18/06/2021 09:15 GMT+7

Trung Quốc tăng tốc giấc mơ Thiên Cung

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ba nhà du hành vũ trụ đã được đưa lên môđun lõi của trạm không gian Thiên Cung. Đây sẽ là sứ mệnh không gian có người lái dài ngày nhất của Trung Quốc, mang theo tham vọng cả về khoa học kỹ thuật lẫn chính trị.

Trung Quốc tăng tốc giấc mơ Thiên Cung - Ảnh 1.

Ba nhà du hành vũ trụ Trung Quốc vẫy tay chào đám đông hò reo tại Trung tâm Không gian Tửu Tuyền ngày 17-6 - Ảnh: Reuters

Đúng 9h22 sáng 17-6 (giờ địa phương), tên lửa đẩy Trường Chinh-2F rời bệ phóng tại Trung tâm Không gian Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, mang theo tàu Thần Châu 12 và ba phi hành gia là Nhiếp Hải Thắng (56 tuổi), Lưu Bá Minh (54 tuổi) và Thang Hồng Ba (45 tuổi). 

Sau khoảng bảy tiếng rưỡi bay, tàu Thần Châu 12 đã kết nối được với môđun lõi của trạm Thiên Cung, đánh dấu thành công bước đầu của sứ mệnh không gian.

90 ngày thử thách

Vụ phóng tàu Thần Châu 12 là chuyến bay thứ 3 trong số 11 chuyến bay cần thiết để hoàn thành trạm Thiên Cung. Theo Hãng tin Reuters, sẽ có 4 sứ mệnh Thần Châu có người lái, các chuyến bay còn lại sẽ do các tàu chở hàng không người lái tên Thiên Châu thực hiện. 

Trong 3 tháng ngoài vũ trụ, các phi hành gia sẽ thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, lắp đặt và kiểm tra các thiết bị trên trạm Thiên Cung.

Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết nhóm phi hành gia sẽ kiểm tra điều kiện sống trên trạm Thiên Cung, bao gồm khả năng chịu đựng của con người trong vũ trụ trên môđun Thiên Hòa.

Đây là môđun lõi của trạm Thiên Cung, có không gian rộng gấp 6 lần không gian sống của trạm Thiên Cung-1 (vốn đã ngừng hoạt động). Thiên Hòa được phóng lên không gian vào tháng 4-2021 và là môđun lớn nhất trong số 3 môđun tạo thành trạm Thiên Cung.

Ông Gao Xu, phó giám đốc thiết kế tàu Thần Châu 12, tiết lộ nhóm nghiên cứu đã phát triển một hệ thống ứng cứu khẩn cấp mới, cho phép giải cứu các phi hành gia cả trong không gian. Con tàu cũng được phủ lớp chịu nhiệt mới so với các tàu Thần Châu trước đó vì phải ở trong không gian lâu hơn.

Đã có 2 tàu Thần Châu 12 được chuyển đến Trung tâm Không gian Tửu Tuyền đề phòng sự cố khẩn cấp. Trong trường hợp cần giải cứu trong không gian, tàu Thần Châu 12 dự bị có thể được phóng trong vòng 8 ngày sau tàu đầu tiên.

Để phục vụ cho mục đích xây dựng trạm Thiên Cung, Trung Quốc đã phóng các trạm không gian nhỏ hơn để thử nghiệm lần lượt vào các năm 2011 (Thiên Cung-1) và năm 2016 (Thiên Cung-2). Các trạm này hiện đã ngừng hoạt động và bị thiêu rụi gần như toàn bộ khi đi vào bầu khí quyển lúc rơi trở lại Trái đất.

Sứ mệnh chào mừng

Vụ phóng tàu Thần Châu 12 diễn ra không lâu trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (23-7-1921 - 23-7-2021) nên được báo chí nước này chú ý đặc biệt, xem như một thành tựu lớn để chào mừng ngày lễ lớn này.

Trong sứ mệnh lần này có chuyến đi bộ ngoài không gian nên nhiều người dân Trung Quốc đã kỳ vọng sẽ được thấy các nhà du hành vẫy quốc kỳ Trung Quốc từ đó, theo Thời Báo Hoàn Cầu.

Vì ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng của sứ mệnh Thần Châu 12, nhà chức trách Trung Quốc đã thận trọng chọn những người có kinh nghiệm thay vì trao cơ hội cho các nhà du hành vũ trụ trẻ tuổi.

Trưởng nhóm Nhiếp Hải Thắng là người có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia sứ mệnh Thần Châu 6 (năm 2005) và Thần Châu 10 (năm 2013), theo Tân Hoa xã. Phi hành gia Lưu Bá Minh cũng từng tham gia sứ mệnh Thần Châu 7 (năm 2008), trong khi đây là sứ mệnh không gian đầu tiên của Thang Hồng Ba.

Những căng thẳng hiện nay giữa Nga và Mỹ dẫn tới một số lo ngại về số phận của Trạm không gian quốc tế (ISS). Theo Hãng tin AFP, ISS dự kiến sẽ "nghỉ hưu" năm 2025 sau nhiều lần được nâng cấp kéo dài tuổi thọ. 

Theo Đài CNN, nếu điều này thực sự xảy ra, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất có trạm không gian có người vận hành trên quỹ đạo Trái đất.

Ông Zhou Jianping, người đứng đầu chương trình tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc, ngày 16-6 thừa nhận Bắc Kinh không muốn có các phi hành gia nước ngoài trong giai đoạn hoàn thiện trạm Thiên Cung. Tuy nhiên, khi trạm không gian này hoàn tất "trong những năm tới", Trung Quốc "chắc chắn chào đón các nhà du hành không phải người Trung Quốc", Đài CNN trích lời ông Zhou.

Theo ông Zhou, một số quốc gia đã bày tỏ ý định hợp tác với Trung Quốc về việc đưa người lên Thiên Cung. Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã thực hiện 7 sứ mệnh Thần Châu, đưa 12 phi hành gia vào không gian, trong đó có Zhai Zhigang, người đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Trung Quốc trong sứ mệnh Thần Châu năm 2008.

Dự án Thiên Cung sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong năm 2021 nhờ tàu Thiên Châu 3 dự kiến phóng vào tháng 9 và sứ mệnh có người lái Thần Châu 13 trong tháng 10. Sau khi hoàn thành, trạm không gian này sẽ bay ở độ cao từ 400 - 450km so với bề mặt Trái đất và có thể hoạt động ổn định trong thời gian 10 năm.

Trạm Thiên Cung của Trung Quốc rơi xuống hôm nay? Trạm Thiên Cung của Trung Quốc rơi xuống hôm nay?

TTO - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết trạm không gian "ngoài tầm kiểm soát" của Trung Quốc có thể rơi trở lại Trái đất chậm hơn dự báo và thời điểm có thể là vào rạng sáng 2-4.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên