Theo Hãng tin Reuters, cuộc họp có sự tham gia của 10 lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Ấn Độ và Quốc vương Jordan, cùng với Giáo hoàng Francis.
Bên cạnh các nước quen thuộc như Canada, Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Đức, Nhật Bản, G7 năm nay chào đón nhiều đại biểu, khách mời hơn trước, nhằm thể hiện rằng đây không phải là một nhóm khép kín và xa cách.
Trong ngày họp đầu tiên tại miền nam nước Ý, các quốc gia G7 đã nhất trí thỏa thuận cung cấp khoản vay trị giá 50 tỉ đô la cho Ukraine, được bảo đảm bằng lãi suất từ tài sản đóng băng của Nga.
Mặc dù còn nhiều chi tiết cần được hoàn thiện, các thành viên G7 cùng với Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ đóng góp vào khoản vay này, số tiền sẽ được chuyển tới Kiev vào cuối năm nay.
"Hôm nay chúng ta thực hiện một bước tiến lịch sử", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Trong khi Ukraine là chủ đề chính của ngày họp đầu tiên, Trung Quốc sẽ là vấn đề chủ chốt trong ngày 14-6.
Lãnh đạo các nước dự kiến bày tỏ lo ngại về công suất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc và sự hỗ trợ của nước này cho Nga.
Trước đó trong tuần, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc cung cấp chất bán dẫn cho Nga. Washington được cho là lo ngại về lập trường ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan và những cuộc đụng độ với Philippines về tranh chấp hàng hải.
"Trung Quốc không cung cấp vũ khí (cho Nga) nhưng lại cung cấp khả năng sản xuất những vũ khí đó và công nghệ để thực hiện điều này, vì vậy thực tế là Trung Quốc đang giúp Nga", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo giới sau khi ký thỏa thuận an ninh song phương với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ngày 11-6, EU thông báo sẽ áp đặt thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 7. Động thái này tạo ra nguy cơ trả đũa từ Bắc Kinh, vốn đã tuyên bố sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích của mình.
Các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về vấn đề di cư, một vấn đề quan trọng đối với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người đang thúc đẩy châu Âu giúp Ý hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp từ châu Phi.
Nhiều lãnh đạo sẽ rời Ý vào cuối ngày 14-6, bao gồm ông Biden. Sang ngày 15-6, sẽ có các cuộc họp song phương của những người ở lại, trước khi có buổi họp báo cuối cùng từ bà Meloni.
Ngày họp cuối của G7 có sự tham gia của Giáo hoàng Francis. Giáo hoàng dự kiến phát biểu về AI và sẽ có nhiều cuộc gặp song phương, bao gồm với ông Biden, ông Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
"Đây là một ngày lịch sử. Chúng ta sẽ chào đón Đức Thánh Cha. Đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng tham gia G7. Tôi tự hào điều này diễn ra dưới sự chủ trì của Ý", Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói với báo giới ngày 13-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận