu?", Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ba lần chính thức trả lời "không biết", "không có thông tin", "không nghe nói", cho tới hôm 25-7.

Bốn tuần lễ sau lần gần nhất ông Tần xuất hiện công khai (25-6, khi ông tiếp các vị khách Nga, Sri Lanka, và Việt Nam), một bản tin vắn tắt trên Tân Hoa xã cho biết ông đã rời cương vị bộ trưởng ngoại giao, chỉ sau 7 tháng nắm quyền. Bản tin không cho biết lý do hay bất kỳ thông tin chi tiết nào khác.

Dễ hiểu là những bí ẩn xoay quanh biến cố này đã gây ra nhiều đồn đoán.

Ông Tần Cương (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ảnh: China Daily

Ông Tần Cương (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ảnh: China Daily

Hoạn lộ hanh thông

Sinh năm 1966 ở Thiên Tân, ông Tần học chính trị quốc tế ở Đại học Quan hệ quốc tế lừng lẫy của Trung Quốc tại Bắc Kinh và là dân ngoại giao chuyên nghiệp. Ông nắm giữ nhiều cương vị ở Bộ Ngoại giao, bao gồm ghế đại sứ Mỹ ngay trước khi được đề bạt làm bộ trưởng.

Ông cũng đã hai lần làm người phát ngôn bộ này và là vụ trưởng lễ tân giai đoạn 2014-2018, tức người giám sát những nghi lễ và tương tác trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với nước ngoài, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình. Katrina Yu, biên tập viên chuyên trách Trung Quốc của Đài Al Jazeera, nói hoạn lộ của ông Tần là "nhanh như sao xẹt".

Ở tuổi 57, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, vào tháng 12-2020, ông trở thành bộ trưởng ngoại giao vào loại trẻ nhất nước này. "Ông Tần chỉ mất vài năm cho những cương vị mà các quan chức khác có khi phải mất cả chục năm", Yu nói. 

Khi còn là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Tần là một trong những người đầu tiên lên tiếng quyết liệt bảo vệ chính sách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc.

Nhưng gần đây, ông cũng là nhân vật có vai trò then chốt trong các nỗ lực khôi phục liên lạc và tổ chức các chuyến thăm viếng cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm một cuộc gặp giữa ông với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ngày 18-6 ở Bắc Kinh. 

Ông Tần cũng có lịch gặp Cao ủy Đối ngoại EU Josep Borrell ngày 4-7, nhưng EU cho biết phía Trung Quốc đã hủy cuộc hẹn vài ngày trước mà không giải thích gì.

Sau đó, ông Tần Cương lại không thấy đâu trong những cuộc hội đàm rất được chú ý của Trung Quốc với các quan chức cấp cao của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tới 11-7 mới đưa ra giải thích đầu tiên, khi ông Tần vắng mặt ở cuộc họp bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại Jakarta, Indonesia, rằng ông không tới được "vì lý do sức khỏe".

Bối rối

Giới phân tích phương Tây nói thay đổi đột ngột với cương vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao là "điều bối rối lớn" với Trung Quốc. Nicholas Bequelin, nghiên cứu viên cấp cao ở Trung tâm Paul Tsai về Trung Quốc, bình luận: 

"Ông Tần Cương là khuôn mặt đại diện của Trung Quốc với thế giới và trên trường quốc tế, khó mà nói hết tác động tiêu cực của chuyện này với các nhà ngoại giao trên thế giới. Điều này rất quan trọng vì các nhà ngoại giao làm việc dựa trên lòng tin cậy, trên việc quen biết nhau và khả năng có thể liên lạc với nhau".

Ông Tần Cương (phải) và ông Vương Nghị. Ảnh: CNN

Ông Tần Cương (phải) và ông Vương Nghị. Ảnh: CNN

Ông Tần cũng được cho là người tin cẩn của Chủ tịch Tập Cận Bình. "Ông Tần Cương gần như đã được đích thân ông Tập chọn để nhảy cóc qua đầu nhiều ứng viên lâu năm hơn trở thành bộ trưởng ngoại giao năm ngoái", Neil Thomas ở Viện Chính sách Hội châu Á, nói với Al Jazeera.

Cũng bối rối không kém là những ai đang muốn tìm kiếm thông tin xác thực về lý do ông Tần phải thôi chức. Các hãng tin chính thống Trung Quốc cho tới giờ đã im lặng. 

Các hãng tin lớn của phương Tây cũng tỏ ra chừng mực, nhưng nhiều tin đồn đoán đã rộ lên một thời gian dài với các luận cứ không dễ bác bỏ về mối quan hệ giữa ông Tần và bà Phó Hiểu Điền, một người dẫn truyền hình khá nổi tiếng ở Hong Kong.

Bà Phó sinh ở Trùng Khánh, nhưng đã làm nên tên tuổi với vai trò người dẫn chương trình ăn khách "Phong vân đối thoại" của Đài Hong Kong Phoenix (Phượng Hoàng). Được đào tạo ở Anh, từng làm phóng viên thường trú ở London cho Đài Phoenix và hai lần là phóng viên chiến trường ở Libya, bà Phó không chỉ xinh đẹp, mà còn rất lịch duyệt giang hồ.

Trên chương trình Phong vân đối thoại, mà bà đứng đầu từ năm 2014, bà Phó từng phỏng vấn những nhân vật như Ban Ki Moon, Shinzo Abe, John Kerry, Henry Kissinger, và Bashar al-Assad. 

Cuộc phỏng vấn cuối cùng của bà cho chương trình này diễn ra vào tháng 3-2022, với khách mời là ông Tần Cương, bấy giờ đang là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. (Nhiều chuyên gia đọc cử chỉ trên mạng cũng đã rút ra một số kết luận lý thú từ cuộc phỏng vấn này, như việc họ trao đổi ánh mắt nhiều hơn bình thường, có những cử chỉ thân mật quá đà, và những lần mỉm cười ý nhị nhưng không quá kín đáo).

Báo chí Hong Kong, Đài Loan, và Malaysia (như creaders.net hoặc chinapress.com.my) đã chỉ ra rằng bà Phó cũng đã biến mất cùng khoảng thời gian ông Tần không còn xuất hiện công khai. Trước đó đã có nhiều chuyện trùng hợp khác, như vào ngày ông Tần được chính thức bổ nhiệm bộ trưởng, tài khoản Weibo của bà Phó, vốn có hơn 1 triệu người theo dõi, đăng ảnh bà và con trai cùng dòng chữ: "Kết thúc thắng lợi". 

Hay ngày 19-3, cũng tài khoản Weibo đó đăng ảnh bà và con trai (sau đó bị xóa) chia sẻ nội dung đại khái: Cha đang bôn ba làm sứ giả, bận rộn tới mức không có thời gian tổ chức sinh nhật. Ông Tần Cương sinh ngày 19-3-1966.

Vấn đề trở nên phức tạp khi trên tài khoản Instagram có tên người dùng xfu.126 đăng một bức ảnh bà Phó ở khách sạn Millennium Biltmore, Los Angeles, Mỹ, mặc đầm trắng và áo khoác đỏ. Trong một bức hình thứ hai là ông Tần mặc vest và có vẻ đang ở giữa một buổi tiệc. Nhiều bình luận nói họ có thể đã tổ chức kết hôn. 

Cũng trên tài khoản đó ngày 4-3 lại đăng hình con trai bà Phó, nhân dịp tròn 100 ngày tuổi, có vẻ là ở một khu dân cư tại Los Angeles. "Xin báo với các bạn rằng cha của con trai tôi không phải người Mỹ. Chúng tôi đang định sớm trở về quê nhà, và rất háo hức!" là dòng ghi chú kèm theo bức ảnh.

Trong một diễn biến khác, tháng 4-2023, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Phản gián, vừa được Chủ tịch Tập Cận Bình ký ban hành, có hiệu lực từ 1-7-2023. Trả lời phỏng vấn trang của Ủy ban Chính trị pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 26-4-2023 về luật mới này, ông Vương Ái Lập, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trung Quốc, giải thích: 

"Do tình hình phát triển và thay đổi, những vấn đề mới, những hành vi mới, những mối nguy hại mới đe dọa an ninh quốc gia ngày một trở nên đa dạng, công tác phản gián đối mặt nhiều thách thức mới", dẫn tới nhu cầu phải sửa đổi lại bộ luật đã ban hành năm 2014 này.■

Trung Quốc thông báo thay thế ông Tần Cương sẽ là ông Vương Nghị, cựu bộ trưởng ngoại giao và hiện là chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Vương, 69 tuổi, là người tiền nhiệm của ông Tần và đã làm bộ trưởng ngoại giao gần một thập niên từ năm 2013. Chức vụ kiêm nhiệm này của ông Vương đồng nghĩa ông có lẽ chỉ nắm tạm quyền ở Bộ Ngoại giao trong khi chờ bố trí nhân sự mới. Nói tiếng Nhật lưu loát, ông từng làm đại sứ Trung Quốc ở Tokyo và chủ nhiệm Văn phòng Đài Loan của Trung Quốc. Theo hệ thống Trung Quốc, ông Vương Nghị mới là nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, và hồi tháng 3-2023, ông được cho là đã có vai trò lớn trong dàn xếp một thỏa thuận hòa bình gây nhiều ngạc nhiên giữa Iran và Saudi Arabia.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận