Theo thông tin do nhà cung cấp dữ liệu kinh doanh Tianyancha công bố ngày 27-5, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng như một loạt ngân hàng quốc doanh và các doanh nghiệp khác đã đầu tư 344 tỉ nhân dân tệ (47,48 tỉ USD) vào giai đoạn thứ ba của Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia.
Lần đầu tư này lớn hơn cả 2 giai đoạn trước cộng lại, bao gồm 138 tỉ nhân dân tệ vào năm 2014 và 204 tỉ USD vào 2019.
Chất bán dẫn là một phần không thể thiếu của nền kinh tế hiện đại, được sử dụng trong mọi thứ, từ thiết bị nhà bếp, điện thoại di động đến ô tô và vũ khí.
Vì vậy, lĩnh vực này cũng đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua, trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi trong những năm gần đây. Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng chip tiên tiến để tăng cường năng lực quân sự.
Năm 2022, Mỹ thông qua Đạo luật chip và khoa học, bao gồm khoản trợ cấp 52 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn.
Với việc Washington đang tìm cách loại các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng, không cho phép họ tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào việc phát triển các nhà sản xuất chip trong nước.
Theo Tianyancha, Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất trong giai đoạn mới nhất của quỹ, cùng với các công ty nhà nước từ Thượng Hải, Bắc Kinh và trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến.
Đến nay, nguồn quỹ đã cung cấp tài chính cho các hãng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International 0981.HK Corporation và Hua Hong Semiconductor 688347.SS, cũng như cho Yangtze Memory Technologies, nhà sản xuất bộ nhớ flash, một số công ty và quỹ nhỏ hơn.
Theo Hãng tin Reuters, một trong những lĩnh vực chính mà giai đoạn thứ ba của quỹ sẽ tập trung vào là thiết bị sản xuất chip.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận