Khó tin đây là hình ảnh trong một đám tang ở Trung Quốc - Ảnh: GT
Trong một đám tang ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, một màn hình điện tử trên sân khấu hiển thị hình ảnh người đã khuất, kèm dòng chữ "Thành kính phân ưu" liên tục chạy qua lại. Đứng trước màn hình đó, không phải là khách viếng hay tang gia.
Một cô gái trong trang phục mát mẻ đỏ lừ uốn éo xung quanh cây cột thép. Từng mảnh vải trên người cô rơi xuống, trong tiếng hò reo, huýt sáo và cổ vũ của đám đông già trẻ lớn bé xung quanh.
Khi cô gái trẻ rời khỏi "sàn diễn" và tiến lại gần "khán giả", đôi tay và những vốn liếng sẵn có của cô không bỏ sót vị trí nào trên cơ thể của những người đàn ông mà cô gặp. Tiếng nhạc xập xình, chát chúa nhưng vẫn đủ để nghe ai đó hét lên "Không được chụp hình".
Những gì mô tả ở trên đã trở thành "nhân tố hiện đại không thể thiếu" trong đám tang ở một số vùng nông thôn Trung Quốc, thời báo Hoàn Cầu viết.
"Vui như đám tang, buồn như đám cưới"
Thuê các ca kỹ về hát tại đám tang là truyền thống bắt đầu từ thời nhà Thanh ở nhiều vùng quê ở Trung Quốc. Người ta tin rằng đám tang càng nhiều ca kỹ càng cho thấy địa vị của người đã khuất cũng như lòng hiếu thảo của con cháu.
Thậm chí, tại một số khu vực của người Thổ Gia, truyền thống "vui như đám tang, buồn như đám cưới" vẫn được duy trì đến tận ngày nay.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi trong vài chục năm trở lại đây. Ngày càng nhiều tang gia chi bộn tiền để mời ca sĩ, diễn viên hài và thậm chí cả vũ nữ thoát y đến biểu diễn tại đám tang. Ca kỹ và những thứ thuộc về truyền thống dần lùi vào quá khứ.
Không ai biết chính xác trào lưu thuê vũ nữ thoát y đến đám tang bắt đầu từ lúc nào. Tạp chí Xã hội Trung Quốc trong một bài báo hồi năm 2006 đã mô tả về đám tang của một thương gia ở tỉnh An Huy: "Các cô gái trẻ đẹp, sexy bắt đầu được thuê như một cách để giải trí và chiều lòng khách viếng. Rõ ràng là các ca kỹ nhanh chóng mất sân sau đó. Ngày càng nhiều người thích thú với các màn thoát y và những bài hát có ngôn từ tục tĩu tại đám tang".
Thậm chí, ở một số tỉnh như Giang Tô đã hình thành hẳn các đoàn vũ nữ thoát y chỉ chuyên phục vụ cho các đám tang. Chuyện một ông/bà bầu nắm trong tay 4, 5 đoàn vũ nữ là bình thường.
Già trẻ lớn bé chăm chú theo dõi màn biểu diễn của các vũ nữ thoát y tại một đám tang ở tỉnh Hà Bắc - Ảnh: TWITTER
Năm 2015, các ngôi làng tại tỉnh Hà Bắc và Giang Tô nổi rần rần trên báo đài Trung Quốc cũng vì lý do này. Hình ảnh các cô gái trẻ trong trang phục thiếu vải quấn lấy cánh mày râu trong đám tang khiến nhiều người giật mình.
Cư dân mạng đã nhảy vào chỉ trích, cho rằng các vùng quê bình yên của Trung Quốc đã bị xâm lăng bởi những thứ thô tục, văn hóa thấp.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã thì bình luận nặng nề rằng trào lưu thuê vũ nữ thoát ý biểu diễn tại đám tang đã cho thấy những cạm bẫy của cuộc sống hiện đại tại Trung Quốc.
Trong khi mọi người cảm thấy sốc và chỉ trích, những người trong cuộc, gồm cả tang gia, cũng lấy làm ngạc nhiên vì phản ứng của người khác. Theo báo Hoàn Cầu, họ không xem đó là tục tĩu. Đối với họ, "tất cả mọi người đến dự đám tang thấy vui là được".
Trong văn hóa của một số dân tộc và vùng miền, nhảy múa khiêu gợi trong đám tang là cách để thể hiện ước nguyện sung túc, con đàn cháu đống của người đã khuất"
Giáo sư Huang Jianxing thuộc Đại học Phúc Kiến phát biểu trên tờ Hoàn Cầu
Lập đường dây nóng, thưởng tiền cho người tố cáo
Tuy nhiên, đối với chính quyền Bắc Kinh, những màn biểu diễn biến tướng là không thể chấp nhận được.
Năm 2015, Bộ Văn hóa Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến dịch bài trừ các hình thức tục tĩu tại đám tang và các dịp lễ hội ở Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, chiến dịch vẫn được duy trì và không có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào từ Bắc Kinh.
Nhà chức trách khẳng định các màn trình diễn khiêu gợi ở nơi công cộng là bất hợp pháp tại Trung Quốc. Bất kỳ ai thuê vũ nữ thoát y về phục vụ đám tang sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Tháng 1-2018, Bộ Văn hóa Trung Quốc tiếp tục phát động một chiến dịch bài trừ rầm rộ, chủ yếu nhắm vào các tỉnh Hà Bắc, An Huy, Giang Tô và Hà Nam.
Các đường dây nóng được thiết lập và được thông báo rộng khắp. Người dân được khuyến khích báo công an hoặc gọi vào đường dây nóng nếu thấy bất kỳ đám tang hay lễ hội nào có các vũ nữ thoát y hoặc các màn biểu diễn "trái với thuần phong mỹ tục". Đổi lại, người báo tin sẽ được giữ kín danh tính bên cạnh việc được thưởng tiền.
Để tăng cường nhận thức của người dân nông thôn, chính phủ Trung Quốc cũng chi hơn 20 tỉ nhân dân tệ để thành lập hơn 600.000 "nhà sách nông thôn" trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn.
Nhiều chuyên gia văn hóa và tâm lý đã chỉ ra rằng những biến tướng tục tĩu xuất phát từ thực tế thiếu "sex" ở vùng nông thôn Trung Quốc. Việc thiếu các nơi vui chơi giải trí như đô thị và sự tò mò về giới tính đã khiến nhiều người ở nông thôn hoan hỉ, vui mừng khi được "rửa mắt" tại các đám tang.
Giáo sư Huang cho rằng đã tới lúc chính quyền Trung Quốc nên cân nhắc vấn đề một cách nghiêm túc, nếu muốn xây dựng xã hội hài hòa, văn minh và phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận