Ông Đường Kiền - ứng viên tranh cử chức tổng giám đốc UNESCO của Trung Quốc nay đã rút lui - Ảnh: UNESCO
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, động thái của Trung Quốc diễn ra sau quyết định rút khỏi tổ chức UNESCO của Mỹ và Israel với lý do phản ứng lại cái mà hai nước này gọi là "khuynh hướng chống Israel" của cơ quan này.
Cụ thể, việc UNESCO đề cử thành phố Bờ Tây Hebron thuộc Palestine trở thành Di sản thế giới đã khiến Israel nổi giận, cho rằng lịch sử của người Do Thái "bị phớt lờ".
Trước đó, Trung Quốc đề cử ông Đường Kiền (Qian Tang), người đã giữ chức trợ lý Tổng giám đốc UNESCO từ tháng 4-2010, tham gia cuộc đua tranh chiếc ghế lãnh đạo cơ quan này.
Nhưng sau vòng bỏ phiếu ngày 12-10, Bắc Kinh thông báo rút ứng viên của mình lại.
"Trung Quốc đã thông báo rút ứng viên lãnh đạo UNESCO để ủng hộ Ai Cập" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid viết trên tài khoản Twitter chính thức.
Ông Zeid còn mô tả Trung Quốc là "một người bạn lâu năm và chân thành" của Ai Cập, theo truyền thông nước này.
Chức tổng giám đốc UNESCO được bầu dựa trên lá phiếu của các thành viên thuộc Hội đồng chấp hành. Để trở thành người đứng đầu tổ chức phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ứng viên cần giành được ít nhất 30 phiếu bầu.
Ứng viên Đường Kiền của Trung Quốc giành được 5 phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ ba ngày 12-10, trong khi ứng viên Ai Cập Khattab giành được 13 phiếu.
Bà Khattab có thể kiếm được 18 phiếu nhờ sự ủng hộ của Trung Quốc, bằng với hai ứng viên dẫn đầu là ông Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari người Qatar và bà Audrey Azoulay người Pháp.
Ông Phạm Sanh Châu - ứng viên của Việt Nam đã rút lui trước vòng bỏ phiếu thứ ba
Trước đó, ứng cử viên Phạm Sanh Châu của Việt Nam đã quyết định rút khỏi cuộc đua tranh trước giờ bỏ phiếu vòng 3. Ở vòng trước, ông Châu giành được 5 phiếu ủng hộ - bằng với ứng viên Trung Quốc.
Theo TTXVN, việc Việt Nam rút ứng cử trong tình hình tranh cử hiện tại là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với một cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh cao và quyết liệt này.
Ông Michael Worbs, Chủ tịch Hội đồng chấp hành, nhấn mạnh "quyết định rút khỏi cuộc đua của ứng cử viên Việt Nam đã thể hiện sự phân tích tình hình rất sâu sắc".
Theo đánh giá của nhiều thành viên Ban thư ký UNESCO, việc Việt Nam rút ứng cử viên sẽ giúp tập trung phiếu bầu cho những ứng cử viên còn lại.
Trong lịch sử bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO, hầu hết các nước đều rút ứng cử viên của mình nếu sau 2 vòng không đạt được 10 phiếu trở lên. Vào năm 1999, hai ứng cử viên Gareth Evans - Bộ trưởng Ngoại giao của Úc và Ismail Sergeldin - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, của Ai Cập đã quyết định rút lui sau khi chỉ đạt được lần lượt là 6 và 4 phiếu trong vòng 2.
Thậm chí trong kỳ bầu cử năm 2009, ứng cử viên người Áo - Ủy viên châu Âu về quan hệ đối ngoại là Benita Ferrero Waldne cũng đã rút khỏi cuộc đua, mặc dù nâng được số phiếu từ vòng 2 là 9 lên 11 phiếu ở vòng 3.
Các cuộc bầu Tổng Giám đốc các năm 2003 và 2013, do đương kim Tổng Giám đốc tái cử nên cuộc đua dừng ngay tại vòng 1 với chiến thắng áp đảo của đương kim Tổng Giám đốc.
Giới quan sát đánh giá sự rút lui của Mỹ, nước đóng góp đến 1/5 kinh phí hoạt động cho UNESCO, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với tổ chức này.
Có trụ sở tại Paris, UNESCO được thành lập sau Thế chiến thứ 2 với nhiệm vụ bảo vệ các di sản văn hóa, tự nhiên của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận