Khai thác đất hiếm tại Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh ngày 28-3 giải thích động thái siết chặt khai thác và kiểm soát xuất khẩu đất hiếm nhằm "đảm bảo nguồn cung trong nước". Tờ này cũng nói thẳng, giữa bối cảnh quốc tế ngày càng căng thẳng, Trung Quốc phải "bảo vệ nguồn tài nguyên chiến lược" như đất hiếm.
Bắc Kinh hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới. Đất hiếm là thành phần quan trọng trong các thiết bị điện tử, từ hệ thống mạng viễn thông đến hệ thống radar và tên lửa...
Theo thông báo của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, việc khai thác và buôn lậu đất hiếm phải bị ngăn chặn để bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các khu vực ven sông Dương Tử và Hoàng Hà. Để làm được điều này, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các địa phương sử dụng công nghệ giám sát vệ tinh, trí tuệ nhân tạo và mạng 5G, máy bay không người lái...
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Zhou Shijian, một người trong ngành khai thác quặng Trung Quốc, nhận định động thái mới của chính quyền xuất phát từ cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng. Ông này cũng cho rằng việc siết chặt xuất khẩu là hợp lý, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các công nghệ mới, cần nhiều đất hiếm hơn trước.
Mỹ cùng Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã thảo luận về việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ không Trung Quốc, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ nước này.
Theo tạp chí Nikkei Asia, Mỹ và phương Tây đang muốn đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm, phá thế độc quyền của Trung Quốc.
Thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho thấy Trung Quốc có 58% sản lượng đất hiếm trong năm 2020, giảm từ mức 90% sau khi Mỹ và Úc bắt tay tăng cường sản xuất đất hiếm.
Tuy nhiên theo Thời báo Hoàn Cầu, phương Tây sẽ không thể soán ngôi Trung Quốc trong thời gian ngắn. Tờ này khẳng định trong vòng 10 năm nữa Trung Quốc vẫn sẽ là nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới.
Hãng tin Reuters bình luận, việc phương Tây muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc không phải không có cơ sở. Bắc Kinh đã sử dụng đất hiếm như vũ khí để trả đũa Nhật Bản, khi nước này quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận