30/05/2017 16:44 GMT+7

Trung Quốc sắp rải 'tai mắt' khắp Biển Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chính quyền Bắc Kinh đã quyết định chi 290 triệu USD để xây dựng một mạng lưới quan trắc dưới nước khắp Biển Đông và biển Hoa Đông.

Các nhà khoa học Trung Quốc kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống quan trắc dưới nước sắp được triển khai trên Biển Đông và Biển Hoa Đông - Ảnh chụp màn hình
Các nhà khoa học Trung Quốc kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống quan trắc dưới nước sắp được triển khai trên Biển Đông và Biển Hoa Đông - Ảnh chụp màn hình

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) trong bản tin ngày 28-5 nhấn mạnh dự án này một trong những chương trình cơ sở hạ tầng khoa học trọng điểm quốc gia nên sẽ được ưu tiên thực hiện.

Các hệ thống được lắp đặt trên Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ tạo điều kiện cho việc quan sát 3 chiều, theo thời gian thực,... Một trung tâm giám sát và xử lý dữ liệu sẽ được thành lập ở Thượng Hải để điều khiển toàn bộ hệ thống.

Đáng chú ý, các hình ảnh có độ nét cao thu được không chỉ phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu đại dương mà còn cả nhu cầu quốc phòng-an ninh của Trung Quốc.

"Chương trình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa các nghiên cứu của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng về khoa học trái đất, biến đổi khí hậu toàn cầu; đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực khác như quốc phòng và cảnh báo thảm họa", đài CCTV khẳng định.

Các nhà khoa học Trung Quốc tỏ ra hoan hỷ trước thông tin mới, khẳng định đó là một bước tiến lớn của khoa học nước nhà.

Ông Jian Zhimin, trưởng khoa Khoa học đại dương và trái đất của trường Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã là "cường quốc đại dương, lẽ ra nên làm những việc mà một cường quốc đại dương phải làm nhiều hơn từ sớm".

"Các thiết bị sẽ được đặt trong cáp quang, nói một cách khác, nó cũng giống như xây phòng thí nghiệm dưới biển để thu thập và gửi dữ liệu về cho chúng ta vậy. Một cường quốc đại dương thì phải vùng vẫy nơi biển xa, tung hoành bốn bể", ông Jian tuyên bố.

Đồng quan điểm, ông Zhou Huaiyang nói hệ thống quan trắc dưới biển không chỉ phục vụ cho nghiên cứu khoa học, mà còn có thể được sử dụng cho "các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, lập bản đồ để bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo đảm an ninh quốc gia".

Vị giáo sư thuộc Đại học Đồng Tế cảnh báo: "Cần sớm có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để bảo vệ và đảm bảo thời gian hoạt động lâu dài của các thiết bị và toàn bộ hệ thống".

Các dữ liệu thu được từ hệ thống quan trắc dưới nước của Bắc Kinh có thể cung cấp các thông tin hữu ích cho tàu ngầm Trung Quốc hoạt động tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông - Ảnh: Reuters
Các dữ liệu thu được từ hệ thống quan trắc dưới nước của Bắc Kinh có thể cung cấp các thông tin hữu ích cho tàu ngầm Trung Quốc hoạt động tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông - Ảnh: Reuters

Truyền thông thế giới tỏ ra thận trọng trước thông tin mới từ Trung Quốc. 

Đài truyền hình CNN ngày 29-5 khi dẫn lại bản tin này đã nhận định sự xuất hiện của các thiết bị quan sát dưới nước kiểu này chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc cải thiện năng lực phát hiện tàu chiến nước ngoài, nhất là tàu ngầm hạt nhân trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc hiện đang có tranh chấp và đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý trên cả hai vùng biển này, bất chấp cả phán quyết của tòa quốc tế.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á thuộc Đại học New South Wales (Úc), nhận định đây là một bước đi đơn phương nữa của Trung Quốc để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi" trên Biển Đông.

Theo ông Thayer, hệ thống quan trắc dưới biển của Trung Quốc có thể phục vụ cho cùng một mục đích như hệ thống giám sát thủy âm của Mỹ (SOSUS) được sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hải quân Mỹ khi đó đã sử dụng SOSUC để phát hiện và giám sát hoạt động của các tàu ngầm Liên Xô.

Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống này tại khu vực nào trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên